Quên mình cứu người gặp nạn

Thứ Sáu, 19/08/2022, 15:22

Xác định nguy hiểm, nhưng những chiến sĩ Cảnh sát Phòng Cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) vẫn không ngại dấn thân. Trên trận tuyến bảo vệ Nhân dân, họ luôn đi tiên phong, sẵn sàng bất chấp nguy hiểm, thậm chí có thể hy sinh cả tính mạng với tinh thần quả cảm, phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ CAND "Vì nước quên thân, vì dân quên mình"...

Phút “xuất thần” của Đại uý Cảnh sát cứu sống 4 nạn nhân đuối nước

Hành động quên mình lao xuống biển cứu được 4 người bị đuối nước và hỗ trợ tìm kiếm người mất tích ở vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu của Đại úy Thái Ngô Hiếu, cán bộ Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (CC&CNCH) khu vực Trảng Bom (Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - PCCC&CNCH, Công an tỉnh Đồng Nai), được nhiều người xem như “người hùng”. Còn riêng anh luôn khiêm tốn: “Khi thấy ai đang gặp nạn thì cũng sẽ lao vào để cứu...”.

Tôi gặp Đại úy Thái Ngô Hiếu khi anh vừa từ Hà Nội trở về đơn vị sau Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962-20/7/2022). Anh là một trong số những CBCS tiêu biểu được tuyên dương gương điển hình tiên tiến lực lượng CSND.

Quên mình cứu người gặp nạn -0
Đại úy Thái Ngô Hiếu (hàng trên, thứ 2 từ trái sang) trong một vụ cứu nạn, tìm kiếm nạn nhân đuối nước.

Chia sẻ cảm xúc với phóng viên, anh nói rằng mình may mắn và hạnh phúc vì đã được Nhà nước, Bộ Công an... tuyên dương. Vụ việc xảy ra vào sáng 10/4/2022, tại bãi tắm thuộc ấp Tân Phước, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong lúc cùng vợ con và gia đình nhân dịp nghỉ lễ tới tắm biển tại đây, anh thấy một nhóm bạn trẻ đang tắm biển gần đấy, bất ngờ xảy ra tình trạng đuối nước tập thể.

Bằng kỹ năng và kinh nghiệm của mình, anh đã bất chấp nguy hiểm nhanh chóng bơi qua khu vực nhóm bạn trẻ bị nạn, trực tiếp lần lượt kéo được bốn người (1 nam, 3 nữ) lên khỏi mặt nước đưa vào bờ an toàn. Lúc đó, tất cả các nạn nhân đều trong tình trạng đã bất tỉnh, tay chân tím tái. Khi đưa được nạn nhân lên bờ, bằng những kỹ năng, nghiệp vụ được tập huấn về sơ cấp cứu ban đầu, anh đã nhanh chóng hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực, cứu sống được các nạn nhân.

Đáng tiếc là một nạn nhân do phát hiện trễ, dù được anh Hiếu cùng các CBCS của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục tổ chức tìm kiếm, nhưng đã không qua khỏi.

“Thật lòng lúc nghe thấy tiếng kêu cứu, tôi chỉ nghĩ được là phải lập tức cứu người, không nghĩ gì đến bản thân vì tôi là người làm nhiệm vụ CNCH đã 10 năm nay. Ngay cả vợ tôi cũng vì quá quen với đặc thù công việc của chồng mà đã hình thành phản xạ cứu người... Lúc đó, cô ấy còn bảo "bố ơi, ngoài kia còn một người nữa”, anh Hiếu bộc bạch.

Đại úy Thái Ngô Hiếu kể về tuổi thơ của mình, ngay từ khi lên 7 tuổi, do ở quê (xóm Yên Khánh, xã Yên Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) đều có mương rạch trước nhà, sau nhà lại có con mương lớn, cách nhà một cây số có con sông lớn, nên Hiếu đã được bố cho tập bơi. Trong những ngày nghỉ học, những ngày nắng hè, được bơi lội dưới dòng mương trước nhà cùng chúng bạn là niềm vui thích của Hiếu...

Nhưng có lẽ cũng vì thế mà sau này khi anh viết đơn tình nguyện nhập ngũ vào lực lượng CAND (năm 2012), sau khóa huấn luyện, anh lần lượt được bố trí công tác tại Đội Chữa cháy và Đội CNCH tại huyện Trảng Bom, thuộc Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH và càng phát huy khả năng bơi lội dẻo dai. Đến năm 2015, sau khi được biên chế vào lực lượng CAND, anh được cử chọn đi học tập trung khóa Trung cấp PCCC.

Trong những năm đầu, anh đều trong thành phần thi chạy vũ trang, thi chiến sĩ khỏe cho Công an tỉnh, thi điền kinh... và đã đạt được nhiều giải thưởng cao. Từ năm 2015 đến nay, anh được lãnh đạo các cấp cử đi tập huấn các lớp nghiệp vụ về CC&CNCH. Vào năm 2018, sau khi sáp nhập Cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai vào Công an tỉnh, anh được phân công nhiệm vụ tại Tổ CNCH - Đội CC&CNCH khu vực Trảng Bom thuộc Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH. Trong thời gian này, anh đã tham gia rất nhiều vụ CC&CNCH nguy hiểm, phức tạp trên địa bàn 3 huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Vĩnh Cửu và chi viện cho các địa bàn khác khi được yêu cầu của cấp trên.

“Bố mẹ tôi dù biết tôi có chuyên môn, khả năng bơi lội tốt, nhưng do đặc thù công việc luôn tiềm ẩn sự nguy hiểm nên ông bà cũng lo lắng, thường xuyên căn dặn tôi cẩn trọng trong các tình huống CNCH”, anh Hiếu chia sẻ.

