Nhân rộng các mô hình tự quản đảm bảo trật tự an toàn giao thông
Trong những năm vừa qua, nhờ chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) bằng cách tổ chức xây dựng có hiệu quả nhiều mô hình tự quản bảo đảm trật tự ATGT ở cơ sở, Công an Nghệ An đã góp phần đấu tranh kìm giữ và làm giảm TNGT trên địa bàn.
Thống kê cho thấy, trong những năm gần đây, tình hình vi phạm pháp luật về trật tự ATGT trên địa bàn Nghệ An còn xảy ra nhiều. Trong đó, số liệu của riêng trong năm 2021 cho thấy, các hành vi vi phạm chủ yếu là người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện khi tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm (21.210 trường hợp); chạy quá tốc độ (13.494 trường hợp); chở quá tải, quá khổ, quá số người quy định (4.000 trường hợp); người điều khiển phương tiện cơ giới vi phạm quy định về nồng độ cồn (2.815 trường hợp); dừng, đỗ không đúng nơi quy định (1.992 trường hợp)...
Trước tình hình trên, Công an tỉnh Nghệ An đã chủ động làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều chủ trương, giải pháp đảm bảo trật tự ATGT. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đảm bảo trật tự ATGT bằng cách tổ chức xây dựng có hiệu quả nhiều mô hình tự quản bảo đảm trật tự ATGT ở cơ sở để tạo sự chuyển biến về mặt nhận thức và ý thức của người tham gia giao thông, góp phần đấu tranh kìm giữ và làm giảm TNGT trên địa bàn.
Công an Nghệ An cũng chú trọng việc chủ động tiếp nhận những phản ánh người dân về điểm ùn tắc, các vụ TNGT, các hành vi vi phạm trật tự ATGT… để kịp thời xử lý và có những phản hồi về kết quả xử lý. Thông qua đó, phân tích các lỗi vi phạm, đồng thời hướng dẫn pháp luật và kỹ năng đi lại an toàn cho người tham gia giao thông.
Bên cạnh việc thường xuyên ra quân phát động hưởng ứng về chấp hành luật giao thông với nhiều hình thức phong phú, đến tận phường, xã, khối, xóm gắn với các chế tài xử phạt của từng hành vi cụ thể nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, Công an Nghệ An chú trọng tập trung xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản đảm bảo trật tự ATGT, mô hình văn hoá giao thông vì bình yên sông nước do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Bộ Công an phát động. Đến nay, Công an tỉnh đã chủ trì, phối hợp xây dựng được 61 mô hình đảm bảo ATGT. Trong đó có 39 mô hình tự quản về ATGT đường bộ - đường sắt và 22 mô hình văn hoá giao thông vì bình yên sông nước.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện duy trì có hiệu quả 219 mô hình tổ tự quản về ANTT ở cơ sở. Trong số này, nhiều mô hình đảm bảo trật tự ATGT đã đem lại hiệu quả cao, từng bước nâng cao chất lượng phong trào toàn dân tích cực tham gia bảo đảm trật tự ATGT, góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm trật tự AGTT. Tiêu biểu như mô hình "Cổng trường ATGT", "Đoạn đường xanh - sạch - đẹp - ATGT", "Tuyến đường thanh niên tự quản", "Tuyến đường Hội cựu chiến binh tự quản", "Tuyến đường Hội phụ nữ tự quản", "Tuyến đường sinh viên tự quản", "Bến đò kiểu mẫu", "Bến đò an toàn", "Làng chài bình yên", "Bến Cảng an toàn"…
Thực tế, tại các địa bàn có mô hình đảm bảo trật tự ATGT hoạt động hiệu quả thì ở đó tình hình trật tự ATGT chuyển biến rõ nét; thông qua các mô hình đã thu hút được sự quan tâm của nhiều tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân tham gia vào công tác đảm bảo trật tự ATGT cùng các lực lượng chức năng, nhất là vai trò của Ban Công tác Mặt trận và Tổ tự quản được nâng lên, thường xuyên tuyên truyền vận động trong nhân dân ở khu dân cư về thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước về an toàn giao thông.
Từ đó, đã phát huy tính chủ động trong công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, chính quyền, các ngành, các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện văn hóa giao thông, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ý thức của nhân dân ở khu dân cư khi tham gia giao thông được nâng lên.
