Những người đón Tết trong trại giam

Thứ Năm, 27/01/2022, 18:55

Những ngày cuối cùng của năm Tân Sửu sắp qua, thời khắc giao thừa năm Nhâm Dần sắp đến – cũng là thời khắc đánh dấu 1 năm CBCS công tác tại các trại giam hầu như không ai được về nhà. Dịch bệnh phức tạp, trách nhiệm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho cơ sở giam giữ, phòng ngừa lây nhiễm bệnh cho các phạm nhân nên suốt thời gian qua, CBCS công tác trong lực lượng quản lý trại giam “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, gần như cách ly hẳn với thế giới bên ngoài.

Năm nào cũng vậy, sau khoảnh khắc giao thừa, Đại tá Nguyễn Thành Công, Giám thị Trại giam Hoàng Tiến  (Chí Linh, Hải Dương) “xông đất” khu giam để chúc Tết các phạm nhân đang thi hành án ở đây. Việc này dường như là thường lệ bởi cứ giao thừa xong, đại diện Ban Giám thị sẽ vào chúc Tết từng buồng giam, lì xì cho các phạm nhân với mong muốn sang năm mới mọi người sẽ khoẻ hơn, học tập tốt hơn để sớm trở về với gia đình, cộng đồng. Đây cũng là thời khắc thiêng liêng nhất, ý nghĩa nhất đối với các phạm nhân bởi mỗi 1 năm qua đi, thì con đường trở về nhà của họ lại ngắn hơn, gần hơn.

Là người gắn bó với lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam, Đại tá Nguyễn Thành Công và đồng đội đều cùng nhau ăn Tết ở Trại, bởi Giao thừa là thời khắc nhạy cảm, nhất là đối với các phạm nhân – những người đang phải chịu sự quản lí, giáo dục. Họ rất dễ xao động, rất dễ có những ý nghĩ, hành động khác bình thường. CBCS ở đây cũng vậy, nhất là những ngày cận Tết, ai cũng phải tạm gác lại niềm vui, hạnh phúc bên gia đình, dành nhiều thời gian để quản lý, chăm lo cho đời sống của phạm nhân.  Để chuẩn bị cho các phạm nhân vui xuân, đón Tết an toàn, từ nhiều ngày trước, Trại giam Hoàng Tiến đã có kế hoạch kỹ lưỡng, phân công trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị, cá nhân; tổ chức kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách cho phạm nhân tại các phân trại, khu sản xuất nhằm góp phần giữ vững an ninh, an toàn trại giam.

Tết trang 45: Những người đón Tết trong trại giam -0
Phạm nhân biểu diễn văn nghệ.

Trại giam số 5 (Yên Định, Thanh Hoá) những ngày cuối năm tươi sáng hơn với bức tường vôi mới vẽ hình con hổ khoẻ mạnh, lực lưỡng chào đón năm mới. Những phạm nhân khéo tay được cán bộ chọn để trang trí khuôn viên Trại đón Tết. Họ sơn lại khu giam, phòng giam, cắt tỉa cây gọn gàng để đón Tết.

Từ nhiều ngày trước, đội văn nghệ phạm nhân của các phân trại ở Trại giam số 5 đã tích cực luyện tập. Các phạm nhân tranh thủ ngày nghỉ, buổi tối để tập các tiết mục văn nghệ trình diễn trong những ngày Tết. Ai có năng khiếu thì xung phong làm báo tường, trang trí mâm ngũ quả để thi với nhau. Hơn chục đứa trẻ là con của phạm nhân hồn nhiên nô đùa. Trại giam số 5 là đơn vị có phân trại nữ nên để các cháu được đón Tết chu đáo, ngoài suất ăn, chế độ theo quy định của Nhà nước, Ban Giám thị đã tặng quà, các cán bộ phụ trách tặng quần áo mới, mừng tuổi để mong các cháu khoẻ mạnh, chóng lớn.

Được cán bộ mừng tuổi, cháu bé con của phạm nhân Vũ Thị Hương Giang, ở Thanh Oai, Hà Nội toe toét cười, ạ rõ to rồi trườn từ tay mẹ xuống đất để chạy vào đám đông đang xem kéo co. Giang là phạm nhân khá đặc biệt ở Trại giam số 5 vì mới hơn 30 tuổi mà có tới 7 đứa con, trong đó 2 cháu đang ở trại với mẹ. Giang phạm tội về ma tuý, bị mức án 20 năm nhưng cứ mỗi lần chuẩn bị đến thời gian thi hành án, cô ta lại “tòi” ra 1 đứa con. Vào năm 2020, khi Giang đang mang thai đứa con thứ 7 thì bị bắt đi thi hành án vì  không thể tiếp tục được hưởng khoan hồng. Giang đến Trại giam số 5 thi hành án khi đang mang thai tuần thứ 36, đứa con thứ 6 mới 11 tháng tuổi nên phải theo mẹ đi cùng.

Sinh con ở trại giam, 2 đứa trẻ lít nhít trứng gà trứng vịt đều nhờ cả vào cán bộ vì bố mẹ Giang đều mất sớm. Thương hoàn cảnh Giang như vậy, các cán bộ ai có gì thì giúp cái đó, từ bỉm sữa thức ăn đến quần áo. Hai đứa bé lớn lên trong sự bao bọc của mọi người nên khá ngoan ngoãn, không quấy khóc nhiều. Giang cho biết “Đây là cái Tết thứ 2 của mẹ con em trong trại giam, các cháu được như thế này đều nhờ Ban Giám thị, Hội đồng cán bộ giúp đỡ, động viên rất nhiều. Em không ngờ mình tội lỗi thế này vẫn được mọi người thương yêu, đùm bọc. Lúc trước em suy nghĩ nông cạn, đẻ con để khỏi phải đi trả án, giờ đàn con lít nhít thế này, sau này không biết sẽ ra sao”.

