“Mẹ đỡ đầu” hành trình thắp sáng tương lai
Chương trình “Mẹ đỡ đầu” được triển khai thực hiện trong các cấp Hội Phụ nữ CAND gần 2 năm qua đã mang lại nhiều ý nghĩa. Bằng sự thấu hiểu, sẻ chia, những người "Mẹ đỡ đầu” đã dang rộng vòng tay yêu thương, trở thành điểm tựa để trẻ mồ côi, các em có hoàn cảnh đặc biệt có thêm nghị lực, vững bước trên con đường phía trước.
Ấm áp tình mẹ
Có dịp cùng các mẹ đỡ đầu của Hội Phụ nữ Công an huyện Mù Cang Chải đến thăm em Giàng Tuấn Minh (ở xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái), chúng tôi cảm nhận được sự ấm áp, gần gũi của tình mẹ con trong ánh nhìn, cái nắm tay, lời nói ân cần của các mẹ. Khi Minh còn nhỏ thì bố mất vì tai nạn giao thông. Nỗi đau chưa dừng lại bởi em tiếp tục thiếu vắng tình thương mẹ bỏ đi biệt tích sau đó. Minh được ông bà nội cưu mang, nhưng ông bà đã già yếu, thường xuyên đau bệnh nên em lớn lên như cây cỏ, thiếu thốn sự chăm sóc.
Biết hoàn cảnh của em, Hội Phụ nữ Công an huyện Mù Cang Chải đã thường xuyên quan tâm, chia sẻ cùng em và gia đình. Ngoài việc nhận đỡ đầu, chăm sóc Minh đến năm 18 tuổi, các cán bộ hội viên phụ nữ Công an huyện Mù Cang Chải còn vận động các nguồn lực xã hội để em có điều kiện đến trường. Chính vì thế mà đến nay, Minh đã tự tin hơn, đôi mắt trong trẻo luôn ánh lên niềm vui, niềm hi vọng khi được gặp và được đón nhận tình cảm yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ, dạy dỗ của các mẹ.
Không máu mủ ruột thịt, nhưng với tình yêu thương xuất phát từ trái tim, những người “Mẹ đỡ đầu” của Hội Phụ nữ Trại tạm giam Công an tỉnh Lạng Sơn đã dang rộng vòng tay yêu thương, nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và giúp đỡ những em nhỏ là con của can, phạm nhân. Thậm chí, túc trực cả ngày lẫn đêm tại bệnh viện để chăm sóc cháu bé sơ sinh là con của phạm nhân Nguyễn Thị Ngọc Điệp trong suốt 12 ngày cháu được điều trị.
Nỗi đau mất cha mẹ của các em nhỏ không gì bù đắp. Các em sống bên cạnh người thân của mình như ông, bà, cô, bác, nhưng đa phần đều là hộ gia đình khó khăn. Chính vì vậy, những người mẹ đỡ đầu - cán bộ, hội viên phụ nữ Công an luôn yêu thương, chia sẻ với các con mồ côi như chính con đẻ của mình. Mỗi lần đến thăm, thấy các con thiếu thốn cả tình cảm và vật chất mà quặn lòng. Các mẹ đỡ đầu lại tự nhắc mình cần dành nhiều thời gian, hỗ trợ, quan tâm, yêu thương, bù đắp cho các con nhiều hơn…
Chung tay kết nối yêu thương
Trên cơ sở thực hiện kế hoạch của Ban Thường vụ Hội Phụ nữ Bộ Công an, Hội Phụ nữ Công an các đơn vị, địa phương đã báo cáo Đảng ủy, lãnh đạo xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình “Mẹ đỡ đầu” tại đơn vị. Để đảm bảo tính nhất quán trong chỉ đạo, triển khai thực hiện, Công an các đơn vị trực thuộc Bộ đã chỉ đạo Hội Phụ nữ rà soát, ưu tiên lựa chọn đối tượng là con CBCS không may mồ côi, trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn đơn vị đóng quân, để nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng. Công an các địa phương đã chỉ đạo Hội Phụ nữ Công an tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các quận, huyện rà soát, lập danh sách các cháu mồ côi, tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể, phù hợp với đặc thù lực lượng trong việc nuôi dưỡng. Đồng thời, chỉ đạo cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở hội tham gia triển khai chương trình.
Để giúp trẻ có một mái ấm và phát triển toàn diện bên người thân, các cấp hội phụ nữ Công an thường xuyên thăm hỏi, động viên, nắm bắt thông tin, tình hình sức khỏe, học tập của các cháu, kịp thời phát hiện, giải quyết những vấn đề liên quan đến trẻ trên nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho trẻ. Với trẻ có hoàn cảnh đặc biệt như: là nạn nhân của vụ hiếp dâm, trẻ mắc bệnh HIV từ mẹ, trẻ là con phạm nhân đang thi hành án phạt tù, trẻ tật nguyền bẩm sinh không thể đi học, các mẹ đỡ đầu không chỉ quan tâm đến đời sống mà còn thường xuyên tâm tình, giải tỏa tâm lý, tạo niềm tin vào tương lai cho trẻ. Hàng tháng, các mẹ đỡ đầu hỗ trợ kinh phí sinh hoạt học tập với mức trung bình từ 300.000 - 1.500.000 đồng/1 trẻ/1 tháng tùy theo điều kiện từng đơn vị. Ngoài ra, tặng thêm đồ dùng học tập, quần áo, đồ dùng thiết yếu; hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, tư vấn học tập. Một số hội phụ nữ đã xây dựng “Mái ấm tình thương” để giúp con đỡ đầu và gia đình có một căn nhà nhỏ sinh hoạt hay hỗ trợ mô hình sinh kế cho thân nhân con đỡ đầu; hỗ trợ các con về bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể hàng năm. Sau thời gian nhận nuôi các con từ 5 năm hoặc đến khi các con đủ 18 tuổi, một số hội phụ nữ có phương án hỗ trợ việc làm sau khi các con học xong để các con có thể tự trang trải, ổn định cuộc sống.
Thiếu tướng Ngô Hoài Thu, Phó Cục trưởng Cục Công tác đảng và công tác chính trị, Trưởng Ban Phụ nữ CAND cho biết, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” được Hội Phụ nữ các cấp trong CAND triển khai, gắn liền với thực hiện Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội” mang ý nghĩa nhân văn lớn, thiết thực giúp trẻ em mồ côi do dịch COVID - 19 nói riêng và trẻ em mồ côi nói chung có thêm điểm tựa trong quá trình phát triển và trưởng thành. Từ nhận thức, đến hành động xác định, chương trình thực sự là cầu nối, điểm tựa, tình thương và trách nhiệm, để các cháu mồ côi có cơ hội được học tập, phấn đấu trở thành những công dân có ích cho xã hội, góp phần xây dựng một xã hội an toàn, lành mạnh, trật tự, kỷ cương.
Qua hơn một năm triển khai, đến thời điểm hiện tại, 100% hội phụ nữ các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu” trong các cấp hội. 6/6 cụm thi đua hội phụ nữ khối trực thuộc Bộ đều có kế hoạch triển khai Chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Tổng số trẻ được các cấp hội phụ nữ nhận đỡ đầu trong toàn lực lượng CAND là 1.656 cháu. Thông qua chương trình, không chỉ dừng lại ở sự tham gia của cán bộ, hội viên hội phụ nữ mà đã nối dài đến toàn thể CBCS, đặc biệt là lực lượng Công an cơ sở.