Phát huy vai trò của người có uy tín ở Hà Giang
Trong cái nắng gay gắt những ngày hè cuối tháng 7 vùng cao nơi địa đầu Tổ quốc, chúng tôi có mặt tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang).
Trung tá Giàng Xuân Thắng, Trưởng Công an huyện tiếp chúng tôi sau khi vừa cùng các tổ công tác xuống địa bàn tuyên truyền, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại súng tự chế còn trôi nổi trên địa bàn…
Chỉ tay về phía những bản làng xa xa, nơi có những ngọn núi cao giáp biên giới, Trung tá Giàng Xuân Thắng chia sẻ, Mèo Vạc là một trong những huyện nghèo nhất ở biên giới, vùng cao núi đá nằm ở phía Bắc của tỉnh Hà Giang.
Trong đó có ba xã biên giới giáp hai huyện của Trung Quốc, với địa hình hiểm trở, nhiều đường mòn, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, đời sống nhân dân còn rất nhiều thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao… Đồng bào nơi đây gồm nhiều dân tộc sinh sống như Mông, Dao, Tày, Giáy, Lô Lô, Nùng, Kinh, Hoa…
Những năm qua, Công an huyện Mèo Vạc liên tục tham mưu các cấp, các ngành, thường xuyên mở đợt cao điểm vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại súng tự chế còn trôi nổi. Để làm tốt công tác tuyên truyền, Công an huyện đã phối hợp cùng các cơ quan, đoàn thể ở cơ sở triển khai sâu rộng đến từng thôn xóm, buôn làng, bằng nhiều hình thức khác nhau, phong phú, đa dạng…
Vừa qua, Công an huyện phối hợp với UBND xã Niêm Tòng tổ chức hội nghị tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Tại hội nghị, người dân được thông tin về tình hình vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, chế tạo vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong nước và trên địa bàn huyện; giới thiệu một số văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và ký cam kết về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ…
Thông qua hội nghị nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo chuyển biến và nâng cao nhận thức cho người dân về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Ngay sau hội nghị, đã có 5 người dân tự nguyện giao nộp 5 khẩu súng tự chế cho Công an xã...
Ông Vừ Mí Cáy, thôn Nà Cuổng 1, xã Niêm Tòng cho biết: "Mặc dù là kỷ vật được dòng họ lưu truyền qua nhiều thế hệ và cũng là công cụ để bảo vệ mùa màng, nương rẫy; song, được sự tuyên truyền của cán bộ Công an, tôi nhận thức được việc tàng trữ, sử dụng súng tự chế vừa vi phạm pháp luật, vừa tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho xã hội, do vậy tôi đã quyết định giao nộp cho Công an xã Niêm Tòng khẩu súng kíp tự chế của gia đình…".
Trên địa bàn xã Cán Chu Phìn, cũng từ làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp hiệu quả với các tổ chức đoàn thể, các thôn trên địa bàn, ý thức của người dân không ngừng được nâng lên. Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an xã đã tiếp nhận 7 khẩu súng cồn tự chế do người dân tự nguyện giao nộp.
Theo Trung tá Giàng Xuân Thắng, đơn vị xác định thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có vai trò quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm. Hằng năm, Công an huyện xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động và tổ chức phát động phong trào toàn dân tham gia giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Việc tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều phương pháp, hình thức đa dạng như: Tuyên truyền thông qua các hoạt động ngoài giờ tại các trường học; lồng ghép qua các buổi họp thôn, chợ; cho người dân ký cam kết; tặng gạo, nhu yếu phẩm cho cá nhân tự nguyện giao nộp vũ khí…
Bên cạnh đó, Công an huyện chú trọng phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ làm nòng cốt để vận động cộng đồng không vi phạm quy định về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; thường xuyên rà soát danh sách các cơ quan, doanh nghiệp được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để kiểm tra công tác bảo quản, sử dụng; tăng cường công tác quản lý, giáo dục đối với các đối tượng có tiền án, tiền sự, biểu hiện nghi vấn về mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn huyện Mèo Vạc đạt nhiều kết quả khả quan; các đợt vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực của các cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân.
Từ năm 2019 đến nay, người dân trên địa bàn huyện đã tự nguyện giao nộp cho lực lượng Công an 145 khẩu tự chế, gồm 22 súng kíp, 121 khẩu súng hơi cồn và 2 súng hơi áp lực cao. Ngoài ra, Công an huyện còn thu hồi 1 kiếm, 1,5 kg thuốc nổ, 21 kíp nổ, 40 m dây điện. Sau khi tiếp nhận, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Công an huyện thống kê, phân loại và tiến hành tiêu hủy theo quy định.
Bên cạnh thuận lợi, công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ vẫn còn những khó khăn thấy rõ, như trình độ dân trí thấp, thiết bị, vật liệu dùng để chế tạo súng kíp, súng hơi cồn thường là những vật liệu, thiết bị thông thường, dễ chế tạo, do đó công tác đấu tranh với hành vi chế tạo vũ khí trái phép gặp không ít khó khăn…
Trong thời gian tới, Công an huyện Mèo Vạc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và triển khai ký cam kết đến toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân trong huyện; thường xuyên mở các đợt cao điểm về thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục chỉ đạo Công an các xã tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền với nhiều hình thức như: tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh, mạng xã hội Zalo, Facebook… góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đồng thời, chủ động công tác nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm…