Lực lượng CAND góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thứ Bảy, 27/04/2024, 05:41

Trong thắng lợi chung của dân tộc, lực lượng CAND có vai trò và những đóng góp hết sức quan trọng, đã kề vai sát cánh với QĐND và nhân dân cả nước lập nên nhiều chiến công hiển hách suốt chiều dài của cuộc kháng chiến, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cách đây vừa tròn 70 năm (7/5/1954 – 7/5/2024), với sự kết tinh sức mạnh đoàn kết và ý chí quyết tâm của cả dân tộc, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong thắng lợi chung của dân tộc, lực lượng CAND có vai trò và những đóng góp hết sức quan trọng, đã kề vai sát cánh với QĐND và nhân dân cả nước lập nên nhiều chiến công hiển hách suốt chiều dài của cuộc kháng chiến, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ.

1. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 là chiến công lớn nhất của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Điện Biên Phủ là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao tới thắng lợi hoàn toàn”.

Lực lượng CAND góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ -0
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ được đặt trên đồi D1 ở vị trí trung tâm TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), địa danh ghi dấu chiến thắng lịch sử 70 năm về trước.

Ngày 15/3/1954, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cho cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ. Quyết tâm của Đảng được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng. Địch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này”.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng CAND phối hợp chặt chẽ với QĐND và các lực lượng khác giữ gìn, bảo đảm tốt an ninh, trật tự, phòng gian, giữ bí mật, đảm bảo an toàn ở cả tiền tuyến và hậu phương, góp phần to lớn vào chiến công chung vĩ đại đó.

Ngay khi bước vào Đông Xuân 1953-1954, ngành Công an được giao nhiệm vụ phối hợp với lực lượng quân đội trực tiếp bảo vệ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ; lực lượng Công an được giao nhiệm vụ bảo vệ chiến dịch. Thứ Bộ Công an (nay là Bộ Công an) xác định rõ: “Công tác bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng CAND trong giai đoạn này".

Nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược của chiến dịch, Bộ Công an xác định đây là công tác trọng tâm của lực lượng Công an, lãnh đạo Bộ chỉ đạo toàn lực lượng đẩy mạnh mọi hoạt động phục vụ chiến dịch. Riêng với Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Công an thành lập “Ban Công an tiền phương” trực thuộc Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương, do đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn làm Trưởng ban. Dưới sự lãnh đạo chặt chẽ và thống nhất của Đảng, Chính phủ và Bộ Công an, lực lượng Công an các cấp và Ban Công an tiền phương đã chủ động tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với quân đội bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo và cơ quan của Đảng, Chính phủ, Bộ Chỉ huy Chiến dịch.

Tại những khu vực có cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ, lực lượng Công an đã phát động phong trào “phòng gian, bảo mật”, tổ chức cho quần chúng tham gia giám sát, phát hiện những người lạ mặt, những hoạt động nghi vấn; lập các trạm gác và kiểm tra giấy tờ, kịp thời phát hiện bọn gián điệp, chỉ điểm trà trộn trong số cán bộ cơ quan của ta hoặc đồng bào khu vực các cơ quan đóng quân để thâm nhập điều tra, phá hoại. Ở những địa bàn Bộ Chỉ huy Chiến dịch đóng quân, lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ quân đội thiết lập trạm gác và thành lập các đội tuần tra, canh gác bảo vệ trước khi Bộ Chỉ huy Chiến dịch chuyển đến và tổ chức nhiều tuyến canh phòng nghiêm ngặt, trong đó lực lượng Công an bảo vệ tuyến ngoài. Ban Công an tiền phương đã phối hợp với lực lượng bảo vệ của Trung ương và quân đội bố trí lực lượng bảo vệ trên các tuyến đường, nhất là ở những đầu mối giao thông, những nơi hiểm trở mà kẻ địch dễ lợi dụng mai phục, ám sát.

Mặc dù tình hình chiến sự diễn ra ác liệt, kẻ địch chống phá bằng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, nhưng với sự phối hợp bảo vệ, sắp xếp điều động theo thứ tự ưu tiên đã bảo đảm thông suốt, trật tự và an toàn trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch.

