Người thầy CAND chuyển mình để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0
Trong bối cảnh giáo dục đào tạo thay đổi “căn bản toàn diện”, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang ảnh hưởng sâu sắc tới các cơ sở giáo dục, đội ngũ nhà giáo CAND sẽ có những bước chuyển mình như thế nào để thích ứng với yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao từ thực tiễn. PV Báo CAND đã ghi lại những chia sẻ, trăn trở của các giảng viên trẻ CAND về vấn đề này.
Đại úy Phạm Văn Thành, giảng viên Khoa Tự động và phương tiện kỹ thuật PCCC&CNCH, Trường Đại học PCCC - một giảng viên trẻ đã có gần 15 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí và kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI, Scopus cho rằng: Đại học không chỉ là nơi giảng dạy và truyền thụ kiến thức, mà còn là cái nôi sáng tạo tri thức mới.
Cùng với hệ thống các trường đại học nói chung, các trường đại học CAND nói riêng, hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học (NCKH) luôn là một trong hai nhiệm vụ chính và quan trọng nhất của người giảng viên. Do đó, để nâng cao chất lượng đào tạo cần phải nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học của từng giảng viên. Đây không chỉ là phương châm mà còn là nhiệm vụ, là đòi hỏi đối với người giảng viên CAND trong bối cảnh công nghiệp 4.0.
“Giảng viên đại học khác với giáo viên các cấp học thấp hơn. Người giảng viên đại học phải là người dẫn dắt, cập nhật được những vấn đề mới, xu hướng phát triển của khoa học hiện đại, những vấn đề đang nổi cộm đặt ra trong tình hình xã hội cho người học chứ không thể chỉ dạy theo giáo trình. Việc đăng các bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín là một yếu tố cho thấy năng lực nghiên cứu khoa học, khả năng hội nhập quốc tế của các giảng viên” - Đại uý Phạm Văn Thành nhấn mạnh.
Chia sẻ về những tác động của quá trình làm nghiên cứu và công bố các bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế, Đại úy Phạm Văn Thành nhận định: Đối với đội ngũ giảng viên trẻ, hoạt động nghiên cứu khoa học, viết bài và phản biện bài viết cho các tạp chí khoa học quốc tế uy tín giúp chúng tôi có điều kiện đào sâu, nắm bắt chặt chẽ hơn kiến thức chuyên môn mà mình đang trực tiếp giảng dạy, một mặt vừa củng cố lại kiến thức chuyên môn, mặt khác vừa có điều kiện cập nhật và chia sẻ những thông tin, kiến thức mới, bổ trợ cho bài giảng của mình sinh động hơn, làm cho bài giảng có tính thời sự, tính khoa học và tính thực tiễn.
Ngoài ra, hoạt động nghiên cứu khoa học còn giúp nâng cao khả năng tư duy phản biện, tư duy độc lập cũng như rèn luyện tính bền bỉ của người giảng viên; các bài viết khoa học được đăng trên tạp chí quốc tế còn góp phần khẳng định uy tín của các cơ sở giáo dục đại học. Mỗi bài viết tham gia hội thảo quốc tế được đánh giá cao hay mỗi bài viết đăng trên tạp chí quốc tế chuyên ngành gắn với tên cơ sở giáo dục đại học là một lần thương hiệu và uy tín nhà trường được thể hiện. Thông qua công tác NCKH sẽ giúp tôi luyện sự kiên trì, bền bỉ, tính sáng tạo, ham học hỏi, khả năng tư duy độc lập và tư duy phản biện ở người giảng viên; từ đó, người giảng viên sẽ truyền thụ cả kiến thức, sự sáng tạo và những khát vọng chinh phục đỉnh cao tri thức tới người học.
Đại uý, TS Phan Thị Thu Trang, Khoa Khoa học xã hội nhân văn và tâm lý, Học viện Chính trị CAND, một giảng viên trẻ có nhiều công trình nghiên cứu khoa học cũng chia sẻ rằng: Không chỉ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà ngay cả sự xuất hiện của COVID-19 trong thời gian qua đã trở thành “phép thử” đối với giáo dục nói chung, đội ngũ thầy cô giáo nói riêng.
Từ việc chỉ quen giảng dạy trực tiếp, nhiều thầy cô giáo đã chủ động làm quen, thích ứng với việc dạy học trực tuyến-một hình thức mới mà ở đó, người thầy giữ vai trò kiến tạo và học sinh, sinh viên đảm nhận vai trò tham gia kiến tạo. Tất nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, trên thực tế, không phải chỉ khi có dịch bệnh thì thầy cô mới cần sử dụng đến công nghệ và máy móc trên nền tảng Internet. Với những thầy cô giáo năng động, họ vốn đã cố gắng khai thác thế mạnh của nền tảng công nghệ số nhằm hỗ trợ cho bài giảng thêm sinh động, thuyết phục học trò và lôi cuốn người học vào quá trình tương tác với các đơn vị kiến thức.
TS Phan Thị Thu Trang cũng cho rằng, có một quan niệm mang tính khuôn mẫu tư duy cho rằng người thầy chỉ thực sự được cháy hết mình trên bục giảng, được truyền lửa và lan tỏa nhiệt huyết khi giảng dạy trực tiếp cho học trò. Vì thế, ở giai đoạn đầu của việc thay đổi phương pháp dạy học hiện đại, nhiều thầy cô vẫn còn tâm lý e ngại sử dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Tuy nhiên, cuộc chuyển mình trong bối cảnh dịch bệnh không mong muốn lại là cơ hội để các thầy cô giáo chủ động, tích cực và buộc phải thay đổi. Nhiều thầy cô ở mọi lứa tuổi, chức vụ với kinh nghiệm công tác khác nhau, đặc biệt là các giảng viên trẻ đều cùng tham gia sôi nổi vào quá trình tích lũy và chia sẻ kiến thức trên nền tảng Internet.
Hệ thống hồ sơ giáo án được thiết kế hiện đại, dễ sử dụng, dễ khai thác, đáp ứng được yêu cầu nghề nghiệp và các nhiệm vụ chuyên môn, tiết kiệm rất nhiều cho việc in ấn giáo án một cách lãng phí. Đồng thời, các thầy cô dành nhiều thời gian hơn vào việc đọc, nghiên cứu, thao tác cùng máy móc để soạn ra những bài giảng thu hút, lôi cuốn học sinh, sinh viên trong các giờ học online.
Bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0 đặt ra nhiều yêu cầu cao hơn với giáo dục đào tạo nói chung, giáo dục đào tạo trong CAND nói riêng. Đổi mới và thích ứng là yêu cầu bắt buộc và tất yếu. Chỉ có như vậy, khi xuất hiện các tình huống bất thường như dịch bệnh, thiên tai thì quá trình giáo dục, đào tạo vẫn được diễn ra suôn sẻ, thuận lợi. Trong đó, các thầy cô giáo phải khẳng định được vai trò kiến tạo, định hướng, dẫn dắt và gợi mở cho học trò. Mỗi bài giảng các thầy cô cống hiến sẽ có nhiều cảm xúc hơn vì đó là những bài học được chuẩn bị kỹ lưỡng, có sự đầu tư, rất nhiều tâm huyết và sáng tạo.