Phát huy hiệu quả mô hình “Doanh nghiệp với công tác tái hòa nhập cộng đồng”
Đây là mô hình hay, sáng tạo và đang phát huy hiệu quả ở huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá, giúp người có quá khứ lầm lỡ xoá bỏ mặc cảm, tự ti, tham gia lao động sản xuất, trở thành người có ích cho xã hội, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự.
Đối tượng chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá, được tha tù trước thời hạn có điều kiện, sau khi trở về địa phương nơi cư trú họ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách. Trước hết xuất phát từ ngay chính bản thân của họ, phần lớn trong số họ đều cảm thấy vui mừng vì được trở về với cuộc sống tự do. Nhưng họ cũng có sự lo lắng cho cuộc sống sau này khi mà không còn công ăn việc làm, không có tiền vốn để làm ăn, sợ bị cộng đồng kỳ thị, xa lánh. Nhiều người thì mặc cảm về tội lỗi do mình gây ra, cũng có người còn oán hận khi phải chịu cảnh gia đình tan vỡ, người thân ruồng bỏ trong thời gian họ chấp hành án phạt tù, dẫn đến tuyệt vọng, buông xuôi dễ tái phạm lỗi lầm. Do vậy, công tác tái hòa nhập cộng đồng, nhằm trang bị kiến thức văn hóa, pháp luật, tâm lý, pháp lý, kỹ năng nghề nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ họ sớm ổn định cuộc sống, hòa nhập với gia đình, cộng đồng và phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.
Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo 138 huyện Như Xuân, trên địa bàn hiện có khoảng 108 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Trong số đó hiện có gần 25% người chưa được xóa án tích, gặp rất nhiều khó khăn trong hòa nhập cộng đồng, không có việc làm ổn định và thiếu vốn sản xuất, đây là một trong những nguy cơ phát sinh tội phạm.
Nhận thức rõ về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác tái hoà nhập cộng đồng, thời gian qua, Công an huyện Như Xuân đã tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và Ban Chỉ đạo 138 huyện tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an về công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người có quá khứ lầm lỗi. Trong đó, mô hình "Doanh nghiệp với công tác tái hòa nhập cộng đồng" do Công an huyện tham mưu, phối hợp triển khai xây dựng là một trong những cách làm hay, đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người lầm lỗi, giúp họ ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng. Hiện tại, mô hình có 13 thành viên tham gia, đều là các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động cao, sẵn sàng tiếp nhận, đào tạo, hướng dẫn ngành nghề cho những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.
Ông Lê Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân, cho biết: Thời gian qua, Ban Chỉ đạo 138 huyện đã liên hệ, phối hợp các doanh nghiệp trên địa bàn, tạo điều kiện tuyển dụng để những người chấp hành xong án phạt tù, tha tù vào làm việc, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, xóa bỏ mặc cảm, trở thành người có ích cho xã hội. Đây là một trong những cách làm hiệu quả, giúp người lầm lỡ cùng với gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.
Sau hơn 2 năm thi hành án phạt tù về tội "Cố ý gây thương tích", anh Lương Văn Thượng (SN 1975), ở xã Xuân Bình, huyện Như Xuân trở về với gia đình. Cũng như những người lầm lỗi khác, rào cản lớn nhất trong hành trình tái hòa nhập cộng đồng của anh Thượng là không có việc làm ổn định. Nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của anh Thượng, Công an huyện Như Xuân giới thiệu và bảo lãnh cho anh vào làm công nhân tại xưởng sản xuất, chế biến dăm gỗ xuất khẩu của Công ty Nhật Dương, với mức thu nhập 15 triệu đồng/tháng.
Tương tự, sau khi chấp hành xong án phạt tù vì tội "Trộm cắp tài sản", anh Võ Văn Sơn, ở xã Bãi Trành được Công an huyện Như Xuân hướng dẫn và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện xét duyệt cho vay 90 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ) để xây dựng thêm chuồng trại, mở rộng chăn nuôi, ổn định cuộc sống.
Qua đánh giá của Ban Chỉ đạo 138 huyện Như Xuân cho thấy, mô hình: "Doanh nghiệp với công tác tái hòa nhập cộng đồng" đã góp phần quan trọng xóa bỏ được sự kỳ thị, xa lánh của xã hội đối với người lầm lỗi, tạo điều kiện cho họ vươn lên trong cuộc sống, giúp họ vững tin hơn trên con đường hoàn lương. Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Như Xuân, từ năm 2023 đến nay, thực hiện Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù đơn vị đã giải ngân cho 13 trường hợp, với tổng số tiền đã giải ngân hơn 1 tỷ đồng.
Thượng tá Tống Xuân Kỉnh - Phó Trưởng Công an huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá, cho hay: Nhờ làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng, trong những năm qua tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên địa bàn huyện Như Xuân được bảo đảm ổn định, tỷ lệ người tái phạm tội giảm rõ rệt. Để tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình, thời gian tới, Công an huyện sẽ phối hợp với Hội Doanh nghiệp huyện Như Xuân để tiếp tục tạo nguồn việc làm thu nhập ổn định cho những đối tượng tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thẩm định hồ sơ vay vốn đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, để họ tiếp cận được đúng nguồn vốn phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn".
Không còn phải đối mặt với sự xa lánh, kỳ thị của những người xung quanh, không còn bế tắc trong hành trình kiếm tìm kế sinh nhai, những người lầm lỗi trên địa bàn huyện Như Xuân đã được xã hội và cộng đồng quan tâm tạo điều kiện chăm lo sản xuất, xây dựng cuộc sống mới.