Những người góp phần đảm bảo an ninh kinh tế

Thứ Bảy, 10/02/2024, 08:56

Không quá nếu ví von bảo vệ an ninh kinh tế là một “mặt trận”. “Mặt trận” ấy không tiếng súng, không tiếng bom đạn nhưng chứa đựng những cơn sóng ngầm… Trong mạch ngầm khó lường của hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, các cán bộ Cục An ninh Kinh tế, Bộ Công an vẫn lặng lẽ vượt qua từng cơn sóng ngầm, góp phần giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ về chính trị, kinh tế với hội nhập kinh tế; tạo môi trường thuận lợi, an ninh, an toàn cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước, bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc.

1.Ngày cuối năm phố phường Hà Nội ngập tràn sắc xuân, thời tiết dường như cũng chiều lòng người, nắng vàng nhẹ… Trong một ngày như thế, tôi có dịp trò chuyện cùng Trung tướng Nguyễn Đình Thuận, Cục trưởng Cục An ninh Kinh tế, người 40 năm có lẻ gắn bó với lực lượng An ninh Kinh tế.

Trong khoảng lặng ấy, bất chợt tôi lại nhớ đến lần đầu làm việc với anh, ước chừng hơn 10 năm trước. Đó cũng là một ngày cuối năm, tiết trời se lạnh, tôi vừa đến đơn vị thì bất ngờ nhận được điện thoại của Trung tướng Nguyễn Đình Thuận, khi đó anh đang là Cục trưởng Cục An ninh kinh tế Tổng hợp, thuộc Tổng cục An ninh 2. Sau cuộc điện thoại, tôi vội mang theo máy tính cùng những đồ dùng thiết yếu phục vụ cho việc tác nghiệp… Vào thời điểm đó, chuyên án đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các đối tượng có chức vụ, nắm giữ nguồn lực kinh tế đất nước vi phạm pháp luật về tham nhũng, tiêu cực xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam được dư luận đặc biệt quan tâm. Được nghe kể về quá trình trinh sát lâu dài, tỉ mỉ; sự thận trọng, khách quan trong quá trình xử lý vụ án, những bài học kinh nghiệm rút ra từ việc điều tra, xử lý vụ án giúp tôi thêm hiểu về công việc của những người lính thầm lặng trên “mặt trận” bảo vệ an ninh kinh tế.

Trang 14: Những người góp phần đảm bảo an ninh kinh tế -0
Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an trao danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng CAND và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an tặng các cá nhân thuộc Cục An ninh kinh tế.

Với tinh thần “an ninh chủ động”, Cục An ninh Kinh tế đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện, thu thập thông tin từ sớm, từ xa, xác lập đấu tranh hàng trăm chuyên án, vụ việc; kiến nghị cơ quan chức năng xử lý, thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng, hàng trăm triệu đô la… Các chuyên án đã đột phá đúng xu hướng tội phạm kinh tế đang diễn ra; được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an đánh giá cao. Không dừng lại ở đó, qua đấu tranh các chuyên án, vụ việc kinh tế nghiêm trọng đã rút ra được bài học thực tiễn sâu sắc để tham mưu lãnh đạo Đảng, Nhà nước hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế…

Sau này là việc xây dựng các phương án bảo đảm an ninh trong quá trình đàm phán, thực thi các Hiệp định thương mại tự do, Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; phối hợp bảo đảm an ninh nội bộ, bảo vệ bí mật Nhà nước… Trong quá trình đó, cán bộ Cục An ninh Kinh tế đã kịp thời phát hiện các ý đồ lợi dụng đàm phán, thực thi các cam kết để xâm hại đến lợi ích an ninh quốc gia; góp phần vào việc đàm phán thành công, bảo đảm an ninh, lợi ích quốc gia, phục vụ phát triển và hội nhập kinh tế của đất nước… Được nghe kể lại những thời điểm, những khoảnh khắc cam go khi các cán bộ Cục An ninh Kinh tế tham gia các đoàn đàm phán từ những giai đoạn đầu; niềm hạnh phúc và giọt nước mắt khi các hiệp định được ký kết mang lại quyền lợi kinh tế cho Việt Nam, tôi thêm hiểu về công việc của các anh.

