Nâng cao công tác phòng ngừa, phát hiện đấu tranh tội phạm “tín dụng đen”
Công an các địa phương đã cấp mới 9.269, cấp đổi 2003, cấp lại 268 Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT để kinh doanh dịch vụ cầm đồ; đã tiến hành 60.079 lượt kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 9.776 trường hợp với gần 40 tỷ đồng...
Ngày 24/6, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an tổ chức Hội ý nghiệp vụ bàn giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tại cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH chủ trì hội ý nghiệp vụ.
Báo cáo tổng quan tại buổi hội ý nghiệp vụ nêu rõ, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” có những diễn biến phức tạp với hệ quả là sự gia tăng của nhiều loại tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan như giết người, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng gây bức xúc dư luận. Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm và vi phạm pháp luật này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019, trong đó giao Bộ Công an là cơ quan thường trực.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, xuất hiện một số phương thức, thủ đoạn mới biến tướng lợi dụng công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp thực hiện các hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật. Nguyên nhân chủ yếu do một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn, không cần thế chấp tài sản; ngoài ra công tác tuyên truyền, quản lý Nhà nước ở một số lĩnh vực còn sơ hở, thiếu sót, để các đối tượng xấu lợi dụng hoạt động. Ngày 24/8/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 766/CĐ-TTg về tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”.
Để thực hiện Chỉ thị, Công điện của Chính phủ, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 240/KH-BCA-C02 ngày 27/6/2019 và Kế hoạch 452/KH-BCA-VP ngày 5/9/2023 chỉ đạo xuyên suốt toàn lực lượng CAND thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh và đặc biệt mở đợt cao điểm tấn công, trấn ấp tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Trong 5 năm, Công an các địa phương đã cấp mới 9.269, cấp đổi 2003, cấp lại 268 Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT để kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đã tiến hành 60.079 lượt kiểm tra; xử phạt vi phạm hành chính 9.776 trường hợp với gần 40 tỷ đồng... Đặc biệt, một số đơn vị, địa phương hàng năm đều ban hành kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, góp phần phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”.
Tại buổi hội ý, đại diện các cục nghiệp vụ, Công an các địa phương đã phát biểu tham luận, đánh giá bổ sung tình hình, kết quả trong quá trình triển khai thực hiện; làm rõ khó khăn, vướng mắc, tồn tại cần khắc phục; trao đổi nhiều cách làm hay, bài học kinh nghiệm quý báu rút ra từ quá trình chỉ đạo thực tiễn. Đồng thời, đưa ra các giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tại cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT trong thời gian tới.
Để tiếp tục duy trì, thực hiện thường xuyên, hiệu quả công tác này trong thời gian tới, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương đề nghị, Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để bịt kín sơ hở và tạo cơ sở pháp lý trong phòng, chống hoạt động “tín dụng đen”… Đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng, các tổ chức tín dụng. Tăng cường làm sạch dữ liệu như tài khoản ngân hàng, số điện thoại. Khai thác các tiện ích của cơ sở dữ liệu dân cư, dữ liệu căn cước, định danh điện tử, VNeID phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân và cơ sở kinh doanh có điều kiện; thông báo những phương thức, thủ đoạn cho vay lãi nặng, lừa đảo thông qua huy động vốn tự phát với lãi suất cao bất thường, hậu quả nguy hiểm của “tín dụng đen” để người dân nâng cao cảnh giác, không tham gia hoạt động cho vay lãi nặng, “tín dụng đen” để chủ động phát hiện, ngăn chặn tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; phát hiện và cung cấp kịp thời tin tức vụ việc liên quan đến “tín dụng đen” để cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Phối hợp chặt chẽ các lực lượng, nhất là lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH với Cảnh sát hình sự, Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý trong việc phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện, trong đó có liên quan đến "tín dụng đen" tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; chỉ đạo lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH tại địa phương siết chặt việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT, nhất là đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ.