Phát huy vai trò xung kích trong đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng

Chủ Nhật, 03/03/2024, 07:51

Đại úy Lê Thế Văn, cán bộ Phòng Giám sát thông tin mạng và Phòng, chống hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia (Phòng 3), Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an là một trong hai cán bộ Công an được đề cử "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023". 

Đại úy Lê Thế Văn, cán bộ Phòng 3, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng một kỷ niệm để lại cho anh và đồng đội nhiều ấn tượng. Đó là chuyên án đấu tranh với hoạt động thu thập, mua bán, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng. Trong chuyên án này, anh là trinh sát chủ lực… Những chia sẻ của Đại úy Lê Thế Văn phần nào giúp chúng tôi hiểu hơn về công việc và những khó khăn mà hằng ngày, hằng giờ anh và đồng đội phải đối mặt.

z5177488629658_34c0c9a18fa35789579659318a42712f.jpg -0
Đại uý Lê Thế Văn (đứng thứ 3 từ bên phải sang) cùng đồng đội trong một hoạt động của đoàn thanh niên.

Trong chuyên án này, Đại úy Lê Thế Văn đã tham mưu, đề xuất, tham gia xây dựng các kế hoạch, báo cáo, tổng hợp, đánh giá tài liệu phục vụ ban chuyên án; xác minh, phát hiện, lập danh sách các cá nhân, tổ chức liên quan đến hoạt động mua bán, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng; phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ trực tiếp tham gia triển khai công tác trinh sát, xác minh, theo dõi mật phục, áp dụng các chiến thuật nghiệp vụ với các đối tượng trong chuyên án. Đồng thời, trực tiếp thực hiện kế hoạch bắt khám xét, lấy lời khai, thu thập bằng chứng đối với 2 đối tượng chính.

Bằng kinh nghiệm trinh sát, anh đã cùng đồng đội mưu trí, sáng tạo giải quyết các vấn đề khó của chuyên án đảm bảo linh hoạt, hiệu quả. Qua đấu tranh đã triệu tập, khám xét khẩn cấp, giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với toàn bộ 15 đối tượng chính và liên quan trong chuyên án; tạm giữ 4 tỷ 50 triệu đồng, 18 máy tính, 19 điện thoại di động, 13 ổ cứng, 9 USB, 11 sim điện thoại, 24 tài khoản trực tuyến (facebook, zalo, email). Từ đó làm rõ, hoạt động chiếm đoạt, thu thập, rao bán, sử dụng trái phép hơn 1.237GB dữ liệu chứa hàng trăm triệu thông tin về cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ điện lực, giáo dục, ngân hàng, bảo hiểm, đăng ký kinh doanh, tài chính, viễn thông…, vô hiệu hóa hoàn toàn hoạt động thu thập, chiếm đoạt, rao bán dữ liệu, thông tin cá nhân.

Anh nhớ lại: "Thực hiện chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, tôi cùng các đồng chí trong đơn vị đã truy tìm, rà soát các đối tượng có hoạt động mua, bán dữ liệu cá nhân trên không gian mạng. Trong quá trình này, tôi và đồng đội phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Các đối tượng trong ổ nhóm có nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với sự phát hiện của lực lượng chức năng như sử dụng thông tin ảo, tài khoản ngân hàng ảo để đăng thông tin mua bán dữ liệu công khai trên các hội, nhóm; lập hàng loạt website quảng bá dịch vụ mua, bán dữ liệu ẩn danh nên việc tìm ra thông tin thật của đối tượng là vô cùng khó khăn".

Từ vụ án này, Phòng 3 đã báo cáo lãnh đạo các cấp về thực trạng mua bán dữ liệu cá nhân, được đồng ý của các cấp lãnh đạo, đã xác lập chuyên án, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tập trung đấu tranh, làm rõ các đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu quy mô lớn nhất tại Việt Nam lúc bấy giờ.

"Tội phạm trên không gian mạng là những đối tượng am hiểu về công nghệ thông tin; đã lợi dụng tính ẩn danh, lan toả nhanh của không gian mạng và sự đa dạng của các loại hình dịch vụ mạng xã hội trực tuyến, nhất là mạng xã hội facebook, youtube…, để thực hiện các hoạt động phạm tội. Sau đó, nhanh chóng xóa bỏ các dấu vết hoạt động khiến cho việc thu thập thông tin, tài liệu gặp nhiều khó khăn. Vì thế, khi một sự việc xảy ra, tôi và đồng đội phải nhanh chóng tổ chức các biện pháp xác minh, truy tìm nhóm tội phạm", nói về những khó khăn trong công tác đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng, Đại úy Lê Thế Văn cho biết.

