Nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10: “Mẹ đỡ đầu” CAND - sắc phục xanh nâng đỡ ước mơ
Chương trình “Mẹ đỡ đầu” được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động từ cuối năm 2021. Chương trình có ý nghĩa thiết thực của cán bộ, hội viên phụ nữ nhằm đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng các trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn, tạo động lực, giúp các em có một điểm tựa, một mái ấm trong hành trình khôn lớn, trưởng thành. Tuy mới phát động được gần 2 năm, nhưng chương trình đã nhận được sự hưởng ứng từ các hội viên trên toàn quốc, đặc biệt là với Hội Phụ nữ đơn vị trực thuộc Bộ, Công an các địa phương.
Nối dài yêu thương
Đi theo cán bộ Hội Phụ nữ Công an huyện Thanh Oai (Hà Nội) đến thăm gia đình của 2 con mà Hội Phụ nữ nhận đỡ đầu, chúng tôi dừng lại trước một căn nhà bán hàng mã nhỏ. Căn nhà là nơi mà Lâm Đăng Hiếu Nghĩa (SN 2010) và Lâm Tăng Hải Đăng (SN 2011) sống cùng với vợ chồng người bác nuôi đã lớn tuổi, là chị gái nuôi của bố em. Hai em dù chung một họ, nhưng lại chẳng phải máu mủ của nhau. Bố của hai em nhận hai em về nuôi dưỡng từ khi lọt lòng. Bố nuôi của các em cũng giống như các em là trẻ mồ côi, nhưng may mắn được nhận tình yêu thương từ gia đình nuôi. Hơn ai hết, bố em hiểu được nỗi buồn của những đứa bé lớn lên mà không có cha mẹ bên cạnh, hiểu được niềm vui khi có một điểm tựa để dựa vào khi khó khăn, nên bố em cố gắng cho hai em một cuộc sống như bố em đã từng có.
Tưởng chừng như cuộc đời 2 em sẽ sang trang mới khi có bố nuôi bên cạnh nhưng bố em đột ngột qua đời, bỏ lại hai em lại một lần nữa trở thành trẻ mồ côi. Người bác nuôi đã cao tuổi lại mở rộng vòng tay bao bọc hai anh em, mặc cho sức lao động đã ngày càng yếu, ngày qua ngày sống nhờ quầy hàng mã cũ kỹ, chắt chiu từng chút để nuôi các em ăn học. Cuộc sống tuy khó khăn, thiếu thốn, nhưng các em vẫn giữ trên môi nụ cười trong veo của những đứa trẻ.
Nhìn thấy các em đùa nghịch với con mèo nhỏ, trông hai em lớn phổng so với năm trước, Đại uý Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an huyện Thanh Oai, không khỏi xúc động mà hồi tưởng lại những ngày đầu tiên khi nhận đỡ đầu: “Khi chương trình “Mẹ đỡ đầu” được phát động, chúng tôi đã chủ động rà soát và nhận được thông tin về hoàn cảnh của hai em. Sinh ra không được ở trong vòng tay cha mẹ đã là một sự kém may mắn, còn với các em lại phải chịu việc mất gia đình tận 2 lần khiến chúng tôi vô cùng xót xa. Khi xuống gặp các em, thấy sự ngoan ngoãn, hồn nhiên vô tư của các em mặc cho hoàn cảnh, chúng tôi rất cảm động nên đã đồng lòng quyết định nhận đỡ đầu hai em để có thể hỗ trợ, làm điểm tựa cho các em có thể phát triển, trưởng thành một cách toàn diện nhất”. Hội Phụ nữ Công an huyện Thanh Oai đã nhận đỡ đầu hai em với tổng kinh phí 12.000.000 đồng một năm, cùng với đó là quà tặng mỗi dịp lễ tết, quần áo, sách vở, đồ dùng học tập mỗi dịp năm học mới.
