Lặng thầm bảo vệ an ninh tại 3 công trình quan trọng về an ninh quốc gia

Thứ Tư, 10/05/2023, 07:07

Hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) đẹp nhất là vào lúc bình minh và hoàng hôn. Đây là thời điểm sắc trời và mặt nước hòa quyện vào nhau. Trải nghiệm một vòng trên lòng hồ Dầu Tiếng, ta cảm nhận được vẻ đẹp giao hòa giữa núi và hồ nước bình dị, hoang sơ.

Giữa bao la trùng điệp núi rừng huyện Thường Xuân, hồ Cửa Đạt hiện ra giữa một khoảng mênh mông như con mắt của thiếu nữ rừng xanh. Công trình bề thế khiến người đến đây lần đầu không khỏi ngỡ ngàng và choáng ngợp khi tham quan thưởng lãm cảnh đẹp lòng hồ bằng du thuyền…

Lặng thầm bảo vệ an ninh tại 3 công trình quan trọng về an ninh quốc gia -0
Đoàn công tác của Phòng An ninh nông, lâm, ngư nghiệp làm việc tại tỉnh Tây Ninh về công tác đảm bảo an ninh Hồ Dầu Tiếng.

Đến với hai trong số ba hồ chứa nước, công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia do Phòng An ninh nông, lâm, ngư nghiệp, Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an trực tiếp và tham gia phối hợp, hướng dẫn công tác bảo vệ…, cảm xúc của các trinh sát Phòng An ninh nông, lâm, ngư nghiệp thật đặc biệt. Hồ Dầu Tiếng, nơi nhiều dân mưu sinh có, trong đó có hơn 1.048 hộ từ Biển Hồ trở về.

Với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và lực lượng Công an, đời sống của người dân thuyền chài đã có sự thay đổi nhưng vẫn còn đó bộn bề những khó khăn. Người dân sống men theo lòng hồ thuộc địa phận các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh và Bình Phước vẫn còn sống tạm bợ, kham khổ. Một số người đã mua được đất, làm nhà nhưng vẫn bám lấy nghề chài lưới, vào mùa gió hay những đêm sóng to, do thuyền nhỏ nên người dân gặp không ít khó khăn.

Nhiều hộ gia đình bốn đời lênh đênh trên sông nước nhưng bao nhiêu năm chỉ kiếm đủ ăn; những đứa trẻ chỉ biết học bơi, học đánh bắt cá mà không biết đến con chữ… Đó là những điều cán bộ Phòng An ninh nông, lâm, ngư nghiệp còn trăn trở mỗi khi trở về địa bàn. Họ mong muốn cùng với lực lượng Công an cơ sở làm được một điều gì đó để cuộc sống của những người thuyền chài thêm no đủ hơn.

Được biết, Hồ Cửa Đạt, Tả Trạch và Dầu Tiếng là những công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia (ANQG) do đơn vị phụ trách. Trong đó, Hồ Cửa Đạt được biết đến là công trình dân sinh thủy lợi - thủy điện với trữ lượng gần 1,4 tỷ m3 nước. Ngoài việc chống lũ, bảo vệ hạ du thì công trình này còn duy trì ổn định nguồn nước tưới cho vùng Nam, Bắc sông Chu; cung cấp nước công nghiệp, sinh hoạt cho người dân. Đồng thời, nơi đây cũng là nơi được các nhà đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời mặt hồ để phát triển kinh tế xã hội...

Vì thế, yêu cầu cao nhất đặt ra đối với cán bộ Phòng An ninh nông, lâm, ngư nghiệp là phải đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn cho công trình, đảm bảo vận hành hoạt động bình thường góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội hiệu quả quốc gia. Cùng với đó, phát hiện những tồn tại, bất cập trong việc cấp phép hoạt động tại các hồ chứa và kiến nghị giải pháp để khắc phục, qua đó góp phần vừa đảm bảo an ninh kinh tế, vừa phục vụ có hiệu quả phát triển kinh tế xã hội.

“Cùng với đó là đánh giá các yếu tố tác động đe dọa an ninh, an toàn công trình, trong đó chú ý hoạt động cấp phép các dự án tại công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, nhất là khai thác khoáng sản, điện mặt trời, dự án có đầu tư nước ngoài; hoạt động phá hoại của các tổ chức, cá nhân làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hồ đập”- lãnh đạo Phòng An ninh nông, lâm, ngư nghiệp” chia sẻ.

Cũng vì thế, áp lực đặt ra đối với các trinh sát Phòng An ninh nông, lâm, ngư nghiệp- đơn vị có chức năng giúp Cục trưởng thống nhất chỉ đạo, chỉ huy, hướng dẫn lực lượng An ninh kinh tế trong cả nước về công tác bảo vệ an ninh nội bộ, an ninh kinh tế trên lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp là hết sức nặng nề.

Ba hồ chứa nước công trình quan trọng liên quan đến ANQG là công trình có qui mô lớn, nhiều công trình ở nơi phức tạp về địa lý, tự nhiên và xã hội, phạm vi liên quan nhiều địa phương. Đây cũng là nơi tập trung nguồn vốn lớn, vật tư, tài sản quí hiếm; các thiết bị kỹ thuật, dây chuyền công nghệ hiện đại; lưu giữ, bảo quản nhiều hồ sơ, tài liệu, mẫu vật, hiện vật có giá trị đặc biệt quan trọng về kinh tế, khoa học - kỹ thuật…, có tác động ảnh hưởng lớn đến sự ổn định chính trị - xã hội, an ninh, quốc phòng, nền kinh tế, khoa học kỹ thuật, và môi trường sinh thái.

