Lính cứu hỏa trước lằn ranh sinh tử

Thứ Ba, 04/10/2022, 08:17

Hơn 20 năm thực hiện Ngày toàn dân PCCC, đã khẳng định sự huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác PCCC, là ngày hội PCCC của toàn dân. Đã xuất hiện những tấm gương Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) anh dũng hy sinh, cứu người, cứu tài sản; những mô hình hay, cách làm sáng tạo.

Xả thân chiến đấu với giặc lửa

Trong chiến tranh cũng như thời bình, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH luôn xác định chữa cháy, cứu người bị nạn là chức năng, nhiệm vụ, là "mệnh lệnh" từ trái tim. Nối tiếp truyền thống của các thế hệ đi trước, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Cảnh sát PCCC và CNCH mỗi lần có hỏa hoạn phải thật nhanh lao vào biển lửa để dập lửa, cứu người. Các anh ý thức được rằng sẽ đối mặt với nguy hiểm, với những yếu tố bất ngờ có thể xảy ra nhưng đã không nề hà, sẵn sàng xả thân chiến đấu với "giặc lửa" khi nghe thông tin trong đám cháy có người, có tài sản và kịp thời ngăn chặn nguy cơ đám cháy có thể lan rộng, bùng phát sang nhà dân, công trình…

310001955_876107889973411_8290675033247593078_n.jpg -0
Chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH tham gia chữa cháy nhà dân.

Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH nhấn mạnh, CBCS Cảnh sát PCCC và CNCH luôn "Sẵn sàng bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân. Suốt đời tận tụy phục vụ nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân". Thực hiện lời hứa thiêng liêng ấy, 61 năm qua (ngày 4/10/1961), lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã trực tiếp chiến đấu với hàng trăm nghìn vụ cháy, và đã có không ít CBCS hy sinh, nhiều đồng chí đã phải mang thương tật suốt đời, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, tôn vinh.

Từ năm 1966 đến nay, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã có 32 liệt sỹ hy sinh. Trong đó, mới đây thôi, ngày 1/8, trong quá trình chữa cháy quán karaoke 231 phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, Thượng tá Đỗ Anh Quân, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Cầu Giấy cùng 2 đồng đội là Thượng úy Đỗ Đức Việt, cán bộ và Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc, chiến sĩ nghĩa vụ, đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến với giặc lửa để cứu sống các nạn nhân.

Người thân, người dân và những người anh em, đồng chí vô cùng tiếc thương, cảm phục tấm gương ngời sáng, không quản nguy hiểm, hy sinh lao vào đám cháy với mong mỏi tìm kiếm và cứu bằng được người dân mắc kẹt bên trong.

Kể từ khi thông tin về việc 3 liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ, báo chí, mạng xã hội đã tràn ngập hình ảnh về 3 liệt sĩ với nhiều bình luận thể hiện sự tiếc thương, cảm phục, tràn ngập những lời tri ân, kính cẩn nghiêng mình trước các anh. Không sự hy sinh nào, mất mát nào bị quên lãng và các anh sẽ mãi sống trong lòng đồng đội, nhân dân, đất nước.

Tô thắm hình ảnh đẹp trong lòng nhân dân

9 tháng đầu năm 2022, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã trực tiếp tham gia 927 vụ CNCH; tổ chức cứu được 823 người; tìm kiếm được 609 thi thể, bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.

Những thế hệ chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH, họ xuất thân là người bình thường,  trẻ về tuổi đời nhưng luôn tràn đầy tinh thần xông pha cứu giúp Nhân dân. Điển hình, vào lúc 16h ngày 6/8, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Quảng Nam nhận được tin báo có một nhóm 23 người gồm học sinh, giáo viên một trường THPT ở huyện Thăng Bình đang đi du lịch, dã ngoại tại khu vực suối Tiên, thuộc xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) thì bị mắc kẹt trên núi do mưa lớn, nước suối dâng cao, không qua được bên kia bờ suối, đề nghị được CNCH.

