Lực lượng Ngoại tuyến Công an nhân dân thầm lặng góp chiến công
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời cũng là lúc lực lượng CAND được thành lập để bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Nhiệm vụ nặng nề đòi hỏi lực lượng Công an phải kết hợp sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ khác nhau, trong đó có "bí mật giám sát, theo dõi", "trinh sát xã hội hóa, chức nghiệp hóa" - cơ sở để ra đời tổ chức chuyên trách Trinh sát Ngoại cần (tiền thân của Cục Ngoại tuyến ngày nay).
Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Ngoại tuyến đã luôn mưu trí, dũng cảm, vượt qua mọi khó khăn thử thách, thầm lặng góp chiến công, tô thắm thêm truyền thống Anh hùng vẻ vang của lực lượng CAND Việt Nam.
Những dấu mốc của một binh chủng đặc biệt
Giai đoạn đầu, lực lượng mỏng, chỉ hơn 10 cán bộ, chiến sỹ (CBCS), phương tiện chiến đấu thiếu, thô sơ nhưng với lòng nhiệt huyết cách mạng, những trinh sát được giao làm công tác ngoại tuyến đã khắc phục gian khổ, giám sát, theo dõi, bắt chính xác được tên Thám Hoan - tay sai đắc lực của Quốc dân đảng; tham gia bảo vệ, ngăn chặn các vụ mưu sát cán bộ Đảng ta tại Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương. Đặc biệt, trinh sát ngoại tuyến đã theo dõi bí mật, bắt một số tên nắm được âm mưu đảo chính của Quốc dân đảng, làm căn cứ giúp Sở Công an Bắc Bộ lập và phá thành công chuyên án số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều), Hà Nội. Đây là một trong những chiến công xuất sắc, ghi dấu ấn lịch sử trong truyền thống hào hùng của lực lượng CAND nói chung, lực lượng An ninh nhân dân, trong đó có lực lượng Ngoại tuyến nói riêng.
Quá trình phát triển, ngày 5/4/1948, Bộ Nội vụ ban hành Nghị định số 219-NĐ sắp xếp bộ máy tổ chức của Nha Công an. Sau đó, Nha Công an quyết định thành lập "Phòng Trinh sát Nội - Ngoại cần" trực thuộc Ty Chính trị. Ngày 16/2/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 141-SL đổi Nha Công an Việt Nam thành Thứ Bộ Công an. Lúc này, Đội trinh sát Ngoại cần thuộc Vụ Bảo vệ chính trị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiếp tục giám sát, theo dõi đối tượng là Việt gian, tay sai của Pháp tung vào hoạt động ở khu căn cứ và vùng tự do của ta; xác minh các đầu mối nghi vấn, tham gia bảo vệ lãnh tụ; bảo vệ số nhân sỹ trí thức và thực hiện những nhiệm vụ cấp trên giao... Các trinh sát đã sử dụng linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện được một số cơ sở và hộp thư liên lạc của địch, góp phần phá tan âm mưu phá hoại của Pháp đối với cách mạng nước ta, cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Tháng 10/1954, cùng đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô, bộ phận trinh sát ngoại tuyến từ ATK đã nhanh chóng phối hợp cùng đơn vị trinh sát nội thành Công an Hà Nội nắm tình hình địch, bảo vệ lãnh đạo Đảng, Chính phủ; bố trí giám sát, quản lý chặt các đối tượng trọng điểm, ngăn ngừa các hành vi phá hoại của hơn 12.000 tên ngụy quân, ngụy quyền ở Hà Nội và nhiều tổ chức tôn giáo, đảng phái phản động khác, góp phần tích cực cùng lực lượng An ninh làm rõ quy mô, mức độ hoạt động của các cơ quan tình báo nước ngoài, kịp thời vô hiệu hóa hoạt động của chúng. Về tổ chức, lúc này Đội Ngoại cần được đổi tên thành Phòng Ngoại tuyến.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của biện pháp trinh sát ngoại tuyến, sau khi Bộ Công an tổ chức Hội nghị về công tác ngoại tuyến lần thứ nhất, ngày 29/9/1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 132/CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Công an (bao gồm 20 đơn vị trực thuộc Bộ, trong đó có Cục Ngoại tuyến). Kể từ đó, ngày 29/9/1961 được xác định là Ngày thành lập Cục Ngoại tuyến. Trải qua các giai đoạn lịch sử cách mạng, thời chiến hay thời bình, dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào, lực lượng Ngoại tuyến CAND cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Hình ảnh xúc động còn mãi, đó là những trinh sát ngoại tuyến dũng cảm quên mình vượt qua bom đạn; tham gia đấu tranh hàng trăm chuyên án gián điệp ẩn nấp, gián điệp biệt kích; góp phần bóc gỡ nhiều tổ chức, bắt giữ hàng trăm tên gián điệp. Sẵn sàng xung phong "Nam tiến" lên đường chi viện cho an ninh miền Nam, lực lượng Ngoại tuyến đã cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng 30/4/1975, với quyết tâm "tất cả vì miền Nam ruột thịt"; đập tan âm mưu bạo loạn vũ trang cướp chính quyền sau ngày đất nước thống nhất và quyết tâm bảo vệ biên cương của Tổ quốc khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra…