Tại các công trình cũng thường xuyên có số lượng rất lớn cán bộ, nhân viên tham gia thi công, vận hành các công trình quan trọng về ANQG trong lĩnh vực kinh tế, có thành phần rất đa dạng và phức tạp. Trong đó, có nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý, chuyên gia kinh tế, kỹ thuật đầu ngành; các cơ quan, tổ chức thi công, vận hành, quản lý các công trình quan trọng về ANQG trong lĩnh vực kinh tế thường xuyên có quan hệ, hợp tác với nhiều đối tác khác nhau trên thế giới.

Trong khi đó, các thế lực thù địch phản động và bọn tội phạm luôn tìm cách sử dụng mọi thủ đoạn, hành vi để gia tăng các hoạt động phá hoại, nhằm vào các mục tiêu, công trình quan trọng về ANQG để gây bất ổn an ninh kinh tế nên công tác bảo đảm an ninh, an toàn công trình gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Công việc của các trinh sát đơn vị vì thế vừa là công tác nghiệp vụ trinh sát của lực lượng an ninh, vừa là quản lý nhà nước và mang tính trinh sát bí mật được tổ chức, triển khai theo các công trình cố định, có đối tượng bảo vệ và đối tượng đấu tranh. Song lại chịu sự chi phối và có mối quan hệ chặt chẽ với các hoạt động chuyên ngành tại công trình; chịu sự tác động, ảnh hưởng sâu sắc từ những biến động kinh tế - xã hội cả trong và ngoài nước; có sự phối hợp một cách thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự chủ động, tích cực của cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức thi công, vận hành, quản lý công trình.

Ngoài ra, công tác bảo đảm an ninh, an toàn công trình quan trọng liên quan đến ANQG còn thường xuyên chịu tác động từ hoạt động của các thế lực thù địch, hoạt động của tội phạm khác xâm phạm an ninh, an toàn công trình (tội phạm kinh tế; phá huỷ các công trình, xâm phạm hành lang an toàn công trình; lấy cắp vật tư, thiết bị, gây mất an ninh trật tự công trình) các nhân tố khác đe dọa gây mất an ninh, an toàn công trình (tinh hình an ninh chính trị nội bộ tại một số bộ, ngành, công trình quan trọng về ANQG.

Trong khi đó, năng lực quản lý kinh tế xã hội, điều hành của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn chưa theo kịp sự phát triển. Tình hình đình công, lãn công; hoạt động của một số người nước ngoài tại các công trình quan trọng về ANQG có lúc còn phức tạp, chưa tuân thủ đúng các qui định của pháp luật Việt Nam về đi lại, cư trú, sinh hoạt...

Trước tình hình trên, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, trong những năm qua, Phòng An ninh nông, lâm, ngư nghiệp đã chủ động, phối hợp với các bộ, ngành đề xuất các công trình quan trọng đưa vào công trình quan trọng liên quan đến ninh quốc gia trình cấp có thẩm quyền quyết định. Đồng thời, tham mưu lãnh đạo Cục, Bộ trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung sửa đổi và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến ANQG trên lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.

Hiện nay, theo Quyết định số 166/QĐ-TTg ngày 07/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực nông nghiệp có 3 công trình thủy lợi là Hồ Cửa Đạt, Tả Trạch và Dầu Tiếng là công trình quan trọng liên quan đến ANQG. Bên cạnh công trình chính là hồ chứa cũng có các công trình liên quan như: Đập phụ, đập chính, cống xả sâu.

Phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật; tổ chức và chỉ đạo công tác bảo vệ công trình quan trọng liên quan ANQG; hướng dẫn Công an địa phương xây dựng nội dung chương trình huấn luyện, phương án, kế hoạch công tác bảo vệ, đào tạo về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ bảo vệ cho lực lượng bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến ANQG. Đồng thời, kiểm tra, điều tra, kiến nghị xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm pháp luật đối với công trình quan trọng liên quan đến ANQG.

Đặc biệt, trước những khó khăn phức tạp công tác Công an triển khai bảo vệ 3 công trình quan trọng liên quan đến ANQG, Phòng An ninh nông, lâm, ngư nghiệp thường xuyên hướng dẫn Công an các tỉnh thực hiện đúng quy định của pháp luật về tin bảo vệ công trình quan trọng liên đến ANQG.

Tham mưu các đơn vị được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi theo dõi, giám sát, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý ngay từ sớm các hoạt động trái phép hoặc không phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, không để hình thành công trình kiên cố, quy mô lớn đi vào hoạt động gây khó khăn trong việc xử lý.

Đồng thời, chủ động triển khai công tác đảm bảo an ninh kinh tế, tham mưu thẩm định các chương trình, đề tài, dự án có liên quan đến công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; kịp thời phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh ngăn chặn hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến công trình quan trọng liên quan đến ANQG.

Bên cạnh đó, tham mưu Đảng ủy, lãnh đạo Cục hướng dẫn, phối hợp các địa phương liên quan làm tốt công tác giáo dục, chính trị, tư tưởng động viên CBCS tham gia bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến ANQG; cá nhân bị thương tích tổn hại về sức khỏe hoặc bị thiệt hại về tính mạng khi tham gia bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến ANQG thì bản thân và gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước đối với cơ quan, chức, cá nhân tham được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ ANQG.

Xuân Mai
.
.