Quyết tâm đẩy lùi ma tuý từ cơ sở
Đề án “Xây dựng xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố không ma tuý”, đang được Công an các đơn vị, địa phương ở Thanh Hoá triển khai quyết liệt, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma tuý.
Mục tiêu của Công an tỉnh Thanh Hoá đề ra là đến 31/12/2024, tất cả 27/27 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có 100% xã, phường, thị trấn đạt các tiêu chí: 100% người nghiện ma tuý được phát hiện, có hồ sơ quản lý và tham gia các hình thức cai nghiện; 100% người có biểu hiện “ngáo đá” phải được lập hồ sơ giám sát, theo dõi; 100% người nghi sử dụng trái phép chất ma tuý phải được lập danh sách và xét nghiệm; kiềm chế, làm giảm số lượng nghiện và tổng số người sử dụng chất ma tuý; 100% người sau cai nghiện có hồ sơ quản lý; không có điểm, tụ điểm phức tạp, ổ nhóm, đường dây về ma tuý; bắt giữ 100% người phạm tội ma tuý trên địa bàn; không để sót, lọt đối tượng nghiện ma tuý; 100% đại diện gia đình ký cam kết không tham gia tội phạm, tệ nạn ma tuý…
Đại tá Dương Văn Tiến, Phó Giám đốc Công an tỉnh khẳng định: Đề án xây dựng “Xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố không ma túy”, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Phương châm của đề án, lấy phòng ngừa làm trọng, mỗi người dân, mỗi cán bộ, đảng viên phải phát huy vai trò nòng cốt, xung kích trong công tác phòng ngừa, đấu tranh tố giác tội phạm và tệ nạn ma túy, nêu cao tinh thần cảnh giác, tự phòng, tự bảo vệ mình và người thân trước tệ nạn ma túy. Riêng lực lượng Công an, đẩy mạnh công tác nắm tình hình, nhận diện sớm và tuyên truyền, phổ biến pháp luật và cảnh báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy cũng như những hậu quả, tác hại của ma túy để nhân dân cảnh giác, phòng ngừa và đấu tranh tố giác.
Để triển khai đề án có hiệu quả, thời gian qua, Công an huyện Yên Định đã chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền huyện tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về phòng, chống ma túy; tổ chức các “chiến dịch” tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh tố giác tội phạm, tệ nạn ma túy; quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy và quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy, người chấp hành xong hình phạt tù về ma túy tái hòa nhập cộng đồng.
Ông Trịnh Xuân Thúy - Bí thư Huyện ủy Yên Định cho biết, công tác phòng, chống ma tuý là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó lực lượng Công an huyện đóng vai trò nòng cốt. Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến các xã, thị trấn cần phải bám sát mục tiêu, yêu cầu về nhiệm vụ giải pháp của Đề án, cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các mục tiêu đề ra.
Với mục tiêu chủ động phòng ngừa, đấu tranh kiểm soát chặt chẽ tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền thành phố Sầm Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp tuyên truyền và phòng ngừa, đấu tranh đối với tội phạm, tệ nạn ma túy và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Nhiều điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy đã được phát hiện và đấu tranh triệt xóa; phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ nói chung, phong trào toàn dân phòng, chống ma túy nói riêng được đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn hưởng ứng tham gia.
Quan Hoá là huyện miền núi biên giới nằm giáp ranh với huyện Mường Lát và các địa bàn phức tạp về ma túy, như: Huyện Vân Hồ (Sơn La), huyện Mai Châu (Hòa Bình) và tỉnh Hủa Phăn (Lào)… Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống, kiểm soát ma túy, Công an huyện Quan Hóa đã tham mưu cho Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền và các đơn vị chức năng triển khai thực hiện mô hình “Xã, thị trấn, huyện không ma túy” trong cộng đồng dân cư. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy bảo đảm phù hợp với từng địa bàn, đối tượng; tập trung các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai; xác định là biện pháp then chốt để vừa “cắt cầu”, vừa góp phần quan trọng để “chặn cung” về ma túy; thực hiện hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng, quản lý chặt chẽ các loại đối tượng tại xã, thị trấn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, không để tội phạm ma túy lợi dụng hoạt động…
Theo báo cáo của Công an tỉnh Thanh Hoá, chỉ tỉnh riêng năm 2022 đến nay, Công an toàn tỉnh Thanh Hoá đã phát hiện hơn 2.200 vụ, gần 4.000 đối tượng phạm tội về ma tuý, thu giữ hơn 50kg heroin, hơn 100kg ma tuý tổng hợp các loại… Tuy nhiên, do đặc điểm địa bàn rộng, dân số đông, vị trí tiếp giáp với nhiều tỉnh, thành trong nước và nước ngoài, đặc biệt là tệ nạn mua bán ma tuý tại khu vực “tam giác vàng”, khiến cho tình hình ma tuý trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá tiếp tục có những diễn biến phức tạp… Ngoài ra, toàn tỉnh có gần 3.000 người chấp hành xong án phạt tù liên quan đến ma tuý trở về địa phương; gần 2.800 người nghiện ma tuý và hàng nghìn người sử dụng trái phép chất ma tuý, khiến cho công tác phòng, chống tội phạm ma tuý càng cam go hơn bao giờ hết.
Cùng với “phòng tuyến 3 lớp”, “chuyển hoá địa bàn phức tạp”, liên tục đánh mạnh, đánh trúng các đường dây, ổ nhóm, điểm, tụ điểm về ma tuý của lực lượng Công an đã góp phần quan trọng trong việc “chặn cung”, “giảm cầu” ma tuý ở Thanh Hoá trong thời gian qua. Đề án “Xây dựng xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố không ma tuý” là bước đột phá, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma tuý ở Thanh Hoá trong thời gian tiếp theo.