Nghị quyết tạo chuyển biến trong đảm bảo an ninh, trật tự ở Kiên Giang

Thứ Hai, 28/11/2022, 09:03

Qua hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy Kiên Giang đã thực sự phát huy hiệu quả tích cực, tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và giải quyết tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh biên giới Kiên Giang.

Theo Đại tá Diệp Văn Thế, Phó Giám đốc – Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang, thời gian qua, lực lượng Công an giữ vai trò nòng cốt, đã triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội ở một số nơi còn diễn biến phức tạp, số vụ phạm pháp hình sự vẫn còn ở mức cao. Hoạt động của các băng nhóm tội phạm ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn, có nhiều vụ đối tượng sử dụng vũ khí “nóng” và các loại hung khí để gây án, tội phạm liên quan đến xâm phạm nhân thân, xâm hại trẻ em, “tín dụng đen”, tệ nạn cờ bạc, ma túy có chiều hướng gia tăng.

nghiquyet-1.jpg -0
Công an tỉnh Kiên Giang họp triển khai công tác phòng, chống tội phạm, giải quyết tệ nạn xã hội trên địa bàn đảo Phú Quốc.

Đảng ủy – Ban Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân. Trong đó, một số cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa thật sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành và công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội hiệu quả chưa cao. Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền, HĐND, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa thường xuyên. Nhận thức, ý thức trách nhiệm của một bộ phận người dân, gia đình trong công tác tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội còn hạn chế.

Tháng 6/2021, Công an tỉnh Kiên Giang đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành và triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TU về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và giải quyết tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết đưa ra 8 nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Đáng chú ý là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong công tác phòng, chống tội phạm và giải quyết tệ nạn xã hội, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị triệt tiêu những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm.

Đồng chí Mai Văn Huỳnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND Kiên Giang cho biết, Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy xác định 3 mục tiêu cơ bản. Trong đó, tập trung tăng cường bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của các cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, vai trò nòng cốt của lực lượng Công an, cùng với sự tham gia, hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Tỉnh ủy Kiên Giang đã quyết định thành lập, kiện toàn tổ giúp việc cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU đối với các địa bàn cấp huyện, thị xã, thành phố.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang đánh giá, qua hơn một năm triển khai, Nghị quyết đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và giải quyết tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong công tác phòng, chống tội phạm và giải quyết tệ nạn xã hội được tăng cường hơn, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Trong đó, chú trọng phân công tổ chức, đảng viên, người có uy tín có biện pháp giáo dục, cảm hóa phù hợp đối với số đối tượng sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, số chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ, chấp hành xong án phạt tù…

Các cấp ủy, các ngành, đơn vị chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, hướng mạnh về cơ sở, phát huy vai trò MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tuyên truyền theo nhóm đối tượng, đoàn viên, hội viên. Các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự được chú trọng... Các mô hình có hiệu quả trong nhân dân về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội ở cơ sở đã được nhân rộng, phát huy. Qua đó, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội của các ban, ngành, lực lượng chức năng được nâng cao hơn…

Trần Lĩnh
.
.