Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở
Trong công tác bảo vệ an ninh trật tự (ANTT), từ các thành phố lớn cho đến các tỉnh biên giới vùng sâu vùng xa, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Họ được xác định giữ vai trò nòng cốt trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở, là “cánh tay nối dài” hỗ trợ lực lượng Công an chính quy.
Việc xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở chính là phát huy vai trò nòng cốt, vai trò “cánh tay nối dài” của họ, nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ANTT.
Là TP kinh tế - văn hóa lớn của cả nước, TP Hồ Chí Minh cũng là địa bàn có tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp, tiềm ẩn, phát sinh nhiều nguy cơ, thách thức mới. Số vụ phạm tội về trật tự xã hội luôn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu, tình hình tội phạm của cả nước. Đáng chú ý, từ đầu năm 2020, xuất hiện các đợt dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP kéo theo nhiều hệ lụy xã hội, là điều kiện cho các tội phạm hoạt động đã tác động ảnh hưởng đến công tác đảm bảo ANTT của TP.
Theo Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, quán triệt quan điểm nhất quán của Đảng ta là “Công tác bảo đảm ANTT là trách nhiệm của hệ thống chính trị, vận hành cơ chế: Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, các ban, ngành, đoàn thể và toàn dân tham gia, lực lượng Công an có vai trò nòng cốt”, cùng với các công tác khác, Công an TP đã chú trọng củng cố, phát huy vai trò nòng cốt của các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng trong các hoạt động tự quản về ANTT ở cơ sở, giúp lực lượng Công an chính quy chủ động, kịp thời phát hiện, giải quyết ngay tại chỗ các vụ án, vụ việc không để bị động, bất ngờ.
Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2021, thông qua công tác nắm tình hình, lực lượng bảo vệ dân phố đã phát hiện 20.379 vụ việc có liên quan đến ANTT, tham gia hòa giải 20.588 các vụ mâu thuẫn tranh chấp trong nội bộ nhân dân, không để diễn biến phức tạp; tiếp nhận 53.945 nguồn tin do nhân dân cung cấp liên quan đến ANTT với hơn 22.000 tin có giá trị, phối hợp với lực lượng Công an cấp cơ sở giải quyết 103.997 vụ việc liên quan đến ANTT, tham gia bắt 269 vụ/287 đối tượng phạm tội quả tang…
Lực lượng này đã hỗ trợ đắc lực lực lượng Công an chính quy trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý cư trú, phòng cháy chữa cháy, trật tự an toàn giao thông và vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Bên cạnh đó, phối hợp với lực lượng Công an chính quy xây dựng, củng cố và duy trì hoạt động của các mô hình tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; tổ chức 7.280 buổi với 237.240 lượt người tham gia về các chuyên đề bảo đảm ANTT, tuyên truyền phòng ngừa tác hại của ma túy, các bộ luật được ban hành…
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19, lực lượng dân phố, dân phòng đã tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch đặc biệt phối hợp cùng lực lượng Công an cơ sở “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để thực hiện chính sách an sinh cho người dân.
Không chỉ ở TP lớn, tại các tỉnh biên giới, vùng sâu vùng xa, vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở cũng luôn được các cấp lãnh đạo đặc biệt quan tâm. Tại tỉnh Điện Biên, theo Đại tá Giàng Páo Sính, Phó Giám đốc Công an tỉnh, trong những năm qua, tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh cơ bản được giữ vững ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn một số nhân tố gây mất ổn định.
Ở khu vực biên giới, kinh tế-xã hội kém phát triển, đời sống của phần lớn người dân vẫn gặp nhiều khó khăn, mặt bằng dân trí thấp, ý thức thực hiện pháp luật, đấu tranh tố giác tội phạm chưa cao… Đáng chú ý là hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật vào địa bàn đồng bào dân tộc Mông.
Để giải quyết những vấn đề trên, Công an tỉnh Điện Biên luôn xác định Công an xã bán chuyên trách có vị trí vai trò quan trọng làm nòng cốt trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở, là lực lượng nối dài hỗ trợ lực lượng Công an chính quy thực hiện chức năng quản lý về ANTT, an toàn xã hội, các biện pháp phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về ANTT ở địa bàn.
Đặc biệt, Công an tỉnh Điện Biên đã phát huy được vai trò Công an xã bán chuyên trách là người địa phương, trong đó đa số là cùng dân tộc, sinh sống công tác, lao động cùng người dân trong thôn, bản nên rất hiểu phong tục tập quán, thuận lợi trong công tác nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thuận tiện trong công tác tuyên truyền, vận động và giải quyết các vụ việc nảy sinh trong sinh hoạt đời thường ở thôn, bản, đội.
Còn tại tỉnh miền núi biên giới Sơn La, lực lượng Công an xã bán chuyên trách đã luôn tích cực phối hợp với lực lượng Công an chính quy chủ động bám sát địa bàn, tổ chức lực lượng thường trực 24/24h, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.
Thượng tá Bùi Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Sơn La cho biết, chỉ tính từ tháng 8/2019 đến tháng 8/2021, lực lượng Công an xã bán chuyên trách đã nắm được hơn 4.000 tin liên quan đến ANTT, trực tiếp xử lý hơn 2.500 tin, chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết 1.518 tin; vận động đầu thú 27 đối tượng truy nã, 2 đối tượng trốn thi hành án; trực tiếp bắt 14 đối tượng truy nã...