Sau khi nhận được tin báo, đơn vị đã điều động một xe CNCH cùng 15 CBCS nhanh chóng đến hiện trường. Đồng thời, qua điện thoại, đơn vị hướng dẫn mọi người chọn vị trí an toàn trong lúc đội cứu hộ tiếp cận hiện trường. Khi đến nơi, đội cứu hộ xác định vị trí, hướng dẫn nhóm người đến vị trí thuận lợi. Sau đó, lực lượng cứu hộ bắc thang, giăng dây đưa 23 người qua suối an toàn, công tác cứu hộ hoàn thành lúc 17h30' cùng ngày.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi Thư khen Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Quảng Nam đã cứu nạn thành công nhóm thầy và trò bị mắc kẹt bên bờ suối Tiên do nước lũ dâng cao. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự quyết đoán, dũng cảm và kỹ năng cứu nạn của các chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH. "Chiến công của các đồng chí đã góp phần tô thắm hình ảnh của người CAND, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, không ngại khó khăn, nguy hiểm, quyết tâm bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân"- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Trước đó, rạng sáng ngày 29/6, trên địa bàn huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang xảy ra trận mưa lớn. Trong thời gian ngắn, lượng mưa lên đến 187mm làm sạt lở đất đá nhiều tuyến đường. Trường THPT Lâm Bình, thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình là một trong những nơi bị ngập sâu nhất trong nước lũ, có nơi ngập hơn 2m do ở vị trí thấp, nằm sát bờ suối. Đặc biệt, trong ký túc xá của trường có nhiều học sinh ở nội trú đang bị cô lập, nước lũ đang tiếp tục dâng cao, nguy cơ cao ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe nếu không được ứng cứu kịp thời.

Khoảng 3h sáng, nhận được tin của một em học sinh tại khu ký túc xá Trường THPT Lâm Bình, mặc dù đang trong thời gian nghỉ phép, đồng chí Binh nhì Quan Ngọc Hoàng đã không ngại trời mưa to, đêm tối, đường sạt lở hết sức nguy hiểm, bơi qua dòng nước chảy xiết, khẩn trương đến hiện trường để thực hiện công tác cứu nạn.

Với tinh thần dũng cảm, không quản ngại hi sinh, tư duy nhạy bén và bằng kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng được huấn luyện chuyên nghiệp của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, đồng chí Quan Ngọc Hoàng cùng với các lực lượng tại chỗ đã giải cứu kịp thời 105 em học sinh đưa đến các vị trí an toàn. Đồng thời tiếp tục triển khai các phương án bảo đảm ANTT, hỗ trợ di dời tài sản, trang thiết bị đến nơi an toàn.

Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã gửi Thư khen; đặc biệt biểu dương, khen ngợi đồng chí Quan Ngọc Hoàng đã có hành động hết sức dũng cảm, không sợ hiểm nguy, gian khổ, kịp thời giải cứu các em học sinh THPT Lâm Bình, thể hiện tinh thần trách nhiệm với nhân dân, để lại hình ảnh đẹp về người chiến sỹ CAND trong lòng nhân dân.

Đại úy Thái Ngô Hiếu, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã cứu 4 người đuối nước tại Vũng Tàu. Vụ việc xảy ra khoảng 9h ngày 10/4, một nhóm thanh niên tắm biển gần bãi tắm ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì bị đuối nước tập thể.

Lúc này, Đại úy Thái Ngô Hiếu đi cùng gia đình nghỉ lễ tại bãi tắm gần đó, nghe tiếng kêu cứu liền chạy tới khu vực có người bị nạn rồi lao xuống biển tìm kiếm, trực tiếp đưa được 4 nạn nhân lên bờ. Khi phát hiện một số nạn nhân trong tình trạng bất tỉnh, tay chân tím tái, đồng chí Hiếu đã tiến hành sơ cứu ban đầu, hô hấp nhân tạo cứu sống được các nạn nhân trước khi đưa đi bệnh viện cấp cứu.