Ở Trại giam Kim Sơn (Hoài Ân, Bình Định) cả năm nay cán bộ cũng không được về nhà. Ngày Tết, anh, chị em đón Tết với nhau bởi đây chính là gia đình thứ 2 của họ. Sau khi chúc Tết CBCS, các đồng chí trong Ban Giám thị sẽ đến các buồng giam chúc Tết phạm nhân.

Bà Cao Thị Thu Hồng, SN 1957, xúc động nghẹn ngào vì bà là người mà trước Tết đã được nhận quà của trại, được Đại tá Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám thị Trại giam Kim Sơn trực tiếp tặng quà, động viên. Tết này là cái Tết thứ 6 bà Hồng đón ở Trại giam Kim Sơn. Bà cũng hy vọng đây là cái Tết cuối cùng trong môi trường này. Bà Hồng phạm tội  lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị toà tuyên mức án 7 năm tù giam. Hoàn cảnh của bà đặc biệt khó khăn, bố mẹ già đều gần 90 tuổi, bản thân lại bị bệnh tim, huyết áp cao, từng bị tai biến nên vẫn còn di chứng. Cũng chính vì bệnh tật như vậy nên bà được các cán bộ tạo điều kiện cho chữa bệnh, dùng thuốc thường xuyên. Khi khoẻ mạnh, bà cũng xin tham gia sản xuất, được cán bộ tạo điều kiện mức khoán thấp, phù hợp với sức khoẻ nên bà vui lắm, luôn nỗ lực để hoàn thành. “Gia đình tôi hoàn cảnh, bố mẹ già, các con làm ở TP Hồ Chí Minh năm nay dịch bệnh không thăm nuôi được nhưng tôi được các cán bộ quan tâm, tạo điều kiện và động viên nên thấy Tết ở đây cũng như ở nhà” – bà Hồng cho biết. 

Là người đã đón cái Tết thứ 11 ở Trại giam nên Khăm Phi khá hiểu về phong tục Việt Nam. “Vì nhà xa nên trước đây bố và chú thi thoảng sang thăm tôi nhưng hai năm nay do COVID-19 không đi được thành ra cũng không có quà. Nhưng tôi ở đây được các cán bộ quan tâm, chế độ cấp đầy đủ. Ăn uống theo chế độ mới bữa nào cũng có cá hoặc thịt. Tết còn được cấp giò, bánh chưng, mứt nữa. Tôi thấy nhà nước Việt Nam đối xử rất nhân đạo".

Được biết, cũng như các phạm nhân người Việt Nam, vào dịp Tết, các phạm nhân người nước ngoài thi hành án ở Trại giam Vĩnh Quang cũng được tặng giò, bánh chưng, được tăng gấp 5 lần khẩu phần ăn so với ngày thường. “Chúng tôi cũng tổ chức cho họ tham gia văn nghệ, gói bánh chưng, trang trí phòng giam, thi bày mâm ngũ quả… để tạo không khí ngày Tết. Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức các trò chơi dân gian của Việt Nam như kéo co, ném còn…” – Thượng tá Phạm Văn Lương, Phó Giám thị Trại giam Vĩnh Quang cho biết.

Một cái Tết ấm áp nữa đang đến thật gần, hoa đào, hoa mai đã rộ nở. Bên trong cánh cửa trại giam không khí cũng ấm cúng, vui vẻ như ở gia đình. Có được điều đó là sự nỗ lực không ngừng của các CBCS làm công tác quản lý trại giam để giúp các phạm nhân hiểu rằng trại giam không chỉ là nơi cải tạo mà còn là nơi để họ sẻ chia, vươn lên trước những khó khăn. Cũng chính vì điều đó, các phạm nhân luôn nỗ lực cải tạo để không phụ lòng các cán bộ đã không ngại vất vả giúp họ làm lại cuộc đời…

Các phạm nhân người nước ngoài thi hành án tại Trại giam Vĩnh Quang (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) đón Tết cổ truyền của Việt Nam giống như người Việt. Dù nhiều người, nhiều quốc tịch khác nhau nhưng khi ở đây, họ đối với nhau như một gia đình, cùng dạy tiếng Việt cho nhau, tập hát bài hát Việt Nam. Được vào Đội Văn nghệ của phân trại số 4, phạm nhân Khăm Phi, SN 1989, quê ở Hủa Phăn, Lào, hân hoan lắm. Khăm Phi phạm tội mua bán trái phép chất ma tuý, bị Công an tỉnh Sơn La bắt ngày 24/8/2011 với tang vật 3 bánh heroin, sau đó bị kết án 20 năm tù giam. “Vụ án của tôi có 3 người, 1 người bị kết án chung thân, tôi và một người nữa bị 20 năm tù giam. Lúc đầu, tôi được thi hành án ở Trại giam Phú Sơn 4, sau đó được chuyển về đây. Do gia đình ở xa, rất ít khi thăm, gửi lưu ký nên mọi sinh hoạt đều do Nhà nước Việt Nam cung cấp”, Khăm Phi cho biết.

Phương Thủy
.
.