Rồi ngay cả trong thời kỳ đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam vẫn vươn lên trở thành một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới với nhiều thành tựu đáng ghi nhận… Các Hiệp định thương mại tự do FTA song phương và đa phương liên tục được ký kết đã góp phần đẩy nhanh quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tận dụng các điều kiện, thời cơ để xây dựng kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững hơn…, đều có dấu ấn thầm lặng của lực lượng An ninh Kinh tế.

2. Phát huy những kết quả, thành tích của đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ đổi mới, năm 2023, Cục An ninh Kinh tế đã được tặng thưởng 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất; 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 3 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng CAND… Song hơn cả, đối với những người lính trên mặt trận an ninh kinh tế là hình ảnh, vai trò người chiến sĩ CAND được nhân dân, doanh nghiệp tin tưởng.

Trang 14: Những người góp phần đảm bảo an ninh kinh tế -0
Trung tướng Nguyễn Đình Thuận, Cục trưởng Cục An ninh Kinh tế phát biểu tại lễ trao kinh phí xây dựng 100 căn nhà cho hộ nghèo tỉnh Cao Bằng.

Năm 2023 cũng là năm kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập lực lượng An ninh Kinh tế. Từ việc tổ chức phát động và triển khai các phong trào thi đua đã tạo ra những dấu ấn đặc biệt. Sau 11 tháng, Cục An ninh Kinh tế đã hoàn thành tất cả các chỉ tiêu công tác được giao, trong đó có 16 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức. Cục An ninh Kinh tế đã triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, nhiệm vụ do lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an giao; thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước, Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an trong công tác bảo đảm an ninh kinh tế… Trong đó, vừa tổ chức thành công Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai Chỉ thị 12-CT/TW ngày 5/1/2017 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Đây là một trong những kết quả nổi bật Cục An ninh Kinh tế đạt được trong việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, nhiệm vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an giao; thực hiện công tác tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước, Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an trong công tác đảm bảo an ninh kinh tế trong năm 2023… Chỉ thị 12 đã đáp ứng được kịp thời các yêu cầu của công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong tình hình mới; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động trong hệ thống chính trị về công tác bảo đảm an ninh kinh tế; góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Cùng với đó, đơn vị đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 24-CT/TW về “Bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng” nhằm nhận diện đầy đủ và đề ra chủ trương, giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý mối đe dọa an ninh quốc gia nổi lên gay gắt hiện nay; nhằm tranh thủ thời cơ thuận lợi, hoá giải nguy cơ và thách thức… Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12 và Chỉ thị số 24 đã tạo nên chỉnh thể thống nhất về bảo vệ an ninh kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế…

Trong năm 2023, Cục An ninh Kinh tế đã có hơn 234 báo cáo lên Trung ương Đảng về tình hình, kết quả công tác, đề xuất các chủ trương, giải pháp bảo đảm an ninh kinh tế cấp bách, quan trọng và xử lý kịp thời nhiều vấn đề kinh tế “nóng”.

Đó còn là những con số “biết nói” từ việc triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, làm giảm hậu quả thiệt hại về kinh tế Nhà nước, phát hiện các hoạt động vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực, chuyên đề phụ trách. Trong năm 2023, nhiều vấn đề, vụ việc phức tạp về an ninh quốc gia tại địa bàn, lĩnh vực, chuyên đề, đối tượng mà đơn vị được phân công chủ trì theo dõi, quản lý được phát hiện; triển khai các biện pháp ngăn chặn, xử lý hoặc kiến nghị xử lý, không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Trong cuộc chiến thầm lặng ấy, mỗi cán bộ Cục An ninh Kinh tế phải nhạy bén và tỉnh táo để đáp ứng yêu cầu công tác, gắn với phục vụ chủ trương, đường lối, mục tiêu phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước; thực hiện yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh kinh tế trong tình hình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với các nguy cơ, thách thức đe dọa về an ninh quốc gia, an ninh kinh tế.

Xuân Mai
.
.