Lấy phòng để chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng
Theo số liệu thống kê của Đội Cảnh sát phòng ngừa, điều tra tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hoá, chỉ tính từ ngày 1/4/2024 đến nay, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, Công an các đơn vị trên địa bàn đã phòng ngừa trên 1.230 vụ việc liên quan đến tội phạm lừa đảo trên không gian mạng... Con số trên cho thấy, tội phạm liên quan đến công nghệ cao là loại tội phạm mới nhưng có diễn biến hết sức phức tạp, trong đó nổi lên chủ yếu là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hiệu quả phòng ngừa từ sớm, từ xa
Cách đây không lâu, ngày 28/4/2024, anh Nguyễn Huy Hoàng (SN 1985), là quản lý khách sạn Rossie thuộc phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá được một tài khoản Zalo tên "HT" gửi lời mời kết bạn và nhắn tin đặt tiệc ăn cho 22 khách. Sau khi thống nhất món ăn, tài khoản “HT” nhờ anh Hoàng mua hộ một số mặt hàng như: Rượu, đông trùng hạ thảo, trà... không có sẵn trên thị trường. Tiếp đó, đối tượng gửi cho anh Hoàng một hình ảnh giao dịch chuyển tạm ứng số tiền 40.000.000 đồng, đồng thời giới thiệu anh Hoàng nơi mua các mặt hàng trên với tổng giá trị hàng mua là 70.000.000 đồng. Do đã được tuyên truyền về các hình thức lừa đảo trên không gian mạng nên anh Hoàng đã liên hệ với cơ quan Công an để thông tin và vụ việc đã được ngăn chặn kịp thời. Đây là một trong số các vụ việc lừa đảo qua mạng điển hình đã bị người dân phát hiện sớm. Có được kết quả trên là nhờ công tác tuyên truyền, phòng ngừa từ sớm, từ xa tội phạm lừa đảo trên không gian mạng của lực lượng Công an tỉnh Thanh Hoá.
Trung tá Trịnh Văn Sơn – Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng ngừa, điều tra tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết: Quân số của đội chỉ hơn 20 người nhưng khối lượng công việc rất lớn, vừa làm nhiệm vụ của đơn vị, vừa phối hợp với Công an các địa phương đấu tranh, phá án. “Từ tháng 4 đến nay, đơn vị đã phối hợp phòng ngừa được hơn một ngàn vụ việc, nếu công tác phòng ngừa không tốt, số vụ việc trên xảy ra chắc anh em chúng tôi không trụ nổi, lấy người đâu mà đi làm...”, Trung tá Sơn cho hay.
Theo Trung tá Trịnh Văn Sơn, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hiện tập trung chủ yếu ở các thủ đoạn như: Lừa đảo tuyển cộng tác viên hưởng hoa hồng; lừa đảo mua bán hàng trên mạng; lừa giả danh Công an, Viện Kiểm sát (tập trung vào người già, phụ nữ); hack tài khoản mạng xã hội, giả danh người thân lừa đảo; lừa đảo hỗ trợ vay vốn qua app hoặc các trang mạng xã hội; lừa kêu gọi đầu tư tiền điện tử, chứng khoán… Các đối tượng lừa đảo hoạt động trên không gian mạng cư trú ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, thậm chí đối tượng là người nước ngoài câu kết với các đối tượng trong nước thực hiện hành vi phạm tội. Các đối tượng lừa đảo hầu hết có độ tuổi từ 24 đến 34 tuổi, chủ yếu là lao động tự do hoặc không có việc làm ổn định. Điều đáng nói, số bị hại trong các vụ lừa đảo chiếm đoạt trên không gian mạng chủ yếu là phụ nữ, chiếm tới 96%.
“Ma trận” lừa đảo trên không gian mạng
Điển hình, vào hồi 17h30 ngày 12/3/2024, một người đàn ông gọi vào số điện thoại của chị L.T.Y (chủ cửa hàng vàng bạc Thiên Bảo ở thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa), giới thiệu tên là Duy và hỏi mua 3 cây vàng với giá 209 triệu đồng. Sau khi trao đổi, đối tượng đã kết bạn Zalo với chị Y và yêu cầu chị Y giao số vàng trên cho chị N.T.H (chủ cửa hàng vàng bạc Hoa Phi ở cùng thị trấn Yên Cát) và nói, sau khi chị H xác nhận đủ 3 cây vàng thì sẽ chuyển tiền qua tài khoản cho chị Y. Cùng thời gian trên, chị N.T.H (chủ cửa hàng vàng bạc Hoa Phi) cũng nhận được điện thoại của một người đàn ông gọi đến nói cần bán cho chị H 3 cây vàng với giá 203 triệu đồng. Đối tượng nói với chị H, số vàng này đang gửi ở nhà chị Y và yêu cầu chị H sang nhà chị Y lấy vàng về rồi chuyển tiền qua tài khoản cho hắn. Tin lời đối tượng, chị H sang nhà chị Y lấy vàng về rồi chuyển đủ số tiền 203 triệu đồng vào tài khoản đối tượng nhắn trước đó. Đợi mãi không thấy đối tượng chuyển tiền nên chị Y đã gọi điện thoại cho chị H để hỏi thì chị H trả lời là mua số vàng đó của người tên Duy qua điện thoại và đã chuyển đủ tiền cho người này. Sau nhiều lần liên lạc với người tên Duy nhưng không được, cả chị Y và chị H mới biết mình bị lừa nên đã đến trình báo với Công an huyện Như Xuân.
