Những hoạt động nhân văn của Công an TP Cần Thơ

Thứ Sáu, 02/09/2022, 07:20

Từ đầu năm 2022 đến nay, Công an TP Cần Thơ triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc (ANTQ)”, đạt nhiều kết quả trên các mặt công tác.

Trong 7 tháng năm 2022, tội phạm về TTXH trên địa bàn TP Cần Thơ giảm trên 28% so với cùng kỳ năm trước, không tồn tại các điểm, tụ điểm phức tạp liên quan ma túy... Công an thành phố đã chỉ đạo xây dựng nhiều mô hình, công trình phần việc hướng vào nhiệm vụ chuyên môn. Cụ thể, nhóm mô hình Công an xã, phường, thị trấn, CSKV tương tác với nhân dân thông qua mạng xã hội (MXH) để tuyên truyền, phòng, chống tội phạm rất được người dân ủng hộ.

Chị Lưu Kim Cúc (ngụ phường Hưng Phú, quận Cái Răng), cho biết: “Tham gia các nhóm Zalo do Công an phường lập ra, chúng tôi nhận được nhiều thông tin bổ ích, hiểu biết thêm về quy định mới của pháp luật, các biện pháp phòng ngừa cháy nổ, thủ đoạn các loại tội phạm để nâng cao cảnh giác. Khi có việc cần thiết, nhắn tin qua nhóm cũng được hỗ trợ giải đáp kịp thời”.

Đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, được nhân dân ngợi khen như Ðại úy Nguyễn Khánh Nhu (cán bộ Công an phường Hưng Phú, quận Cái Răng) là CSKV có tinh thần trách nhiệm cao, được người dân quý mến, tin cậy; Thượng úy Ðặng Thanh Toàn (cán bộ Công an phường Bình Thủy, quận Bình Thủy) và Trung sĩ Nguyễn Duy An, (chiến sĩ Ðội Cảnh sát PCCC Công an quận Cái Răng) nhặt và trao trả tài sản cho người bị đánh rơi; Ðại úy Thạch Bình (cán bộ Công an huyện Cờ Ðỏ) luôn sâu sát địa bàn, nhiệt huyết, năng nổ, vừa làm tốt nhiệm vụ chuyên môn vừa dạy học, hỗ trợ nhiều trẻ em Khmer hoàn cảnh khó khăn; Ðại úy Phan Minh Hưng, Trưởng Công an phường An Nghiệp (quận Ninh Kiều) là gương dũng cảm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đã truy bắt đối tượng cướp giật trên địa bàn phường An Thới… Trong 6 tháng đầu năm 2022, Công an Cần Thơ có 163 tập thể, 1.295 cá nhân được tuyên dương, khen thưởng các cấp.

Những hoạt động nhân văn của Công an TP Cần Thơ -0
Hội Phụ nữ Công an TP Cần Thơ thăm hỏi, tặng quà những trẻ em mồ côi cha, mẹ do COVID-19.

Công an TP Cần Thơ còn thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về cộng đồng như mô hình “Tình thương cho em - hậu COVID”, chương trình “Mẹ đỡ đầu” chăm lo cho trẻ mồ côi do dịch bệnh, xây cầu, đường giao thông, góp phần cùng địa phương thực hiện an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Mô hình “Tình thương cho em – Hậu COVID” của Công an TP Cần Thơ góp phần hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”.

Với ý nghĩa nhân văn và thực tế, mô hình nhanh chóng tạo được sự lan tỏa trong xã hội. Mô hình triển khai từ tháng 10/2021, ban đầu nhận bảo trợ 11 trẻ mồ côi. Các em được bảo  trợ học tập đến năm 18 tuổi, mức hỗ trợ tối thiểu 3 triệu đồng/năm để mua sách vở, đồng phục, đồ dùng học tập. Hàng năm, các em được mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể. Công an TP Cần Thơ phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể quan tâm hỗ trợ các em lúc khó khăn. Việc làm này giúp các em khỏa lấp khoảng trống tình cảm và nỗi âu lo đời thường, cảm nhận tình cảm ấm áp, chăm sóc tận tình của lực lượng Công an, tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương và cộng đồng xã hội.

Tiếp nối mô hình “Tình thương cho em”, Hội Phụ nữ Công an TP Cần Thơ triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu” nhằm hỗ trợ, chăm sóc cho các em bị mồ côi do tác động của COVID-19 trên toàn địa bàn thành phố.

Theo Trung tá Nguyễn Ngọc Thúy, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an TP Cần Thơ, trong đại dịch COVID19, chị cùng các hội viên khác xác định phải làm một việc gì đó thật ý nghĩa để đồng hành cùng các em và chương trình “Mẹ đỡ đầu” ra đời.

Chương trình hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi do tác động của COVID-19, tùy điều kiện thực tế, có thể mở rộng đối tượng nhận đỡ đầu là trẻ mồ côi do những nguyên nhân khác. Hội sẽ trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi tại gia đình, cộng đồng, trung tâm, bệnh viện... hoặc nhận đỡ đầu thông qua gia đình, người nuôi dưỡng; hỗ trợ, tài trợ qua chương trình “Triệu phần quà - San sẻ yêu thương” tại các cấp Hội.

“Trong quá trình thực hiện, Hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, phường, thị trấn, nơi có các trẻ mồ côi để có những hoạt động phối hợp hỗ trợ, chăm lo cho các cháu phù hợp với hoàn cảnh của từng gia đình”, Trung tá Nguyễn Ngọc Thúy cho biết.

Thượng tá Võ Thị Hồng Tiến, Trưởng phòng Công tác đảng và Công tác chính trị Công an TP Cần Thơ cho biết, đến thời điểm hiện tại mô hình “Tình thương cho em” đã nhận bảo trợ, chăm sóc cho 49 trẻ em mồ côi do COVID-19 và 2 trẻ em mồ côi do nguyên nhân khác trên địa bàn.

Để phát huy tính nhân văn cao cả, sức lan tỏa của mô hình “Tình thương cho em” và chương trình “Mẹ đỡ đầu”, Ban Giám đốc Công an thành phố đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ tổ chức sơ kết bước đầu triển khai thực hiện 2 hoạt động trên, xác định các nội dung trọng tâm để hoạt động này đi vào chiều sâu như là hỗ trợ sinh kế, giới thiệu việc làm cho các em và người thân các em tạo điều kiện cho các gia đình có cuộc sống ổn định…

“Việc triển khai mô hình “Tình thương cho em” của Đoàn Thanh niên Công an thành phố, không chỉ góp phần cùng chính quyền địa phương chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt các em học sinh không may mất cha, mẹ do đại dịch COVID-19. Đây còn là một biện pháp phòng ngừa xã hội rất hiệu quả, góp phần ổn định ANTT địa phương, tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an trong lòng nhân dân”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ chia sẻ.

Văn Đức
.
.