Trong thời qua, anh cùng đồng đội đã triển khai các biện pháp bảo vệ an ninh mạng nắm tình hình trên không gian mạng, phát hiện hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, khủng bố, phá rối an ninh, gây bạo loạn… Từ đó tham mưu, triển khai biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, góp phần ổn định chính trị, ổn định xã hội, bảo đảm an toàn các sự kiện chính trị, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, xã hội lớn của đất nước.

Trong hai năm, anh đã trực tiếp tham mưu 2 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Ban Bí thư, 18 báo cáo lãnh đạo Bộ và hơn 30 văn bản trao đổi Công an đơn vị, địa phương liên quan về tổ chức đấu tranh, ngăn chặn, bóc gỡ, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động sử dụng không gian mạng chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, phản động, chống đối trong và ngoài nước. Nghiên cứu, phân tích, đánh giá, đưa ra các báo cáo dự báo về tình hình an ninh mạng, tội phạm mạng, đặc biệt là hoạt động tấn công, phá hoại nội bộ trên không gian mạng góp phần vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác thông tin xấu độc trên không gian mạng…

Tham gia chuyên án đấu tranh với nhóm đối tượng hoạt động chống Đảng, Nhà nước. Với vai trò tham gia trực tiếp chuyên án, anh đã phối hợp đồng đội triển khai đồng bộ các mặt công tác nghiệp vụ; sử dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo nhiều biện pháp, phương án, chiến thuật nghiệp vụ trong xác minh, truy tìm, đấu tranh với các đối tượng. Kết quả, đã phối hợp Công an các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk bắt, khởi tố 5 đối tượng. Trong đó, có 2 đối tượng về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân;" 1 đối tượng về tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam" và 2 đối tượng về tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

Ngoài ra, anh còn tham gia đấu tranh với hoạt động đăng tin giả. Trong ổ nhóm này, các đối tượng đã lập nhiều trang (fanpage), nhóm (group) facebook cả công khai lẫn bí mật để chia sẻ, tán phát thông tin, bài viết, video có nội dung xấu; sử dụng môi trường mạng để liên lạc, lôi kéo, tập hợp lực lượng, tuyên truyền những thông tin bịa đặt, vô căn cứ chống phá Đảng, Nhà nước, cán bộ lãnh đạo cấp cao… Các thông tin này được chia sẻ, phát tán một cách nhanh chóng, rộng rãi và nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, uy tín của các tổ chức, cá nhân.

"Trước tình hình trên, chúng tôi đã tiến hành sử dụng hành loạt các biện pháp nghiệp vụ; rà soát hàng ngàn trường hợp đưa tin sai sự thật; đấu tranh, gọi hỏi hàng trăm đối tượng. Đồng thời, luôn thường trực triệu tập, đấu tranh với các đối tượng có biểu hiện lợi dụng tình hình, các sự kiện, vụ việc nóng để chống phá đất nước và nhắc nhở đối với những người thiếu hiểu biết và đấu tranh với các đối tượng cố tình có các hoạt động tung tin giả, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể, nhằm góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, với tinh thần, nỗ lực cao" - Đại uý Lê Thế Văn cho biết.

Phát huy nhiệt huyết của tuổi trẻ và nêu cao ý thức trách nhiệm của một người đoàn viên, Đại uý Lê Thế Văn đã gương mẫu, xung kích và năng nổ đi đầu tham gia các hoạt động, phong trào đoàn thể do chi đoàn và Đoàn Thanh niên Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát động. Điển hình như tham gia hưởng ứng, tổ chức, duy trì hoạt động "Ngày Chủ nhật xanh" với sự tham gia của hàng trăm lượt đoàn viên; đăng ký đảm nhận phần việc trồng, chăm sóc cây xanh; tham gia quyên góp ủng hộ vào các quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", "Phòng chống thiên tai", "Nghĩa tình biên giới hải đảo"…

Với những thành tích đã đạt được, Đại uý Lê Thế Văn đã nhiều lần được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen; từ năm 2020 đến 2023 đến nay, liên tục đạt danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở"; trong đó, 1 lần vinh dự được Bộ Công an tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng CAND".

Xuân Mai
.
.