Phát huy hiệu quả các đội phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở
Qua công tác tập huấn, hướng dẫn của lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, các đội PCCC cơ sở đã phát huy tốt vai trò, chức năng trong PCCC ở các kho xưởng, nhà máy…
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện có 6 khu công nghiệp (KCN) với hàng trăm nhà máy, kho xưởng thuộc sự quản lý của hơn 150 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước. Đến nay, đa số các DN đã thành lập đội PCCC tại chỗ với sự tham gia của nhiều thành viên là cán bộ, công nhân viên.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cùng nhiều nguyên nhân khác nên thời gian qua, một số DN chưa tổ chức thực tập phương án PCCC&CNCH, chưa triển khai công tác huấn luyện nghiệp vụ định kỳ hằng năm cho lực lượng PCCC tại chỗ, dẫn đến bị động khi có cháy nổ xảy ra.
Thượng tá Chế Công Tân, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, để bảo đảm an toàn PCCC trên địa bàn, nhất là tại các nhà máy, kho xưởng nằm trong KCN, lực lượng đơn vị đã tập trung tham mưu, triển khai nhiều giải pháp, kế hoạch và tăng cường tập huấn, hướng dẫn cho các đội PCCC tại chỗ theo quy định của pháp luật.
Điển hình, Công ty CP Frit Phú Xuân là một trong số những DN đóng tại KCN Phong Điền (huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) đã thành lập đội PCCC tại chỗ với nhiều thành viên tình nguyện tham gia. Hằng quý, DN phối hợp với lực lượng PCCC chuyên ngành tổ chức diễn tập PCCC, huấn luyện cho đội PCCC tại chỗ những kỹ năng trong PCCC.
Mới đây, vào đầu tháng 3-2022, ngoài tổ chức kiểm tra nội quy, phương án PCCC tại chỗ; kiểm tra hệ thống điện; phương tiện, thiết bị PCCC, nguồn nước, đường đi, hệ thống thoát nạn, các cán bộ Cảnh sát PCCC còn hướng dẫn kiến thức về PCCC&CNCH, cách sử dụng bình bọt, lăn vòi, kỹ năng vận hành trang thiết bị PCCC cho lực lượng PCCC tại chỗ của DN này.
Ông Nguyễn Minh Tùng, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Công ty CP Frit Phú Xuân cho biết: Công ty luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác kiểm tra, hướng dẫn PCCC về nhân lực, trang thiết bị, máy móc, phương tiện, đảm bảo trạng thái sẵn sàng xử lý khi có sự cố xảy ra. Đặc biệt, đơn vị đã thường xuyên tập huấn nghiệp vụ cho đội PCCC tại chỗ, đảm bảo yêu cầu chuyên môn cơ bản để xử lý các tình huống khi có sự cố cháy nổ.
Tương tự, nhiều công ty, DN có nhà máy, kho xưởng đóng ở các KCN Phong Điền, Phú Bài, Phú Đa… cũng đã chú trọng đến công tác đảm bảo an toàn PCCC để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho cán bộ, nhân viên và tài sản của đơn vị. Trong đó, các DN đặc biệt chú trọng trang bị, bảo dưỡng thiết bị PCCC; phối hợp các cơ quan chức năng tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng PCCC tại chỗ để sẵn sàng xử lý, ứng phó với các vụ việc cháy nổ khi mới xảy ra.
Theo thống kê, hiện tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thành lập hơn 3.300 đội PCCC cơ sở, 937 đội PCCC dân phòng và 4 đội PCCC chuyên ngành với hàng chục nghìn đội viên tham gia. Tại các KCN còn thành lập cụm an toàn, hỗ trợ PCCC và CNCH. Với phương châm “4 tại chỗ”, các đơn vị trong cụm đã kịp thời hỗ trợ khi sự cố xảy ra; đồng thời tuyên truyền, vận động, khuyến khích các thành viên trong cụm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC, duy trì, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, sắp xếp hàng hoá để đảm bảo an toàn, tránh cháy nổ.
Thượng tá Phan Thanh Phong, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế còn cho biết, qua kiểm tra, lực lượng đơn vị đã yêu cầu các cơ quan, DN tăng cường công tác quản lý Nhà nước về PCCC, phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”. Định kỳ hàng quý, 6 tháng, đơn vị phối hợp tổ chức tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ PCCC và tập luyện phương án chữa cháy cho lực lượng PCCC tại chỗ để đội ngũ này không bị lúng túng, bị động khi xảy ra cháy, nổ. Qua đó củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các đội PCCC tại chỗ, từng bước xã hội hóa công tác PCCC và đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia PCCC.
Cũng theo Thượng tá Phan Thanh Phong, các đội PCCC tại chỗ có vai trò rất quan trọng, do đây là lực lượng cơ sở đầu tiên phát hiện và tổ chức chữa cháy giai đoạn ban đầu. Khi sự cố mới xảy ra, chỉ cần sử dụng phương tiện chữa cháy được trang bị tại chỗ để xử lý thì hiệu suất chữa cháy sẽ rất cao. Vì thế, ngoài triển khai đồng bộ các biện pháp chữa cháy, CNCH để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, đơn vị đã yêu cầu các công ty, DN đóng tại các KCN cần thường xuyên kiểm tra công tác ứng trực PCCC của lực lượng tại chỗ. Có như thế sẽ góp phần hạn chế số vụ cháy nổ xảy ra, đảm bảo cho DN sản xuất, kinh doanh an toàn, hiệu quả.