Trong công tác bảo vệ kho tàng, trạm trung chuyển, lực lượng Công an phối hợp với bộ phận quân nhu hậu cần của quân đội tổ chức kiểm tra sự thuần khiết nội bộ, chọn những người có lý lịch tốt, trong sạch, có phẩm chất chính trị và đạo đức liêm khiết để làm công tác quản lý, bảo vệ kho tàng. Các đồn, trạm Công an phối hợp với bộ đội, dân quân du kích thiết lập vành đai, thường xuyên tuần tra canh gác xung quanh khu vực kho, kịp thời phát hiện bọn phá hoại, phòng, chống cháy nổ.

Công tác đấu tranh chống biệt kích, bóc gỡ mạng lưới gián điệp chỉ điểm cũng như chống phản động, cô lập cường hào ác bá lúc này không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn mà đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của toàn dân. Với sự hỗ trợ đắc lực từ quần chúng nhân dân, các cơ quan, đơn vị, nên dù còn rất non trẻ nhưng lực lượng CAND đã nhanh chóng phát huy được vai trò nòng cốt trong công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân, giữ gìn trật tự, an ninh và đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng và sự ủng hộ tích cực của nhân dân, lực lượng Công an tiêu diệt và bắt hầu hết các toán gián điệp biệt kích do địch tung xuống điều tra, phá hoại cầu cống, trục đường quan trọng và các phương tiện giao thông vận chuyển. Hoạt động trong vùng tạm chiếm, lực lượng Công an luôn được nhân dân đùm bọc, thương yêu, hết lòng giúp đỡ về mọi mặt: từ nuôi giấu, dẫn đường, vận chuyển tài liệu mật qua vùng địch kiểm soát. Ở vùng tự do căn cứ kháng chiến, lực lượng Công an làm nòng cốt phát động các phong trào “phòng gian bảo mật”, “ngũ gia liên bảo”, thực hiện khẩu hiệu “3 phòng”, “3 không”, hướng dẫn nhân dân tổ chức các biện pháp bảo vệ như: rào làng kháng chiến, đánh mõ hiệu liên thôn… nâng cao ý thức cảnh giác, góp phần bảo vệ tốt vùng tự do, vùng giáp ranh, khu căn cứ.

Lực lượng CAND góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ -1
Toán gián điệp (đều là nữ) của Pháp bị lực lượng Công an bắt giữ và khống chế sử dụng, phục vụ công tác bảo vệ chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)

Đối với công tác chống gián điệp ẩn nấp, lực lượng Công an tập trung vào địa bàn trọng điểm và tuyến đường vận chuyển ra chiến trường; tổ chức bóc gỡ nhiều đầu mối nội gián thâm nhập vào nội bộ cơ quan kháng chiến, đơn vị bộ đội, trong đó có những lần phối hợp với quân đội như: phối hợp cùng lực lượng bảo vệ quân đội bóc gỡ nội gián trong Tỉnh đội Hải Ninh, kịp thời ngăn chặn âm mưu ám sát, xúi giục bộ đội đào ngũ.

Để đối phó với phương thức gián điệp biệt kích hỗn hợp nhảy dù (GCMA), lực lượng an ninh đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quân đội và nhân dân, nhất là đối với vùng núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức truy bắt gián điệp, biệt kích. Vì vậy, trong giai đoạn chuẩn bị chiến dịch, hầu hết các toán GCMA vừa thâm nhập đã bị bắt hoặc bị tiêu diệt.

2. Một trong những công tác quan trọng phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ là công tác tiễu phỉ ở vùng núi phía Bắc và Tây Bắc, nhằm đảm bảo an ninh cho các vùng phụ cận cũng như tạo điều kiện huy động sức người, sức của cho trận chiến đấu. Tháng 11 năm 1953, Khu ủy Tây Bắc đã thành lập “Ban Thống nhất chống phỉ” do đồng chí Trần Quyết, Phó Bí thư Khu ủy, Giám đốc Công an Khu Tây Bắc làm Trưởng ban với lực lượng tham gia chủ yếu là Quân đội và Công an nhằm mục đích trừ phỉ, bảo vệ địa bàn xuất phát lực lượng, cung cấp hậu cần cho chiến dịch.

