Nhiều thách thức đối với đào tạo Cảnh sát trong kỷ nguyên số
Chiều 15/5, tại Hà Nội, Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) đã chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Công tác Cảnh sát trong kỷ nguyên số: Thách thức đối với đào tạo Cảnh sát”. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động chung thuộc chương trình Hội nghị thường niên lần thứ 8 của Hiệp hội các cơ sở đào tạo Cảnh sát châu Á.
Trung tướng, GS. TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND; Thiếu tướng, TS Đào Ngọc Dinh, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Chiến lược và Lịch sử Công an; Thiếu tướng, TS Chử Văn Dũng, Phó Giám đốc Học viện CSND đồng chủ trì Hội thảo.
Hội thảo có sự tham dự của gần 500 đại biểu trong nước và quốc tế là các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu thuộc các cơ sở đào tạo Cảnh sát có uy tín của các nước châu Á cũng như của Việt Nam, các cán bộ thực tiễn có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Cảnh sát.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ những thách thức đặt ra với lực lượng Cảnh sát trong kỳ nguyên số; khẳng định tính cấp thiết phải phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ trong các cơ sở đào tạo Cảnh sát; chia sẻ, trao đổi các vấn đề nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo Cảnh sát trong kỳ nguyên số giữa các cơ sở đào tạo Cảnh sát châu Á. Trên cơ sở đó, kiến nghị các giải pháp xây dựng các cơ sở đào tạo Cảnh sát trong kỳ nguyên số hiện nay, trong đó tập trung vào 2 nhóm giải pháp chính.
Nhóm giải pháp thứ nhất là tập trung nghiên cứu xây dựng các cơ sở đào tạo Cảnh sát “thông minh" từ đó tạo ra các cơ sở đào tạo Cảnh sát tiên tiến, hiện đại, có sự liên kết, chia sẻ, khai thác hạ tầng, công nghệ, phần mềm đã có, tạo ra kho dữ liệu lớn trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Nhóm giải pháp thứ hai là nâng cao hiệu quả hợp tác, mở rộng liên kết đào tạo của các cơ sở đào tạo Cảnh sát châu Á để khai thác, phát huy trình độ phát triển khoa học công nghệ và giáo dục chất lượng cao nhằm chủ động tiếp cận, khai thác tốt nền tảng công nghệ 4.0 phục vụ công tác giáo dục, đào tạo.
Trong tham luận “Trí tuệ nhân tạo, thách thức và cơ hội đối với lực lượng CAND trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm”, Đại tá, TS Phạm Văn Dinh, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin đã nhấn mạnh việc tội phạm mạng đã và đang lợi dụng triệt để các công nghệ mới, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI) để tiến hành các hành vi phạm tội. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho lực lượng Cảnh sát nói chung và công tác đào tạo Cảnh sát nói riêng. Đồng chí Phó Cục trưởng đề xuất tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ phù hợp như trung tâm dữ liệu lớn; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về AI để chủ động đón đầu; đẩy mạnh hợp tác quốc tế...
Thiếu tướng, TS Lê Xuân Minh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng đề xuất cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tăng cường chuyển đổi số trong công tác đào tạo cán bộ Cảnh sát phù hợp với kỷ nguyên số như xây dựng môi trường đào tạo xanh-sạch-số; xây dựng cơ sở dữ liệu số của học sinh, sinh viên, giáo viên nhà trường; ứng dụng công nghệ hiện đại để khai thác dữ liệu phục vụ công tác giáo dục, đào tạo.
Ông Woo Byeong Kwan, chuyên gia khoa Khoa học Cảnh sát, Đại học Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm về việc lực lượng Cảnh sát Hàn Quốc khai thác thông tin kỹ thuật hình sự để giải quyết các vụ án chưa rõ thủ phạm và đối tượng phạm tội liên tục. Chuyên gia Avrilendy Akama Aje Sulistyo, Học viện Cảnh sát quốc gia Indonesia cũng chia sẻ về những tiêu chí quan trọng đối với lực lượng Cảnh sát trong kỷ nguyên không gian mạng...
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Trung tướng Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND khẳng định: Các ý kiến phát biểu, tham luận tại Hội thảo đã cung cấp tri thức quý báu cho công tác nghiên cứu, đào tạo Cảnh sát trong thời gian tới, đồng thời cũng là những chỉ dẫn, phục vụ hữu hiệu công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế cho lực lượng Cảnh sát.
Giám đốc Học viện CSND cũng cho biết, sau khi kết thúc Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp kết quả hội thảo, tham mưu, báo cáo Bộ Công an nghiên cứu, chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng các giải pháp, biện pháp đồng bộ, thiết thực đảm bảo công tác đào tạo Cảnh sát ở Việt Nam sẽ gắn kết với thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm trong kỷ nguyên số, góp phần vào sự ổn định, phát triển ở mỗi quốc gia, khu vực và thế giới ở cả không gian thực và không gian số.