Không chỉ hỗ trợ bằng vật chất, các “mẹ đỡ đầu” Công an huyện Thanh Oai luôn để ý, chăm lo cả đời sống tinh thần của các em. Biết hoàn cảnh sẽ khiến các em dễ thành đối tượng bị bắt nạt, trêu chọc khi đến lớp, các mẹ luôn chủ động trao đổi với nhà trường để nắm bắt tình hình về hai em. Khi nhận tin Hải Đăng có những biểu hiện tâm lý khác thường, các mẹ thăm hỏi thường xuyên hơn để theo dõi tình trạng của em. Nhận ra em dường như sống khép kín hơn, dễ hoảng loạn, các mẹ đã dẫn em xuống bệnh viện để thăm khám và phát hiện ra em mắc chứng tự kỷ. Tuy căn bệnh này là một chướng ngại để em phát triển trong cuộc sống hằng ngày, nhưng không vì thế mà các mẹ nản lòng, mà lại càng thương các em hơn. Các mẹ đỡ đầu Công an huyện Thanh Oai vẫn luôn kiên nhẫn, sát sao chỉ bảo, đồng hành cùng hai em vượt qua những khó khăn trên con đường trưởng thành để trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Hành trình yêu thương và chia sẻ
Các mẹ đỡ đầu Công an huyện Thanh Oai chỉ là một trong nhiều những người mẹ đỡ đầu mang màu áo xanh sắc phục CAND. Theo báo cáo gần đây nhất của Bộ Công an, đã có 101/126 Hội Phụ nữ đơn vị trực thuộc Bộ, Công an địa phương nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh éo le. Phụ nữ toàn lực lượng đã nhận đỡ đầu gần 1.700 cháu trong độ tuổi từ 0 - 18, cho các em cơ hội được học tập, được phát triển toàn diện, trở thành một người công dân tốt, góp phần xây dựng xã hội an toàn, lành mạnh, trật tự, kỷ cương. Hằng tháng các mẹ hỗ trợ kinh phí sinh hoạt, học tập với mức trung bình từ 300 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/cháu, tùy theo điều kiện từng đơn vị; ngoài ra còn tặng đồ dùng học tập, quần áo, đồ dùng thiết yếu; hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, tư vấn học tập.
Có thể nói, với chương trình mà các mẹ Công an đã thực sự trở thành người mẹ thứ hai, là “cầu nối” lan toả yêu thương tới các em nhỏ thiệt thòi, là “điểm tựa” cho các em trên hành trình phát triển bản thân. Ngoài hỗ trợ các em trên con đường học tập, các mẹ luôn thương yêu các em như chính con đẻ của mình, cố gắng cho các em một tuổi thơ trọn vẹn như những người bạn cùng trang lứa. Như với các mẹ Công an tỉnh Hà Giang, thời gian vừa qua, các mẹ đã tổ chức cho các con đỡ đầu đến thăm Lăng Bác.
Chương trình “Mẹ đỡ đầu” vốn được phát động nhằm hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi do tác động của dịch COVID-19, nhưng hiện nay, đối tượng giúp đỡ đã được mở rộng, đa dạng hơn, không phân biệt thành phần, giới tính, độ tuổi, theo đúng theo tinh thần mà Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an đã từng nhấn mạnh “không để cháu mồ côi nào bị bỏ lại phía sau”. Chính vì vậy, các mẹ Công an thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình để phát hiện và kịp thời hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Gần đây nhất, Hội Phụ nữ Công an tỉnh Bắc Kạn đã nhận đỡ đầu, hỗ trợ, nuôi dưỡng cháu Triệu Thị Hoa, SN 2009. Hoa là học sinh lớp 9 Trường Trung học cơ sở Nông Thượng, TP Bắc Kạn, mồ côi cha, có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng luôn vượt khó trong học tập. Mức hỗ trợ 3,7 triệu đồng/năm, gồm tiền mặt và các phần quà hỗ trợ học tập được trao định kỳ hằng năm cho người trực tiếp nuôi dưỡng đến khi cháu tròn 18 tuổi. Mọi sự hỗ trợ đều được hội viên phụ nữ Công an tỉnh tự nguyện đóng góp với mong muốn rằng con đường trưởng thành của cháu Triệu Thị Hoa sẽ là sự cộng hưởng trách nhiệm, tình thương giữa gia đình, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể và cả những người mẹ đỡ đầu. Trước đó, Hội phụ nữ các cấp trong toàn lực lượng Công an tỉnh đã nhận đỡ đầu, hỗ trợ, nuôi dưỡng 13 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Theo số liệu thống kê, hiện nay toàn quốc có 141.256 trẻ mồ côi, trong đó có 21.883 trẻ mồ côi cả cha và mẹ. Thời gian qua, thông qua chương trình “Mẹ đỡ đầu”, các cấp Hội Phụ nữ và hội viên trong toàn quốc đã nhận đỡ đầu được 19.826 trẻ mồ côi, hoàn cảnh khó khăn. Các cấp Hội Phụ nữ CAND đang tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa về ý nghĩa nhân văn cao cả của chương trình để những trẻ em thiếu tình thương của cha, của mẹ được sưởi ấm bằng tấm lòng của những người mẹ đỡ đầu mang màu áo xanh sắc phục CAND, để nhiều hơn nữa những tương lai tưởng chừng sắp vụt tắt lại được thắp sáng lại, để cho các em có nhiều hơn một điểm tựa, vững vàng bước trên con đường thực hiện ước mơ.