Nhiều kinh nghiệm nổi bật trên các mặt công tác Công an

Thứ Ba, 20/12/2022, 17:46

Ngày làm việc thứ hai Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 78, các đại biểu tiếp tục thảo luận, nêu lên những kinh nghiệm nổi bật trên các mặt công tác, phù hợp với đặc thù địa bàn, Công an các đơn vị, địa phương.

Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự cho biết, năm 2022, dưới tác động tiêu cực của dịch COVID-19, các nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh tội phạm xuất hiện phổ biến và nhiều hơn, đặt ra nhiều thách thức đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên với sự nỗ lực của lực lượng Cảnh sát hình sự đã kiềm chế hoạt động của các loại tội phạm về trật tự xã hội. Hầu hết các loại tội phạm đều được kéo giảm, không để hình thành tuyến, địa bàn, tụ điểm phức tạp, không để các băng nhóm hoạt động công khai, manh động, thách thức dư luận.

Nhiều kinh nghiệm nổi bật trên các mặt công tác Công an -0
Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự.

 Bước sang năm 2023 và những năm tiếp theo, tình hình tội phạm về trật tự xã hội sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là các loại tội phạm xâm phạm sở hữu; tội phạm liên quan đến hoạt động "tín dụng đen"; tội phạm sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội… Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo thực hiện mục tiêu giảm 5% số vụ phạm tội về trật tự xã hội, Trung tướng Trần Ngọc Hà đề xuất 6 giải pháp trọng tâm, đột phá cần tập trung chỉ đạo hệ lực lượng Cảnh sát hình sự thực hiện.

Trong đó, cần tiếp tục tập trung trấn áp các loại tội phạm theo tuyến, địa bàn, lĩnh vực; chú trọng hơn các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản; nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm ngay từ cơ sở, nhất là đối với Công an cấp xã, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác phòng, chống tội phạm …

Với tham luận "Phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm đường phố, góp phần kiểm soát, kéo giảm bền vững 5% tội phạm về trật tự xã hội", Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết, "tội phạm đường phố" không phải là một khái niệm xa lạ đối với Nhân dân, nhất là ở các thành phố, đô thị lớn, loại tội phạm này luôn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội những năm gần đây, tội phạm này có xu hướng ngày càng trẻ hoá, manh động, luôn mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ, với thái độ coi thường pháp luật, sẵn sàng chống trả lực lượng Công an làm nhiệm vụ, gây bất an và bức xúc trong Nhân dân.

Nhiều kinh nghiệm nổi bật trên các mặt công tác Công an -0
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng.

"Nhằm mục tiêu bảo đảm Đà Nẵng là thành phố an bình, văn minh, hiện đại, là điểm đến an toàn, thân thiện, những năm qua, Công an TP Đà Nẵng luôn chú trọng triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm soát và kéo giảm bền vững 5% tội phạm về trật tự xã hội trên địa bàn thành phố, trong đó đặt ra yêu cầu đối với việc trấn áp, kéo giảm các loại "tội phạm đường phố". Năm 2022 loại tội phạm này giảm 9,16% so với năm 2019", Thiếu tướng Vũ Xuân Viên thông tin.

Thời gian qua, Công an TP Đà Nẵng đã triển khai duy trì hiệu quả hoạt động của 4 lực lượng tuần tra, kiểm soát, vừa phòng, chống tội phạm vừa đảm bảo trật tự an toàn đường phố, các lực lượng phối hợp nhịp nhàng, có sự phân công về địa bàn, thời gian tuần tra, chốt chặn, tạo ra cơ chế hoạt động chặt chẽ, khép kín địa bàn 24/24h. Đặc biệt, từ cuối năm 2018, lực lượng 911 thật sự đã tạo nên thương hiệu "911 - Quả đấm thép" của Công an TP Đà Nẵng trong phòng, chống tội phạm. Sau 4 năm thành lập, lực lượng này đã phát hiện, xử lý hơn 4.000 đối tượng vi phạm pháp luật, làm cho nhiều đối tượng hình sự phải co cụm, không dám manh động...

Tham luận tại hội nghị với nội dung "Công tác tham mưu triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Yên Bái", Đại tá Đặng Hồng Đức, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái đề cập: Để Yên Bái là một trong 3 tỉnh đầu tiên trên toàn quốc hoàn thành việc kết nối Cổng Dịch vụ công của tỉnh với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, quá trình tham mưu triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh Yên Bái đã luôn chủ động tham mưu để người đứng đầu địa phương nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của Đề án 06, từ đó quyết tâm trong chủ trương, quyết liệt trong hành động để chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung của Đề án đảm bảo nhất quán, xuyên suốt, gắn với kiểm tra đôn đốc sát sao từ cơ sở.

Nhiều kinh nghiệm nổi bật trên các mặt công tác Công an -0
Đại tá Đặng Hồng Đức, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái.

"Bên cạnh đó, chúng tôi luôn chủ động nắm bắt, tích cực liên hệ với Cục nghiệp vụ của Bộ Công an, với Công an các địa phương khác để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, cũng như trao đổi kinh nghiệm trong quá trình triển khai. Đồng thời công tác tuyên truyền  phải gắn sát với thực tế, phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, đặc biệt tại các địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống..." Đại tá Đặng Hồng Đức khẳng định.

Thượng tá Trần Văn Phúc, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình đã trình bày tham luận với chủ đề "Phát huy vai trò, trách nhiệm của Công an xã, thị trấn trong công tác tham mưu, phối hợp bảo đảm an ninh nông thôn tại địa bàn cơ sở; những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp".

Theo đó, quán triệt, thực hiện nghiêm túc chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng uỷ Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, với sự quyết tâm chính trị cao, tính đến 15/11/2022, Công an tỉnh Thái Bình đã bố trí 1.313 cán bộ Công an xã chính quy (đạt 5,23 biên chế/xã, thị trấn), chiếm 42,5% tổng biên chế Công an tỉnh. Từ khi triển khai, Công an xã chính quy đã từng bước khẳng định vị trí, vai trò nòng cốt, bảo đảm tốt ANTT trên địa bàn cơ sở, nhất là trong tham mưu, phối hợp giải quyết tình hình an ninh nông thôn.

Nhiều kinh nghiệm nổi bật trên các mặt công tác Công an -0
Thượng tá Trần Văn Phúc, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình.

Nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ Nhân dân xảy ra từ nhiều năm đã được tập trung giải quyết. Lực lượng Công an xã phối hợp, tham mưu xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, duy trì hơn 1.300 mô hình quần chúng tự quản về ANTT. Trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Công an xã phối hợp khám phá hơn 400 vụ phạm pháp hình sự; chủ trì phối hợp lập hàng trăm hồ sơ cai nghiện bắt buộc, hồ sơ giáo dục tại cộng đồng, hồ sơ giáo dục tại xã; vận động thu hồi nhiều vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo..., góp phần quan trọng kiềm chế và làm giảm được một số loại tội phạm và vi phạm pháp luật.

"Từ khi bố trí Công an xã chính quy đến nay, phạm pháp hình sự tại địa bàn xã đều giảm, đặc biệt năm 2021 giảm 19,77%, một số loại tội phạm giảm sâu như: giết người, cố ý gây thương tích, cướp tài sản... Việc vi phạm về đốt pháo trái phép và thả đèn trời dịp Tết không xảy ra, Thái Bình duy trì 11 năm liền không có đốt pháo trái phép, được Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao...", Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình chia sẻ.

Quỳnh Vinh - Phương Thủy
.
.