Sáng mãi huyền thoại Ngã ba Đồng Lộc

Thứ Bảy, 30/04/2022, 15:32

Ngã ba Đồng Lộc, tượng đài về ý chí sắt đá và sự hy sinh cao cả của lực lượng TNXP trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho đồng bào, thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. 54 năm sau ngày chiến thắng lịch sử, vẫn còn đó những con người đã một thời làm nên chiến tích, trở thành những nhân chứng sống, làm sáng mãi huyền thoại về một ngã ba bi tráng, anh hùng.

1. Ngôi nhà nhỏ của Anh hùng LLVTND La Thị Tám, nguyên mẫu trong bài hát “Cô gái sông La” của nhạc sĩ Doãn Nho nằm lặng lẽ trên con phố Nguyễn Biểu, phường Nam Hà, thành phố Hà Tĩnh. Bước ra từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước khốc liệt, là một trong những yếu nhân góp phần làm nên chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc, cái tên La Thị Tám ngày nay được lựa chọn để đặt tên cho một ngọn đồi mà cách đây gần 54 năm, bà đã hiên ngang đứng giữa trời để “đếm hàng loạt bom rơi”. Trở về với cuộc sống đời thường, nữ Anh hùng đã chọn cuộc sống bình lặng, khép kín, an yên bên những người thân trong gia đình.

Trang 24 - Sáng mãi huyền thoại Ngã ba Đồng Lộc -0
Đoàn công tác của Bộ Công an dâng hoa, dâng hương tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (Tháng 2/2022).

Du khách đến với Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc hôm nay, bên cạnh những công trình, hạng mục ý nghĩa, tiêu biểu như Tượng đài Chiến thắng, Nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc, Tháp chuông, Khu mộ 10 nữ Anh hùng liệt sĩ TNXP, Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc… không thể không nhắc tới đồi La Thị Tám (hay còn gọi là đồi Mòi), nơi có lá cờ Tổ quốc luôn phấp phới tung bay như một biểu tượng của sự chiến thắng.

54 năm về trước, từ đỉnh đồi Mòi, giữa trọng điểm đánh phá của địch, với chiếc ống nhòm nhỏ, sau mỗi lần máy bay Mỹ ném bom, cô gái nhỏ La Thị Tám lại như con thoi chạy lên đồi căng mắt theo dõi quả nào phát nổ, quả nào chưa nổ để chạy xuống Ngã ba Đồng Lộc cắm cờ tiêu báo cho công binh xử lý. Suốt 200 ngày đêm ròng rã, bàn chân bỏng rát và in thành vệt mòn qua những bãi bom nổ chậm, La Thị Tám đã đếm và cắm tiêu được 1.205 quả.

Đồi Mòi giờ đây đã được đặt tên Đồi La Thị Tám và người con gái mà ngay khi vừa bước vào tuổi 20 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, hiện nay là một trong những nhân chứng sống còn lại của Ngã ba Đồng Lộc. Lựa chọn cuộc sống gia đình nhưng bà vẫn dành nhiều thời gian cho đồng đội, đặc biệt là với những người đã ngã xuống cho Đồng Lộc mãi xanh hôm nay và mai sau.

2. Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Tiến Tuẫn, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ Tĩnh, rồi Giám đốc Công an Hà Tĩnh, cũng là một trong những tên tuổi đã góp phần làm nên chiến tích Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại. Là Thượng sĩ, tổ trưởng tổ Cảnh sát trật tự giao thông Đồng Lộc, thuộc Ty Công an Hà Tĩnh, từ năm 1965 đã được phân công nhiệm vụ giữ trật tự giao thông ở bến phà Cầu Phủ và Ngã ba Đồng Lộc.

Trong 4 năm liên tục, đồng chí luôn luôn bám sát địa bàn chiến đấu, dũng cảm, mưu trí, không sợ hy sinh, phối hợp với các lực lượng công binh, giao thông, lái xe, TNXP bảo đảm tốt trật tự, an toàn giao thông. Đồng chí Nguyễn Tiến Tuẫn đã tham gia chiến đấu hàng trăm trận, trực tiếp lao vào lửa đạn, cứu người, cứu hàng, bảo vệ tài sản, phát hiện 30 trường hợp nghi vấn người lạ mặt, kẻ gian, đào ngũ, lạc ngũ; trực tiếp bắt 5 vụ cắt lốp xe ôtô kéo pháo, trộm gạo, buôn lậu và cứu 15 người bị thương. Với thành tích hai lần được "truy điệu sống" ở Ngã ba Đồng Lộc, đồng chí Nguyễn Tiến Tuẫn được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vào năm 1970, khi vừa tròn 28 tuổi.

