Những "kỷ lục" tại Nhạc hội Cảnh sát các nước ASEAN+ 2022
Nhạc hội Cảnh sát các nước ASEAN+2022 do Bộ Công an chủ trì tổ chức mang đậm dấu ấn văn hóa, nghệ thuật của lực lượng Cảnh sát nhiều quốc gia đã thành công rực rỡ, góp phần khẳng định hình ảnh Thủ đô Hà Nội, đất nước Việt Nam thanh bình, thân thiện, mến khách. Trong quá trình thực hiện sự kiện này, có không ít các “kỷ lục” đặc biệt mà nhiều người chưa biết...
Trong 2 ngày 9 và 10/7, tại khu vực phố đi bộ bên hồ Hoàn Kiếm, người dân và du khách đến Thủ đô Hà Nội có dịp hòa mình trong một sự kiện lớn - Nhạc hội Cảnh sát các nước ASEAN+2022 do Bộ Công an chủ trì tổ chức. Đại tiệc âm nhạc mang đậm dấu ấn văn hóa, nghệ thuật của lực lượng Cảnh sát nhiều quốc gia đã thành công rực rỡ, góp phần khẳng định hình ảnh Thủ đô Hà Nội, đất nước Việt Nam thanh bình, thân thiện, mến khách. Trong quá trình thực hiện sự kiện này, có không ít các “kỷ lục” đặc biệt mà nhiều người chưa biết...
Lần đầu ANTV truyền hình trực tiếp chương trình biểu diễn quanh Hồ Hoàn Kiếm
Trong khuôn khổ Nhạc hội, sáng 9/7, lần đầu tiên, không gian Hồ Gươm rộng lớn trở thành sân khấu biểu diễn của 400 nghệ sĩ, chiến sĩ của 8 Đoàn nhạc gồm: Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Brunei, Philippines, Myanmar. Không chỉ có hàng ngàn công chúng xem trực tiếp tại Bờ Hồ mà hàng triệu khán giả khác cũng được thưởng thức toàn bộ chương trình, khám phá nhiều vẻ đẹp của Hồ Hoàn Kiếm qua truyền hình.
Theo Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Truyền thông CAND, việc truyền hình trực tiếp (THTT) một chương trình biểu diễn nghệ thuật ngoài trời với hình thức thể hiện tương đối phức tạp, bao gồm hòa nhạc, múa hát trong không gian rộng khoảng 12ha và trải dài trên 1,8km đường quanh Bờ Hồ là sự kiện chưa có tiền lệ. Việc phát sóng trực tiếp, liên tục và đảm bảo tính nghệ thuật, đảm bảo về hình ảnh, âm thanh với chương trình có quy mô, tính chất quốc tế như vậy là thách thức rất lớn với người làm truyền hình. Để phát sóng trực tiếp toàn bộ chương trình, Truyền hình CAND phải kết nối 4 điểm sân khấu quanh hồ Hoàn Kiếm, nơi các đoàn nhạc dừng lại biểu diễn. Trong đó sân khấu chính là điểm diễn trước Tượng đài Vua Lý Thái Tổ. Mỗi điểm dừng, đơn vị cần 1 xe truyền hình lưu động kèm các thiết bị đi kèm. Ngoài ra, phải có cơ sở hạ tầng đủ đảm bảo truyền phát tín hiệu từ các điểm này về khu trung tâm – sân khấu chính.