Trong quá trình công tác, anh đã tham gia 39 vụ CNCH (trong đó có 2 vụ cứu nạn các hộ dân bị ngập do mưa lũ kéo dài trong khu vực lòng hồ Trị An, 4 vụ CNCH trên cao, 7 vụ CNCH dưới giếng sâu, 1 vụ CNCH trục vớt phương tiện giao thông bị trôi giữa dòng sông, 1 vụ sập đổ công trình đang xây dựng, 24 vụ CNCH nạn nhân bị đuối nước ở sông, hồ), di chuyển được hơn 50 hộ dân bị ngập lụt đến nơi an toàn, cứu được 11 người bị nạn, tìm kiếm được 37 thi thể nạn nhân, 1 xe tải, thu các tang vật vụ án hình sự dưới giếng sâu...

“Kình ngư”giải cứu 105 học sinh trong mưa lũ

Vụ việc đã qua lâu rồi, nhưng thầy giáo, cô giáo ở Trường THPT Lâm Bình, thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang vẫn nhớ như in trận mưa lũ kinh hoàng. Rạng sáng 29/6/2022, trên địa bàn huyện Lâm Bình xảy ra trận mưa lớn, dồn dập, trong thời gian ngắn lượng mưa lên đến 187mm, làm sạt lở đất đá trên nhiều tuyến đường; gây ngập lụt nhiều diện tích hoa màu, cuốn trôi nhiều tài sản của người dân. Trường THPT Lâm Bình, thị trấn Lăng Can là một trong những nơi bị ngập sâu nhất do ở vị trí thấp, nằm sát bờ suối. Nhiều cơ sở vật chất, bàn ghế, tài liệu, đồ dùng học tập, đồ dùng sinh hoạt của giáo viên, học sinh nhà trường bị ngập sâu trong nước lũ, có nơi ngập sâu hơn 2m, làm hư hỏng nhiều tài sản, ảnh hưởng rất lớn đến công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Đặc biệt trong khu ký túc xá của trường có 105 em học sinh đang ở khu nội trú bị nước lũ cô lập, gặp nguy hiểm khi nước lũ tiếp tục lên cao.

Quên mình cứu người gặp nạn -0
Chiến sĩ Quan Ngọc Hoàng thời điểm cứu các em học sinh bị mắc kẹt trong mưa lũ.

Trong đêm mưa lũ đó, binh nhì Quan Ngọc Hoàng, chiến sĩ nghĩa vụ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Tuyên Quang đang trong thời gian được nghỉ phép về thăm gia đình thì nhận được tin báo của một em học sinh ở khu ký túc xá Trường THPT Lâm Bình. Dù trời đang mưa to, đêm tối, Hoàng đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, khẩn trương đến hiện trường để thực hiện công tác cứu nạn. 

Từ nhà Hoàng đến hiện trường chỉ có 1km mà dường như quãng đường ấy “dài vô tận”, do mưa to dồn dập khiến nhiều vị trí bị sạt lở, ngập úng, di chuyển rất khó khăn. Lúc này, Hoàng phải bơi qua dòng nước xiết tiếp cận hiện trường, vào khu ký túc xá để thực hiện công tác cứu nạn. Nhận định rõ tính chất nguy hiểm của vụ việc, Hoàng đã điện thoại xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị, được sự hướng dẫn của lãnh đạo đơn vị và bằng kinh nghiệm của bản thân, Hoàng cùng với các lực lượng tại chỗ chủ động trấn an tinh thần cho các em học sinh, hướng dẫn và đưa toàn bộ 105 học sinh đến các vị trí an toàn.

Sau đó, Hoàng tiếp tục phối hợp với các lực lượng tại chỗ triển khai các phương án đảm bảo ANTT, hỗ trợ di dời tài sản, trang thiết bị đến nơi an toàn. Khi nước lũ rút, Hoàng cùng đồng đội tiến hành dọn dẹp bùn, đất, quét dọn, vệ sinh, lau chùi, thu gom rác thải trong khuôn viên nhà trường, sắp xếp lại đồ dùng, trang thiết bị, dụng cụ học tập để giáo viên và học sinh nhanh chóng ổn định tình hình, khôi phục việc dạy và học, nhất là việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sắp đến gần.

Thầy Nguyễn Thế Việt, Phó trưởng Ban quản sinh cho biết, Quan Ngọc Hoàng nguyên là học sinh của nhà trường. Hoàng đã có tinh thần trách nhiệm, dũng cảm hỗ trợ, giúp đỡ nhà trường, thể hiện người chiến sĩ Công an vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi binh nhì Quan Ngọc Hoàng về hành động dũng cảm giải cứu kịp thời 105 em học sinh khỏi vùng nước lũ; Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cũng đã tặng Bằng khen cho binh nhì Quan Ngọc Hoàng về thành tích xuất sắc trong công tác CNCH và khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ.

Trao đổi với phóng viên, Quan Ngọc Hoàng tâm sự: “Em vừa tham gia huấn luyện, vừa ôn thi để chuẩn bị kỳ thi tuyển sinh Đại học sắp tới. Em mong được đứng trong hàng ngũ CAND, cùng đồng đội tham gia chiến đấu với “giặc lửa”, cứu người và tài sản”.

Tuy tuổi đời còn trẻ, mới tham gia nghĩa vụ PCCC và CNCH, nhưng việc làm của chiến sĩ Quan Ngọc Hoàng đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng đội và nhân dân. Mong Hoàng tiếp tục phấn đấu trở thành chiến sĩ cứu hỏa quả cảm đúng như kỳ vọng của em và người thân, đồng đội.

Phú Lữ - Minh Hiền
.
.