Nhiều thách thức trong chuẩn hóa, hiện đại hệ thống thư viện CAND
Năm 2021, Bộ Công an đã ban hành kế hoạch triển khai "Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" trong lực lượng CAND.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu xây dựng, phát triển công tác thư viện trong CAND chuẩn hoá, hiện đại, đáp ứng nhu cầu và tạo môi trường học tập cho cán bộ, chiến sĩ, góp phần tích cực vào công tác xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu cho rằng chuyển đổi số hoạt động thư viện trong CAND còn rất nhiều khó khăn, thách thức.
Cần đồng bộ cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Trao đổi riêng về đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số hoạt động thư viện trong CAND tại hội thảo "Chuyển đổi số hoạt động thư viện trong CAND: Thực trạng và giải pháp" do Bộ Công an tổ chức mới đây, Thiếu tướng, TS Dương Văn Tính, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Công an nhận định, CNTT giữ vai trò trọng yếu của quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, thực trạng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (CNTT) hiện nay trong CAND chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số đưa ra.
Các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị CNTT còn hạn chế, chưa được đầu tư đồng bộ. Các hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) nói chung, CSDL thư viện nói riêng đã được triển khai còn độc lập và riêng lẻ. Nhiều đơn vị trong lực lượng đã được đầu tư triển khai nhiều dự án, đề án CNTT, CSDL, phần mềm và hệ thống thông tin lớn nhưng lại thiếu cán bộ CNTT…
Vì vậy, sự quan tâm và đầu tư của Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an đối với hạ tầng kỹ thuật CNTT trong CAND là hết sức phù hợp và kịp thời, song cần cụ thể hoá và thực hiện khẩn trương để đảm bảo cho quá trình chuyển đổi số trong CAND nói chung, quá trình chuyển đổi số hoạt động thư viện trong CAND nói riêng bắt kịp với tốc độ phát triển chung.
Để nâng cao đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số hoạt động thư viện trong CAND, Thiếu tướng, TS Dương Văn Tính đề nghị cần triển khai 5 nhóm giải pháp. Đó là hoàn thiện, phát triển hạ tầng của thư viện CAND; nâng cao năng lực hạ tầng hệ thống mạng trong CAND; đầu tư đồng bộ các CSDL thư viện, đáp ứng yêu cầu truy cập vào tài nguyên các thư viện trong CAND của cán bộ chiến sĩ, đảm bảo liên thông các CSDL của hệ thống thư viện quốc gia; tập trung đầu tư có quy hoạch các ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động thư viện CAND có sử dụng công nghệ mới; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng.
Đại tá Phạm Quang Tuyển, Phó Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an cũng cho rằng, cùng với hệ thống các thư viện trong CAND, đội ngũ cán bộ làm công tác thư viện, tư liệu trong CAND từng bước được củng cố, nâng cao chất lượng và chuẩn hoá theo tiêu chuẩn nghiệp vụ chức danh, song cũng còn một số hạn chế.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn thông tin - tư liệu của các thư viện và đội ngũ cán bộ làm công tác thư viện chưa được đầu tư tương xứng với yêu cầu. Số cán bộ được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ thư viện còn hạn chế, chỉ đạt 24,7% nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thư viện hiện đại và vẫn thiếu những chuyên gia đầu ngành.
Trình độ ngoại ngữ, tin học và phương pháp quản lý thư viện hiện đại còn hạn chế và còn nhiều hạn chế trong tiếp cận, tiếp thu công nghệ mới.
Đề xuất đầu tư có trọng điểm, bảo đảm phát triển an toàn, bền vững
Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đảm nhận công tác thư viện trong CAND, Đại tá Phạm Quang Tuyển đề nghị, cần nâng cao hơn nữa nhận thức của cấp uỷ, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác thư viện, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thư viện gắn với đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật của hệ thống thư viện.
Làm tốt công tác chính trị tư tưởng, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác thư viện. Về tuyển chọn cán bộ phải đảm bảo phương châm "vì việc mà chọn người". Bên cạnh đó, cần coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao và tự đào tạo nâng cao đội ngũ cán bộ thư viện hiện có, đồng thời nghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp tương quan chung đối với các lực lượng khác, trên cơ sở quy định của pháp luật.
Để chuyển đổi môi trường thư viện truyền thống sang môi trường thư viện hiện đại, cần có sự đổi mới căn bản phương thức quản lý, điều hành, quy trình hoạt động nghiệp vụ thư viện, quy trình tổ chức bảo quản và lưu trữ nguồn thông tin, theo đó là các quy định về công tác bảo mật đối với tài liệu mật, tài liệu lưu hành nội bộ… đảm bảo sự phát triển bền vững, an toàn của hệ thống thư viện trong CAND.
Trao đổi về chuyển đổi số hoạt động thư viện trong CAND, TS Vũ Dương Thuý Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện cho rằng còn có nhiều vấn đề phải bàn. Để chuyển đổi số hoạt động thư viện trong CAND hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra, trước hết, cần xác định rõ những thư viện có vai trò quan trọng trong các thư viện CAND để thực hiện đầu tư có trọng điểm và phát huy được vai trò quan trọng của các thư viện này trong chuyển đổi số.
Đây sẽ là các thư viện chủ trì, xây dựng, chia sẻ, khai thác tài nguyên thông tin dùng dung giữa các thư viện, xác định phương thức và nguyên tắc hợp tác trong thu thập, bổ sung và sử dụng tài nguyên thông tin, chia sẻ kết quả xử lý chuyên môn, xây dựng mục lục liên hợp, xác định cơ chế liên thông để nâng cao hiệu quả hoạt động thư viên CAND.
Bên cạnh đó, cần rà soát, nâng cấp, tái cấu trúc hạ tầng để đẩy nhanh việc chuyển đổi, hình thành hạ tầng số, thực hiện cung cấp cơ sở dữ liệu quốc gia, bộ, ngành, địa phương theo quy định pháp luật, trong đó xác định nội dung kết nối trong và ngoài lực lượng.
Cũng theo TS Vũ Dương Thuý Ngà, việc tổ chức thực hiện số hoá và xây dựng nguồn tài liệu dùng chung trong CAND rất quan trọng, đảm bảo điều kiện để thực hiện chuyển đổi số thành công.
Bên cạnh các nội dung đề ra theo kế hoạch, lực lượng CAND cần nghiên cứu, thực hiện dự án xây dựng thư viện điện tử CAND kết nối, chia sẻ tài nguyên đến hệ thống các thư viện trong lực lượng; xây dựng cơ sở dữ liệu thư viện tập trung và lập dự án số hoá tài liệu, tài nguyên, sản phẩm, dịch vụ thông tin thư viện trên cơ sở tạo mới và tích hợp với cơ sở dữ liệu sẵn có theo hướng mở.
Trong thời gian tới, cần hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời truyền thông để chuyển đổi nhận thức về chuyển đổi số đối với công tác thư viện trong CAND.