Theo đó, lực lượng Công an đã chủ động tiến hành các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc tình hình về tổ chức, lực lượng, địa điểm, trung tâm phỉ, mạng lưới cơ sở của chúng, đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục quần chúng nâng cao cảnh giác, không mắc mưu địch.

Trên cơ sở nắm chắc tình hình, xây dựng phong trào quần chúng, lực lượng Công an đã phối hợp với Quân đội triển khai kế hoạch tiến công các hang ổ phỉ, huy động các lực lượng, các ngành tham gia, sử dụng đồng bộ cả hai hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang để tiêu diệt và làm tan rã các hoạt động gây phỉ của địch.

Với phương châm “lấy vận động chính trị là chính, kết hợp với tiến công quân sự”, trong các đợt tiễu phỉ, “lực lượng Công an đã góp phần làm tan rã hơn một nghìn phỉ ở Cao Bằng; ba nghìn phỉ ở Lào Cai, Hà Giang; hai nghìn phỉ ở Thuận Châu, Sông Mã (Sơn La)”. Việc giải quyết căn bản nạn phỉ ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Tây Bắc đã góp phần củng cố hậu phương vững mạnh, an toàn, đảm bảo huy động được nhân lực, vật lực đáp ứng yêu cầu của chiến dịch.

Với sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, lực lượng Quân đội và Công an đã làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của thực dân Pháp, bảo vệ an toàn hậu phương, bảo vệ các đoàn quân, các đoàn vận chuyển hậu cần lên mặt trận, góp sức cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội. Bài học về sự phối hợp giữa Quân đội và Công an trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã được hai lực lượng kế thừa, phát triển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thể hiện trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ căn cứ địa cách mạng, an toàn khu, vùng giải phóng, hành lang cơ động chiến lược, các chiến dịch tiến công, phản công, tiễu phỉ, bắt biệt kích, thám báo, loại trừ các tổ chức phản động chống phá cách mạng.

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự thống nhất quản lý, điều hành của Nhà nước, mối quan hệ phối hợp giữa Công an và Quân đội được nâng lên tầm cao mới. Điều đó được thể hiện rõ trong sự phối hợp của hai lực lượng về xây dựng nền an ninh nhân dân và nền quốc phòng toàn dân, tăng cường tiềm lực và thế trận quốc phòng, an ninh trên từng khu vực và địa bàn cả nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đó còn là sự gắn kết của hai lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh; phối hợp chặt chẽ các hoạt động quốc phòng với an ninh và đối ngoại; kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế - xã hội theo quy hoạch, kế hoạch và các chương trình, dự án trên từng vùng, miền, nhất là địa bàn chiến lược.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã lùi xa nhưng dấu ấn và bài học về sự phối hợp giữa Công an và Quân đội vẫn còn vẹn nguyên giá trị, truyền thống đó ngày càng được củng cố, tăng cường, phát triển và được nâng lên tầm cao mới. Điều này thể hiện sự đúng đắn trong lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và điều hành của Chính phủ nhằm tăng cường quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an và Quân đội. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Công an và Quân đội là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của vô sản chuyên chính. Vì vậy, càng phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, giúp đỡ lẫn nhau”.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, lực lượng CAND phấn khởi, tự hào ôn lại những chiến công oanh liệt, thành tích vẻ vang đã đóng góp xứng đáng vào thắng lợi của chiến dịch lịch sử này. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào, là sức mạnh cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nói chung, lực lượng CAND nói riêng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lực lượng CAND nguyện tiếp tục phát huy truyền thống Anh hùng vẻ vang, luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, hun đúc bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức; trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

X.T
.
.