“Truyền hình CAND chỉ có 1 xe truyền hình lưu động, 7 camera, chỉ đủ phục vụ truyền hình trực tiếp khu vực sân khấu chính. Chúng tôi phải mượn thêm xe truyền hình lưu động, phương tiện từ Truyền hình Vietnamnet, Truyền hình Quốc phòng, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội, Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng và ký hợp đồng với VNPT vì họ mới có sẵn cáp quang chôn ở phía dưới, truyền tín hiệu từ 3 xe vệ tinh về xe trung tâm ở sân khấu chính để xử lý, phát sóng”, Đại tá Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Trong quá trình xem diễu hành trực tiếp ở Bờ Hồ, nhiều khán giả rất ngạc nhiên khi luôn có một người cầm chiếc cần gắn micro chạy theo các Đoàn nhạc. Về chi tiết này, Đại tá Nguyễn Anh Tuấn cho biết, đây là người cầm thiết bị thu âm thanh lưu động. Họ phải chạy liên tục theo các đoàn, thu thanh, truyền dẫn về xe trung tâm. Kỹ thuật viên âm thanh này rất quan trọng, vì thu âm, phát trực tiếp chương trình biểu diễn ngoài trời như nhạc hội rất khó. Họ phải được đào tạo bài bản trong trường âm nhạc và nghệ thuật, dày dạn kinh nghiệm. Ngay động tác cầm cần Boom (tay đỡ micro) ở cự ly bao nhiêu, hướng micro như thế nào để thu được âm thanh tốt nhất cũng cần người phải có nghề. Ví dụ trong một dàn nhạc có 40 nhạc công, chơi 40 nhạc cụ, người nào lên lĩnh xướng thì phải hướng micro về đấy. Khi kèn trompette đánh chính mà micro hướng sang nhạc công đánh trống thì hỏng phần thu âm. Tương tự, với đội ngũ quay phim cũng cần bản lĩnh, tay nghề, sự sáng tạo và tập trung cao độ như thế.
“Chúng tôi phải tìm hiểu ý nghĩa, nghe từng bản nhạc, xem tổng duyệt thì mới biết tác phẩm nào của đoàn nào hay nhất để làm điểm nhấn. Nghệ sĩ biểu diễn đến đoạn nào thì tiếng kèn, tiếng trống… là chính để tính hướng micro và máy quay nhằm thu âm, hình ảnh tốt nhất. Sáng 9/7 diễu hành, chiều tối 8/7 tổng duyệt, các thành viên trong ê kíp mới được xem gần 70% nội dung của chương trình chính thức. Sau buổi tổng duyệt, tất cả các thành viên, từ tổng chỉ huy đến các đạo diễn hình ảnh, đạo diễn âm thanh, nhóm quay phim, thu âm, flycam họp bàn, thống nhất lại.
Chúng tôi phải tính toán để thu phát âm thanh, hình ảnh của đoàn nhạc có 60-70 nhạc công với đoàn nhạc chỉ có 6 nhạc công mà khán giả vẫn cảm nhận tốt nhất về mặt nghệ thuật, tránh tình trạng đoàn đông người thì nhạc quá ồn, đoàn ít người thì âm thanh quá mỏng… Và trên hết, kịch bản chi tiết phải đảm bảo chương trình truyền hình trực tiếp chuyển tải được thông điệp mong muốn của Ban tổ chức là tôn vinh hình ảnh người Cảnh sát thân thiện, nhân văn, văn hóa. Vì nhiều vấn đề phát sinh ngoài dự tính nên cuối cùng, ê kíp phải thay toàn bộ sơ đồ máy, đến khuya mới về nghỉ. 5h sáng hôm sau, hơn 100 thành viên trong ê kíp có mặt đầy đủ ngoài Bờ Hồ, sẵn sàng cho nhiệm vụ”, Đại tá Nguyễn Anh Tuấn cho hay.
Chương trình truyền hình trực tiếp thành công. Chất lượng âm thanh được đảm bảo. Người xem cảm nhận được từ tiếng vó ngựa đến âm thanh từng nhạc cụ trong dàn nhạc. Ngoài chương trình biểu diễn nghệ thuật, lần đầu tiên, khán giả truyền hình có dịp xem biểu diễn diễu hành kỵ binh trên Bờ Hồ và nhiều cảnh quay rất đẹp qua flycam, nhất là khi thiết bị này lướt qua Tháp Rùa, qua các tán cây cổ thụ, hạ xuống các Đoàn nhạc đang biểu diễn tưng bừng trên đường phố.
