Phối hợp ngăn chặn, kìm chế sự gia tăng của tội phạm trên không gian mạng
Ngày 3/11, tại Hà Nội, Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) đã chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (CSHS) và một số đơn vị của Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học cấp Hội đồng với chủ đề “Phòng, chống tội phạm hoạt động trên không gian mạng theo chức năng của lực lượng CSHS - Những vấn đề lý luận và thực tiễn". Thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ Công an, Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND chủ trì hội thảo.
Đề dẫn tại hội thảo, Đại tá, PGS.TS Trần Quang Huyên, Phó Giám đốc Học viện CSND nhấn mạnh: Không gian mạng đã thực sự trở thành công cụ hữu ích cho mọi đối tượng trong xã hội, tạo ra những thuận lợi, thời cơ cho Việt Nam đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, với đặc thù là không biên giới và có tính ẩn danh cao, không gian mạng cũng đang dần trở thành môi trường thuận lợi để các đối tượng trong và ngoài nước tăng cường thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là tội phạm về TTXH với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, diễn biến nhanh, xuất hiện nhiều yếu tố phức tạp và khó nhận diện hơn.
Trong thời gian vừa qua, lãnh đạo Bộ Công an đã quán triệt quan điểm, chủ trương về tư duy mới trong phòng, chống tội phạm từ truyền thống đến hiện đại, tập trung chuyển hướng mạnh mẽ công tác nghiệp vụ cơ bản từ “thủ công truyền thống” sang chủ động, kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ có hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng, khai thác các thành tựu khoa học, công nghệ. Kết quả đã từng bước ngăn chặn và kiềm chế sự gia tăng của tội phạm về TTXH trên không gian mạng, tạo ra những chuyển biến tích cực, góp phần không nhỏ vào mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm và sự ổn định, phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về TTXH trên không gian mạng của lực lượng CSHS còn một số những khó khăn, hạn chế nhất định…
Thảo luận tại hội thảo, các ý kiến đều cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, tội phạm về TTXH đang có sự chuyển hướng hoạt động với diễn biến rất nhanh, liên tục thay đổi với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, có sự liên kết giữa đối tượng trong và ngoài nước với việc nghiên cứu xây dựng nhiều kịch bản mới để tiếp cận nạn nhân theo hướng ngày càng đa dạng, phức tạp, khó nhận diện và đối phó hơn trên không gian mạng.
Bên cạnh các loại tội phạm như đánh bạc và tổ chức đánh bạc trực tuyến; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; hoạt động “tín dụng đen” trên không gian mạng; thực hiện các hành vi mua, bán văn bằng, chứng chỉ giả; quảng cáo, rao bán vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, quân trang, quân dụng; mua bán các chất ma túy, chất độc, chất cấm trên không gian mạng; truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, môi giới mại dâm, mua bán người...
Thông qua mạng xã hội, cũng đã xuất hiện một số phương thức hoàn toàn mới gắn liền với sự phát triển của CNTT.
Đó là hành vi sản xuất, mua bán, trao đổi, sử dụng các loại phương tiện, thiết bị, phần mềm độc hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, có chức năng thu thập thông tin cá nhân người dùng; tấn công, xâm nhập hệ thống ngân hàng để thu thập, đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tiền của các cá nhân và ngân hàng; sử dụng công nghệ AI, công nghệ Deepfake với thuật toán tái tạo lại khuôn mặt, giọng nói có độ chính xác cao để làm giả cuộc gọi video nhằm chiếm đoạt tài sản...
Từ thực tiễn trên, các ý kiến đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về TTATXH trên không gian mạng trong thời gian tới. Đó là tập trung nắm, đánh giá và dự báo tình hình, diễn biến hoạt động của tội phạm, chủ động nhận diện, phát hiện những phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, lĩnh vực, tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp để kịp thời tham mưu, đề xuất lãnh đạo các cấp các xây dựng chủ trương, chương trình, kế hoạch phòng ngừa và đấu tranh; nghiên cứu đề xuất, chỉnh sửa một số văn bản quy định về chức năng, thầm quyền tiến hành các hoạt động nghiệp vụ, đặc biệt là công tác nghiệp vụ cơ bản trên không gian mạng; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng lực công tác, trình độ pháp luật, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ, khoa học, công nghệ, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh, thành viên Ban nghiên cứu chuyên đề giúp việc của Bộ trưởng Bộ Công an đề xuất cần tiếp tục kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Viễn thông, nhất là các quy định liên quan đến quản lý thông tin thuê bao điện thoại; Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch tài khoản ngân hàng…
Đại diện đến từ các Cục nghiệp vụ, Công an các đơn vị địa phương cũng đề xuất Bộ Công an tiếp tục quan tâm đầu tư, trang bị các thiết bị kỹ thuật công nghệ cao, các phần mềm chuyên dụng cho lực lượng CSHS; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các đơn vị trong và ngoài lực lượng; đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, ký kết văn bản hợp tác đa phương, song phương với các quốc gia; tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành ký kết văn bản thỏa thuận, hợp tác, hỗ trợ với các cơ quan quản lý chuyên ngành như Ngân hàng Nhà nước, Bộ TT&TT, đơn vị quản lý dịch vụ thanh toán trực tuyến, doanh nghiệp tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ, ứng dụng trên nền tảng Internet như Facebook, Google, Youtube, TikTok nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, phát hiện và điều tra tội phạm trên không gian mạng…
Phát biểu tổng kết tại hội thảo, Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND giao Học viện CSND, đơn vị thường trực tổ chức hội thảo tổng hợp ý kiến của các nhà khoa học tham luận trực tiếp tại hội thảo và các ý kiến trong bài báo khoa học đăng trên kỷ yếu để xây dựng và hoàn thiện báo cáo kiến nghị tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật và văn bản hướng dẫn thực hiện để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về TTXH trên không gian mạng.
Trung tướng Trần Minh Hưởng cũng đề nghị các đơn vị lực lượng CSHS Công an các đơn vị, địa phương, các đơn vị chức năng của các học viện, trường CAND nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, linh hoạt các nội dung, kết quả của hội thảo để thực hiện nhiệm vụ được giao nhằm thể chế quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Công an về đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng trong tình hình mới.