Nam Định khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra
Theo báo cáo của UBND tỉnh Nam Định, bão số 3 đổ bộ vào tỉnh Nam Định khoảng từ 13h đến 19h30 ngày 7/9. Ghi nhận ban đầu về thiệt hại do bão số 3 gây ra, tỉnh Nam Định không có thiệt hại về người.
Bão số 3 đổ bộ, vùng biển tỉnh Nam Định có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13, biển động dữ dội; trên đất liền có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10 kèm theo mưa. Lượng mưa trung bình trong thời gian bão gần 200 mm, cao nhất tại huyện Giao Thủy 360 mm.
Toàn tỉnh có khoảng 5.000 ha lúa bị ảnh hưởng; 230 ha cây hoa màu, 130 ha cây ngô hè thu bị hư hỏng; 20 ha nuôi cá da trơn, 220 ha nuôi tôm thâm canh bị ảnh hưởng.
Thiệt hại về cây bóng mát, hiện chưa có thống kê chính thức nhưng ước tính có hàng nghìn cây bị nghiêng ngả, gẫy, đổ. 15 cột điện hạ thế bị đổ và hệ thống đường điện liên quan; nhiều biển quảng cáo, biển chỉ dẫn bị bay tốc. Một số công trình đê điều, phòng chống thiên tai bị sạt lở, lún sụt. Tình hình tiêu, thoát nước nhanh.
Ngay trong hôm nay, ngày 8/9, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các huyện, thành phố tập trung khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra; trước mắt tiêu úng thoát nước tại khu vực bị úng, ngập để đảm bảo sản xuất nông nghiệp; tập trung sửa chữa đảm bảo hệ thống lưới điện được thông suốt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Huy động các lực lượng hỗ trợ người dân bị di dời tránh bão trở về nhà và kiểm tra chỗ ở đảm bảo an toàn, hỗ trợ người dân khắc phục các thiệt hại do bão gây ra. Huy động các lực lượng dọn dẹp ngay vệ sinh môi trường, quét dọn các đường, cơ quan, công sở, trường học... để hoạt động bình thường từ ngày mai.
Trước đó, trong ngày 7/9, lực lượng Công an tỉnh Nam Định ở cả 3 cấp đã trắng đêm thu dọn vật cản giao thông để khắc phục hậu quả và khôi phục cuộc sống cho người dân. Bão số 3 đổ bộ khiến nhiều cây cổ thụ, cây bóng mát dọc các trục đường giao thông bị nghiêng ngả, gẫy, đổ chắn ngang đường; các tấm tôn, bảng hiệu, vật liệu xây dựng… đổ ngổn ngang đã làm gián đoạn giao thông.
Một số cây lớn khi gẫy, đổ đã làm hư hại đường dây diện, cột đèn dẫn đến tình trạng mất điện tại một số khu vực. Riêng địa bàn TP Nam Định, ước tính thiệt hại ban đầu, bão số 3 đã làm gẫy đổ 1.282 cây xanh gẫy, 19 cột điện, 3 cột đèn chiếu sáng, 30 biển báo giao thông; làm hư hỏng nhiều cột đèn chiếu sáng và đường dây điện tại Trạm bơm Quán Chuột (đã kịp thời xử lý sau 15 phút)...
Trắng đêm 7/9, Công an các huyện và TP Nam Định đã nỗ lực bám trụ các tuyến đường để chặt tỉa, di dời các cây gẫy, đổ; di dời những vật cản giao thông; khôi phục giao thông và đảm bảo an toàn tài sản, tính của người dân. Khối lượng công việc vô cùng lớn vì cây gẫy, đổ hàng loạt. Sáng sớm ngày 8/9, lực lượng Công an tỉnh Nam Định đã cơ bản dọn dẹp hiện trường, đảm bảo giao thông thông suốt để người dân trở lại cuộc sống bình thường trong thời gian sớm nhất.
Ngay sáng 8/9, Đại tá Nguyễn Hữu Mạnh, Giám đốc Công an tỉnh có công văn chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chủ động phối hợp, tích cực tham gia hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả sau bão như: dựng lại nhà cửa, di chuyển tài sản, đưa người dân từ nơi tránh trú về nơi ở an toàn, tiếp tục giải tỏa cây gẫy, đổ, chướng ngại vật trên các tuyến đường...
Cũng trong sáng 8/9, lãnh đạo Công an tỉnh Nam Định đã trực tiếp đi kiểm tra, động viên CBCS Công an các đơn vị, địa phương khắc phục hậu quả sau bão. Kiểm tra thực tế tại TP Nam Định, Đại tá Phan Thị Loan, Phó Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu Công an thành phố tiếp tục chỉ đạo các Đội nghiệp vụ, Công an các phường, xã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương huy động tối đa lực lượng, phương tiện triển khai khắc phục hậu quả sau bão với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm lập lại trật tự đô thị, chỉnh trang cảnh quan của TP Nam Định trong thời gian sớm nhất.