Trở về đời thường, “chất” Anh hùng tiếp tục được phát huy, khi ở các cương vị là Trưởng Công an thị xã Hà Tĩnh, Công an huyện Hương Sơn, Công an tỉnh Nghệ Tĩnh rồi Công an tỉnh Hà Tĩnh, tên tuổi của người Anh hùng này gắn liền với việc xử lý các “điểm nóng” nhức nhối lúc bấy giờ như vụ việc mâu thuẫn diễn ra từ chính trong nội bộ, sau đó nổi dậy gây rối trật tự trị an ở hai xã Tào Sơn và Ngọc Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An); vụ tranh chấp đá đỏ ở Quỳ Châu, vụ “đồng đen” ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh)…

Đến nay, không chỉ là huyền thoại của Ngã ba Đồng Lộc, Anh hùng Nguyễn Tiến Tuẫn còn là biểu tượng, là niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hà Tĩnh qua các thời kỳ bởi không chỉ sự mưu trí, quyết đoán trong công việc mà còn thể hiện ở lối sống giản dị, chân tình, cởi mở với mọi người, thương yêu chia sẻ với đồng đội, đồng chí, bạn bè.

3. 54 năm sau ngày làm nên chiến thắng lịch sử ở Ngã ba Đồng Lộc, mặc dù 10 nữ TNXP thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552 đã anh dũng ngã xuống nhưng sự hy sinh của các cô đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, được nhân dân Việt Nam đời đời khắc ghi. Hơn nửa thế kỷ qua, cứ mỗi dịp đến ngày thống nhất đất nước, và ngày giỗ 24/7 của các cô, đồng đội, đồng bào cả nước lại xem như đây là một lời “ước hẹn” để cùng trở về Ngã ba Đồng Lộc.

Trang 24 - Sáng mãi huyền thoại Ngã ba Đồng Lộc -0
Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc nhìn từ trên cao.

Khắc ghi công lao và sự hy sinh của những người anh hùng đã làm nên chiến tích Ngã ba Đồng Lộc, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh nói riêng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trung ương Đoàn và đồng bào cả nước nói chung, đã chung tay hướng về, cùng xây dựng nên một cụm Khu di tích xứng với tầm vóc lịch sử.

Sau 54 năm, nơi đây đã và đang hồi sinh mạnh mẽ, với nhiều quần thể di tích, công trình ý nghĩa, tiêu biểu được đầu tư xây dựng, tôn tạo xứng tầm. Cùng với những công trình đã trở thành biểu tượng tâm linh, nhiều hạng mục khác cũng đã và đang được đầu tư xây dựng trong những năm gần đây như 3 cổng chính bằng đá nguyên khối ở ba hướng cổng vào, được khánh thành đã góp phần bảo đảm giữ sự tôn nghiêm trong khu di tích.

Bên cạnh đó, việc tu sửa lại khu mộ của 10 liệt nữ TNXP; đầu tư cải tạo, nâng cấp hồ sinh thái Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc; tôn tạo lại các hố bom trong khu di tích; nâng cấp lại hệ thống sa bàn điện tử; hạng mục cải tạo cổng tứ trụ và bậc cấp lên cổng… đã từng bước đưa Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc xứng tầm với Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Anh Trần Đình Ước, Trưởng ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cho biết thêm, cùng với việc chú trọng đầu tư, nâng cấp các hạng mục di tích tâm linh để bắt kịp xu thế thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, Ban quản lý cũng đã đưa vào quản lý, vận hành mã QR thông tin khu Di tích TNXP Ngã ba Đồng Lộc. Theo đó, mã QR trong khuôn viên Khu di tích sẽ được bố trí gồm 2 infographic song ngữ Việt - Anh và 1 video clip giới thiệu tổng quan về Khu Di tích. Qua đó sẽ giúp du khách tiếp nhận, tìm hiểu thông tin về các hạng mục, công trình một cách chính xác, sinh động và hấp dẫn.

Từ tháng 3/2022, khi Khu di tích mở cửa đón khách tham quan, dâng hoa dâng hương trở lại sau đại dịch COVID-19, đã có hàng trăm nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế đến với Ngã ba Đồng Lộc. Bên cạnh việc hướng dẫn du khách thực hiện các biện pháp an toàn, thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo và nhắc nhở du khách tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, Ban quản lý Khu di tích cũng đã đưa 11 xe điện vào hoạt động để phục vụ đưa đón du khách tham quan, dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ khi đến tham quan.

Những ngày tháng tư lịch sử, khi cả dân tộc cùng rộn rã trong niềm hân hoan, trong cảm xúc thiêng liêng và hào hùng của ngày vui đại thắng, cũng là thời điểm có hàng vạn người đã chọn về với Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, để tưởng nhớ, tri ân và thành kính trước vong linh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. Hành trình về nguồn ấy cũng là cách để khắc ghi, hiện thực hóa lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rằng: “Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh dũng cảm của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do”.

Thiên Thảo
.
.