Trước đó, ngày 29/3/2024, một người đàn ông gọi điện thoại cho anh L.H.V (Giám đốc Công ty CPTM và xây dựng VNT có địa chỉ tại xã Quảng Đức, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá), giới thiệu là nhân viên bán hàng của công ty sắt thép ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Đối tượng chào bán thép với giá rẻ hơn giá ngoài thị trường. Sau khi trao đổi, anh V đã đồng ý mua 34 tấn sắt phi 14 với tổng 494 triệu đồng, thỏa thuận nhận hàng vào ngày 2/4/2024 tại xã Quảng Đức. Cùng lúc đó, một công ty kinh doanh sắt thép ở Vinh nhận được điện thoại của người đàn ông đặt 34 tấn thép chở ra xã Quảng Đức, huyện Quảng Xương. Khi xe đến đổ hàng sẽ trả tiền. Khoảng 10h ngày 2/4/2024, anh T.X.T (SN 1982), ở xã Hưng Đông, TP Vinh, tỉnh Nghệ An là lái xe của Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Đức Thắng ở TP Vinh, Nghệ An đã chở số sắt trên đến trụ sở công ty của anh V ở Quảng Xương. Cùng thời điểm này, người đàn ông lạ đã điện thoại yêu cầu anh V chuyển tiền vào một tài khoản tại ngân hàng Techcombank mang tên Phạm Lê Huỳnh Trâm. Sau khi kiểm tra số sắt anh T.X.T mang đến thấy đúng yêu cầu, anh V đã chuyển đủ số tiền 494 triệu đồng vào số tài khoản người lạ mặt. Tuy nhiên, khi cho người bốc sắt xuống thì lái xe T.X.T không cho vì công ty anh ta chưa nhận được tiền trong tài khoản. Lúc này anh V gọi điện thoại cho người đàn ông lạ thì số điện thoại đã tắt, không liên lạc được.
Đa dạng hình thức tuyên truyền, phòng ngừa
Thời gian qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triển khai hoạt động tuyên truyền dưới nhiều hình thức, thu hút được sự quan tâm, theo dõi, góp phần nâng cao ý thức của quần chúng nhân dân trong phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng. Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền như truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh; dán tờ rơi, treo băng rôn, khẩu hiệu; tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp tại các địa bàn trọng điểm, trường học, khu dân cư.
Đặc biệt, Công an tỉnh Thanh Hoá chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự thành lập Ban Chỉ đạo tuyên truyền, trong đó tạo các group hằng ngày chỉ đạo tuyên truyền các thủ đoạn tội phạm, thông tin các vụ án xảy ra trong cả nước kết nối với hơn 5.000 group dân cư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Cùng với đó, trong năm 2023, Công an tỉnh Thanh Hoá đã mở 4 lớp tập huấn công tác nghiệp vụ cơ bản cho hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Cảnh sát nhân dân và Công an xã, phường, thị trấn để tổ chức nâng cao toàn diện công tác nghiệp vụ cơ bản từ nhận thức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các mặt công tác với phương châm “làm thật, báo cáo thật, chất lượng thật”. Nhờ đó, nhận thức về các hành vi lừa đảo chiếm đoạt trên không gian mạng của người dân đã được nâng cao.
Thiếu tá Đỗ Văn Hiền – Trưởng Công an xã Xuân Lai, huyện Thọ Xuân cho hay, Công an xã đã thiết lập 7 nhóm Zalo, mỗi nhóm do một đồng chí Công an xã làm quản trị. Các nhóm Zalo này sẽ cập nhật nhanh các thông tin cần thiết, đặc biệt tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Thượng tá Nguyễn Hữu Tuấn – Phó trưởng Công an huyện Thạch Thành cho biết: “Chúng tôi chú trọng tuyên truyền tới nhóm thường bị lừa đảo là phụ nữ, công nhân, người cao tuổi... Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, đã có hơn 100 người dân đến cơ quan Công an trình báo các hình thức lừa đảo trên không gian mạng”.