Nhiều dấu ấn từ phong trào đọc và văn hóa đọc trong CAND

Thứ Hai, 08/05/2023, 07:51

Nếu năm 2019 mới có 57,4% các đơn vị, Công an địa phương tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc thì năm 2022, tỷ lệ này đã tăng lên 64%. Đến năm 2023, các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc trong CAND đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa, chính trị thường xuyên của rất nhiều đơn vị, Công an địa phương.

Từ năm 2020 – 2023, trong toàn lực lượng CAND có trên 80% các đơn vị tham gia hưởng ứng Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc – sự kiện được tổ chức hằng năm theo đề án của Chính phủ về “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

Thực tế, đây mới chỉ là một phần thành tựu về phát triển phong trào đọc và văn hóa đọc trong CAND sau 5 năm triển khai Kế hoạch 132 của Bộ Công an về phát triển văn hóa đọc trong CAND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (giai đoạn 2018 – 2023) và 3 năm thực hiện Chỉ thị công tác thư viện và phát triển văn hóa đọc trong lực lượng CAND (2020 – 2023).

3-1.jpg -0
Các hoạt động lan tỏa văn hóa đọc trong CAND thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ.

Theo Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị, những năm gần đây, việc hoàn thiện cơ chế chính sách ngày càng được các cấp lãnh đạo quan tâm, qua đó từng bước khắc phục các tồn tại, hạn chế và phát huy những kết quả đạt được trong công tác thư viện, phát triển văn hóa đọc, tiến tới mục tiêu xây dựng, phát triển công tác thư viện trong CAND chuẩn hóa, hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu sử dụng thư viện và tạo môi trường học tập suốt đời cho CBCS, góp phần tích cực vào thực hiện các chỉ thị, kế hoạch của Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương đã tiếp tục xây dựng hệ thống thư viện, phòng đọc, tủ sách, chú trọng xây dựng tủ sách Công an cấp xã dần đảm bảo các tiêu chí góp phần xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong CBCS. Môi trường đọc được cải thiện. 100% các đơn vị có tủ sách đặc biệt là tủ sách pháp luật, 64% có thư viện. Các học viện, trường CAND có tỷ lệ bạn đọc lên thư viện cao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của các học viện, trường CAND.

Hiện nay, Bộ Công an đã từng bước đảm bảo nguồn tài liệu bổ sung thường xuyên cho hệ thống thư viện, phòng đọc, tủ sách toàn lực lượng. Trong giai đoạn 2018 - 2020, 100% các đơn vị được cấp, bổ sung gần 15.000 cuốn sách. Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức tiếp nhận sách đưa vào sử dụng hiệu quả để phục vụ CBCS. Các thư viện, phòng đọc, tủ sách trong CAND đang ngày càng được chú trọng đầu tư. 100% học viện, trường CAND bố trí thư viện độc lập, có diện tích kho sách, khu vực dành cho bạn đọc, khu vực dành cho cán bộ thư viện. 100% thư viện các trường có máy photocopy, máy quét, máy in và thiết bị hiện đại khác. Một số thư viện đã đảm bảo tốt hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, chú trọng đầu tư, áp dụng công nghệ thông tin nhằm từng bước hiện đại hóa công tác thông tin - thư viện.

Cùng với sự phát triển của hệ thống thư viện, chỉ số văn hóa đọc trong công tác phục vụ bạn đọc tại các thư viện, phòng đọc, tủ sách trong CAND được cải thiện. Số lượng bạn đọc đến thư viện, phòng đọc gia tăng. Trường Cao đẳng CSND II phục vụ từ 30.000 - 40.000 lượt/tháng. Học viện CSND đã phục vụ 329.824 lượt bạn đọc. Đại học ANND phục vụ hơn 36.724 lượt bạn đọc với gần 440.371 lượt mượn sách, tài liệu. Đại học PCCC phục vụ 445.529 lượt bạn đọc.

Trao đổi về phát triển phong trào đọc và văn hóa đọc trong CAND sau 5 năm triển khai Kế hoạch 132 của Bộ Công an và 3 năm thực hiện Chỉ thị công tác thư viện và phát triển văn hóa đọc trong lực lượng CAND, Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy, Phó Cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị khẳng định: Mô hình tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của hệ thống thư viện, phòng đọc trong CAND đã có những thay đổi từ thư viện truyền thống sang thư viện hiện đại (điện tử/số). Đội ngũ cán bộ làm công tác thư viện từng bước được củng cố, kiện toàn, được đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Một số thư viện đã và đang được hiện đại hóa về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin. Công an một số đơn vị, địa phương đã tổ chức tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, tổ chức trưng bày, triển lãm giới thiệu sách, làm bản tin hằng tuần, tổ chức hội nghị bạn đọc, hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam, Ngày sách và bản quyền thế giới…. Các hoạt động xây dựng và phát triển văn hóa đọc cũng như hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam hằng năm đã tổ chức có quy mô và hệ thống trong toàn lực lượng CAND, trong đó nhiều hoạt động được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, dần đi vào nền nếp, có sự tham gia hưởng ứng tích cực của đông đảo CBCS, học viên các học viện, trường CAND.

Công an các đơn vị, địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn về công tác thư viện và phong trào đọc sách với những mô hình hay như: Tổ chức đăng ký xây dựng “Đơn vị học tập” trong đó có những nội dung, tiêu chí liên quan đến xây dựng phong trào đọc sách tại đơn vị; xây dựng công trình “Thư viện phục vụ kiểu mẫu”, công trình “Sách với thanh niên”; “tủ sách online”, mô hình hoạt động lồng ghép giữa trung tâm học tập cộng đồng và trung tâm văn hóa, thể thao thường xuyên duy trì các hoạt động giáo dục, học tập trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ…

Tuy nhiên, Thiếu tướng Nguyễn Công Bẩy cũng cho rằng, bên cạnh các thành tựu, các hoạt động xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong CAND vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Một số đơn vị, địa phương chưa thực sự coi trọng công tác thư viện và phát triển văn hóa đọc tại đơn vị, chưa có những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt để triển khai các hoạt động xây dựng và phát triển văn hóa đọc và hưởng ứng phong trào đọc sách. CBCS đến thư viện, phòng đọc có sự chuyển biến. Nhưng phong trào đọc và học tập qua sách, báo cần được thúc đẩy mạnh hơn, có sự vào cuộc của toàn lực lượng thì đến năm 2030 mới đạt 100% chỉ tiêu đặt ra theo Kế hoạch 132 của Bộ Công an.

N.Nguyễn
.
.