Nhiều “kỷ lục” độc đáo từ nỗ lực, quyết tâm của các nghệ sĩ
Tại Nhạc hội Cảnh sát các nước ASEAN+ 2022, nhân dân và du khách đến Thủ đô Hà Nội có dịp hòa mình trong không khí rộn ràng, tưng bừng của lễ hội đường phố. Ngoài những nữ nghệ sĩ – chiến sĩ duyên dáng, xinh đẹp thì các nghệ sĩ biểu diễn trống và kèn đồng lớn thường thu hút nhiều sự tò mò, có nhiều điện thoại ghi hình nhất. Tuy nhiên, với các nghệ sĩ này, biểu diễn diễu hành quanh hồ Hoàn Kiếm là thử thách lớn.
Như chia sẻ của PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, một người dày dạn kinh nghiệm trong tổ chức nhiều chương trình hòa nhạc quy mô lớn thì việc di chuyển cùng nhạc cụ to, nặng, biểu diễn liên tục, đảm bảo giữ nhịp cho toàn dàn nhạc trên quãng đường dài 1,8km là nhiệm vụ không phải nhạc công nào cũng dám nhận, vì đòi hỏi rất cao cả về chuyên môn lẫn thể lực.
Nhớ lại kỷ niệm về buổi biểu diễn đặc biệt này, Thượng úy Phạm Văn Mừng, nhạc công của Đoàn Nghi lễ CAND cho biết, anh phải di chuyển, biểu diễn với cây trống cái – Bass drum nặng đến 12kg. Nếu người có nghề mà sức khỏe chưa tốt, quá trình biểu diễn mất tập trung một chút sẽ ảnh hưởng đến toàn đoàn. Thượng úy Phạm Văn Mừng từng có kinh nghiệm biểu diễn diễu hành phục vụ nhân dân nhưng anh và các đồng đội vẫn rất áp lực, căng thẳng. Lúc biểu diễn, nhân dân cổ vũ nhiệt tình, nghệ sĩ phấn khích, quên mệt. Sau chương trình, người đẫm mồ hôi, chân tay mỏi nhừ, gót chân nhức, vết chai trên chân cũng đỏ tấy là chuyện bình thường.
Cũng theo Thượng úy Phạm Văn Mừng, các tay trống như anh đòi hỏi sức khỏe dẻo dai, đôi tay khỏe, khéo léo nhưng nhiều đồng đội biểu diễn kèn đồng lớn như Tuba, Helicon còn đòi hỏi nhiều yếu tố khác, nhất là độ trường hơi. Việc vừa di chuyển cùng cây kèn nặng cả chục kilôgam vừa biểu diễn liên tục quanh Bờ Hồ không dễ dàng với bất cứ nghệ sĩ nào. Tuy nhiên, các nghệ sĩ đều xác định, tham gia biểu diễn tại Nhạc hội là niềm tự hào, trách nhiệm đối với nghề, với lực lượng CAND, từ đó góp phần quảng bá hình ảnh đẹp về người chiến sĩ Công an, về quê hương, đất nước với bạn bè quốc tế.
Với bạn bè quốc tế, cùng với ấn tượng về sự đón tiếp nồng hậu, chu đáo, cảm giác phấn khích bởi sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo công chúng thì màn phối hợp biểu diễn của gần 200 nhạc công của các đoàn trong những phút cuối trong Nhạc hội là kỷ niệm khó quên. Khán giả đầy bất ngờ về màn biểu diễn đặc biệt này, nhưng ít ai biết, trước buổi biểu diễn chính thức, các đoàn chỉ tập trung hợp luyện ít giờ tại Nhà hát Âu Cơ.
Một tiết mục khác tạo nhiều cảm xúc cho đông đảo công chúng trong buổi hòa nhạc ngoài trời tối 10/7 là phần biểu diễn ca khúc “Hà Nội niềm tin và hy vọng” của nam ca sĩ – chiến sĩ đến từ nước bạn Lào. Tiết mục này không có trong kịch bản.
Tại buổi tổng duyệt xuyên trưa 10/7, trước sự nhiệt tình của các nghệ sĩ nước bạn, Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị ngẫu hứng đề nghị các nghệ sĩ hát thử 2 ca khúc của Việt Nam bằng tiếng Việt và quyết định rất nhanh khi chọn đưa tiết mục nói trên vào chương trình…