Từ lực lượng rất mỏng ban đầu, đến nay, Cục Ngoại tuyến đã không ngừng lớn mạnh, là Cục trực thuộc Bộ với 9 đầu mối, đóng quân trải dài cả 3 miền: Bắc, Trung, Nam. Lực lượng Ngoại tuyến cũng phát triển rộng khắp với 58 đơn vị Ngoại tuyến địa phương. Và trên trận tuyến thầm lặng nhưng vinh quang, có nhiều cán bộ ngoại tuyến được rèn luyện, trưởng thành, trở thành những lãnh đạo cao cấp trong lực lượng CAND. Cũng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng Ngoại tuyến đã xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm, anh dũng hy sinh như: Liệt sỹ, anh hùng Lâm Văn Thạnh; liệt sỹ Đỗ Anh Tuấn; liệt sỹ Phạm Văn Vĩnh; liệt sỹ Hoàng Ngọc Ấn; liệt sỹ Nguyễn Văn Mão và nhiều liệt sỹ khác…
Xây dựng lực lượng Ngoại tuyến chính quy, tinh nhuệ, hiện đại
Chặng đường 60 năm qua, Cục Ngoại tuyến đã luôn thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục An ninh (thời kỳ chưa triển khai mô hình tổ chức, bộ máy mới), vận dụng sáng tạo, linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đơn vị đã triển khai các kế hoạch công tác đặc biệt, kế hoạch đảm bảo ANTT, các chuyên án, vụ án theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và đề xuất phối hợp của Công an các đơn vị, địa phương nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các loại đối tượng, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, hỗ trợ địa phương, đảm bảo tốt chức năng chỉ đạo lực lượng Ngoại tuyến trong toàn quốc.
Bên cạnh đó, Cục Ngoại tuyến cũng có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác đấu tranh những vụ án thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo, đảm bảo tuyệt đối an toàn, bí mật, không để xảy ra sơ suất… Qua đó, thể hiện sự chỉ đạo sâu sát, mưu trí, sáng tạo của lãnh đạo, chỉ huy và tinh thần dũng cảm, không ngại khó khăn gian khổ của CBCS Cục Ngoại tuyến. Không thể kể hết những chiến công, thành tích của lực lượng Ngoại tuyến CAND. Có những kế hoạch đặc biệt phức tạp, có tầm ảnh hưởng lớn trong nước và quốc tế cũng có sự tham gia, đóng góp của cán bộ Cục Ngoại tuyến.
Thời gian qua, Cục Ngoại tuyến còn phối hợp có hiệu quả với các đơn vị đấu tranh các vụ án điểm, án nóng trong lĩnh vực an ninh, hình sự, kinh tế, ma túy; truy bắt số cầm đầu, cốt cán của các tổ chức phản động lưu vong người Việt, ngăn chặn âm mưu, kế hoạch hoạt động manh động, phá hoại của chúng trong nội địa; phối hợp ngăn chặn, vô hiệu hoá các hành vi nguy hiểm của các đối tượng cầm đầu cơ hội chính trị trong nước; tham gia ngăn chặn hoạt động kích động, gây rối an ninh của số cực đoan, chống đối…
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng luôn là một trong những nhiệm vụ được Cục Ngoại tuyến chú trọng hàng đầu. Cục đã đẩy mạnh các phong trào thi đua; trong đó có phong trào học tập và thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy CAND. Lý luận ngoại tuyến được đầu tư nghiên cứu và từng bước hoàn thiện. Công tác hợp tác quốc tế được quan tâm, tăng cường phát triển. Tổ chức quần chúng của Cục luôn được đánh giá là một trong những cơ sở Đoàn, Hội mạnh, tiêu biểu của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Bộ Công an…
Có thể khẳng định, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an; có sự phối hợp, hiệu quả của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương; sự hiệp đồng chặt chẽ của Quân đội nhân dân, Công an các đơn vị, địa phương, cùng với sự ủng hộ, giúp đỡ của quần chúng nhân dân, các thế hệ lãnh đạo, CBCS Cục Ngoại tuyến đã không ngừng rèn luyện, phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi hiểm nguy, khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào kết quả chung của lực lượng CAND giữ vững ổn định chính trị; tạo môi trường an ninh, an toàn phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, đối ngoại của đất nước.
Ghi nhận những đóng góp của Cục Ngoại tuyến trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn TTATXH, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Công an đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý cho Cục Ngoại tuyến. Đó là, 2 lần được Bác Hồ, Bác Tôn tặng lẵng hoa; 1 Huân chương Hồ Chí Minh; 2 Huân chương Độc lập (hạng Nhất, hạng Nhì); 2 Huân chương Quân công (hạng Nhất, hạng Nhì); 1 Huân chương Lao động hạng Ba; 2 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc (hạng Ba, hạng Nhì), nhiều Huân chương Chiến công các hạng; 1 Cờ Chính phủ; 14 Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Công an. Đặc biệt, có 5 tập thể, trong đó có Cục Ngoại tuyến và 1 cá nhân vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…Nhiều tập thể, CBCS được các cấp khen thưởng.