Nhờ làm tốt công tác phòng ngừa nên so với năm trước, trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh Nghệ An không xảy ra đua xe trái phép, không ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí (giảm 59 vụ, giảm 18 người chết và giảm 42 người bị thương so với năm 2020).
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền góp phần phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông và các hành vi vi phạm pháp luật về ATGT trên địa bàn. Đặc biệt, nhằm đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện, phục vụ tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hành khách, hàng hóa; kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, trong thời gian sắp tới, Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền; phát huy vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài; kịp thời có những phương án, kế hoạch phù hợp với từng thời điểm, tập trung theo chuyên đề đối tượng cụ thể.
Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về ATGT, chú trọng đổi mới chương trình, kế hoạch về công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về ATGT nhằm từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và văn hóa giao thông của người tham gia giao thông.
Thông qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT để tổ chức tuyên truyền, răn đe, giáo dục về ý thức chấp hành pháp luật ATGT. Tập trung vào người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có các lỗi vi phạm như uống rượu, bia vượt quá nồng độ cho phép; điều khiển phương tiện lạng lách, đánh võng, chở quá tải trọng cho phép, không có giấy phép lái xe; chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định... Cùng với đó, duy trì và tiếp tục nhân rộng các mô hình tự quản đảm bảo trật tự ATGT, mô hình văn hoá giao thông vì bình yên sông nước do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Bộ Công an phát động.
Thanh Hóa nỗ lực kéo giảm TNGT
Trong quý I/2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra 77 vụ TNGT và va chạm giao thông, làm chết 41 người, bị thương 71 người, giảm 23% số vụ, 11,3% số người chết, 4% số người bị thương so với cùng kỳ.
Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đảm bảo trật tự an toàn giao thông, thực hiện chủ đề "Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" với tinh thần "Vì sức khỏe, sinh mạng của người tham gia giao thông". Đáng chú ý, trong quý I/2022, các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan đã phối phợp triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT gắn với phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Do vậy, hình hình TNGT và va chạm giao thông được kiềm chế, giảm sâu so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, sửa chữa, các tuyến đường giao thông đô thị được tổ chức phân luồng hợp lý, công tác tuyên truyền chấp hành pháp luật ATGT được đẩy mạnh trên các phương tiện truyền thông; hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm được tăng cường, đặc biệt là công tác kiểm tra xử lý vi phạm nồng độ cồn, xử lý vi phạm xe quá khổ, quá tải theo Chỉ thị 32 của Thủ tướng Chính phủ; kế hoạch, phương án bảo đảm ATGT trong dịp lễ, tết và hội xuân 2022 được thực hiện hiệu quả...
Tổng hợp Quý I/2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra 77 vụ TNGT và va chạm giao thông, làm chết 41 người, bị thương 71 người, giảm 23% số vụ, 11,3% số người chết, 4% số người bị thương so với cùng kỳ. Trong đó, có 2 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết 7 người, bị thương 1 người.
Thời gian tới, để tiếp tục kéo giảm cả về số vụ, số người chết, người bị thương do TNGT, đồng chí Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, các sở, ngành, đơn vị và địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết số 48 của Chính phủ và Kế hoạch số 36 của Ủy ban ATGT Quốc gia.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải triển khai chỉ đạo các địa phương tập trung xử lý, không để tái diễn tình trạng chợ cóc, chợ tạm, lấn chiếm lòng lề đường gây mất trật tự ATGT, tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT. Đồng thời, thắt chặt công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe và ứng dụng công nghệ số trong quản lý, xử lý phương tiện giao thông vi phạm.
Cùng với đó, Sở Giao thông vận tải cần phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình giao thông trọng điểm; rà soát, đánh giá hiện trạng các tuyến đường giao thông để kiến nghị xây dựng phương án tổ chức lại giao thông theo từng tuyến, nhất là các tuyến giao thông phức tạp, khắc phục, giải quyết các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ về TNGT.
Đối với Công an tỉnh, cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT; siết chặt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện vận tải vi phạm quy định về tải trọng; chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT các dịp cao điểm như nghỉ lễ sắp đến.
Đối với Ban ATGT tỉnh tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng phương án, kế hoạch tuyên truyền và các văn bản chỉ đạo thực hiện kiểm tra đôn đốc, xử lý vi phạm theo định kỳ nhằm giảm thiểu tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT, bảo đảm trật tự ATGT hướng tới trong quý II và năm 2022, trên địa bàn tỉnh giảm cả về số vụ, số người chết, người bị thương do TNGT. (Trần Thắng)