310001959_1496761794105406_7280460664588473115_n.jpg -0
Phút nghỉ ngơi của lính cứu hỏa sau khi chữa cháy.

Phát triển nở rộ, nhiều mô hình toàn dân PCCC

Trong PCCC và CNCH, ai cũng biết đến nguyên tắc 4 tại chỗ. Khi xảy ra cháy, việc phát hiện và xử lý tại chỗ trong 5 phút đầu tiên có tính chất quyết định. Nhưng đặc thù của các đô thị ở nước ta là tồn tại nhiều hẻm nhỏ và sâu, xe chữa cháy chuyên dụng rất khó tiếp cận.

Nắm bắt được điều này, chính quyền nhiều địa phương đã có những cách làm rất sáng tạo để đảm bảo an toàn cho dân trước "giặc lửa"; xuất hiện nhiều mô hình hay, công việc tốt được người dân phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thành lập và duy trì hoạt động trong phòng trào Toàn dân PCCC. Đáng chú ý, mô hình "Tổ liên gia PCCC" của tỉnh Bắc Ninh- lấy dân làm trung tâm trong công tác phòng ngừa. Sau đó, mô hình này đã được triển khai, nhân rộng trên phạm vi cả nước.

Sau gần 1 tháng thực hiện trình chiếu thử nghiệm, mô hình "Tuyên truyền an toàn PCCC trên các màn hình công cộng" tại Trung tâm thương mại Aeon Mall Bình Tân, TP Hồ Chí Minh đã nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân.

Theo Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an TP Hồ Chí Minh, Trung tâm thương mại Aeon Mall Bình Tân đã dành ra 30 màn hình để trình chiếu các video clip về an toàn PCCC. Những màn hình lắp đặt tại các khu vực thường xuyên có khách hàng qua lại như sảnh chờ, khu nghỉ chân, nơi ăn uống, khu vui chơi, thang máy, quầy tính tiền được Trung tâm thương mại Aeon Mall Bình Tân ưu tiên trình chiếu các video clip này.

Ngoài ra, còn có các mô hình Đội chữa cháy tình nguyện dưới chân núi Lang Biang (Lạc Dương, Lâm Đồng); Đội chữa cháy từ thiện của người nông dân xã Hòa Lạc, huyện Tân Phú, An Giang; mô hình "Nhà tôi có bình chữa cháy" của phường Vạn Thạnh, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; mô hình "Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC" của TP Hải Phòng; tổ Liên gia về PCCC của Bắc Ninh; khu phố (ấp) điểm an toàn về PCCC; một ngày làm lính chữa cháy; tuyên truyền, vận động các hộ gia đình tự giác gỡ bỏ lòng sắt (chuồng cọp) tạo lối thoát nạn thứ hai, tự trang bị dụng cụ phương tiện chữa cháy, CNCH...

Nhiều nơi, nhân dân đã tự phá rỡ, giải tỏa lấn chiếm tạo khoảng cách an toàn PCCC và thoát nạn; dọn đường cho xe chữa cháy cơ động; đóng góp kinh phí mua sắm phương tiện, dụng cụ chữa cháy.

Hiện cả nước có 80.559 đội dân phòng, với 824.184 đội viên; 325.087 đội PCCC cơ sở, với 2.321.061 đội viên; có 460 đội PCCC chuyên ngành, với 8.540 đội viên. Cả nước có 4.242 đơn vị điển hình tiên tiến về PCCC; xây dựng 1.211 điểm mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC; 561 điểm chữa cháy công cộng. Hằng năm, lực lượng dân phòng và PCCC cơ sở đã phối hợp với nhân dân phát hiện và dập tắt trên 50% tổng số vụ cháy xảy ra, ngăn chặn nguy cơ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, góp phần kiềm chế sự gia tăng về số vụ cháy và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

Minh Hiền
.
.