Lan tỏa hình ảnh người chiến sĩ Công an quả cảm, vì nhân dân phục vụ

Thứ Bảy, 24/08/2024, 07:01

Từ đầu năm đến nay, Công an các đơn vị, địa phương thuộc Công an TP Hải Phòng đã ngăn ngừa hiệu quả và kịp thời cứu sống hàng chục nạn nhân trong các vụ tai nạn, cháy nổ, tự tử…, góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp và tinh thần trách nhiệm xã hội của người chiến sĩ CAND.

Khi dân cần, khi dân khó, có Công an

Đã hơn 2 tuần trôi qua nhưng mỗi khi nhớ lại những giây phút hoảng loạn trong sự tuyệt vọng giữa dòng chảy sông Cấm vào ngày 8/8/2024, anh Ngô Hồ Hải (SN 1989, trú tại phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) - là thuyền viên tàu NB-6874 lại thấy rùng mình.

Anh Hải kể, hôm ấy tàu của anh hành trình trên sông Cấm, anh đang đứng trên boong phía cuối tàu thì có cuộc điện thoại gọi đến. Vì mải tập trung vào cuộc thoại, anh Hải đi đi, lại lại trên boong mà không để ý, nên bất ngờ vấp vào vật cản và ngã xuống sông. Người Hải Phòng có mấy ai mà không biết sông Cấm là tuyến cầu cảng dài nhất trong tổng thể hệ thống cảng ở Hải Phòng, luồng sông sâu do thường xuyên được nạo vét cho tàu hàng vạn tấn qua lại, lưu vực sông rất rộng, nước luôn chảy xiết vì gần cửa biển.

Lan tỏa hình ảnh người chiến sĩ Công an quả cảm, vì nhân dân phục vụ -0
Cảnh sát PCCC&CNCH Hải Phòng thuyết phục thành công nam thanh niên định nhảy cầu tự tử trong đêm.

Vì thế, dù biết bơi nhưng đúng lúc thủy triều dâng nên sóng lộng, mặt nước càng mênh mông, anh Hải đã cố bơi vào bờ nhưng chỉ được một lúc đã kiệt sức. Trong khi tàu của anh vẫn tiếp tục hành trình, các thuyền viên còn lại trên tàu không ai biết anh bị rơi xuống nước vì mọi người đang nghỉ trưa, điểm rơi của anh Hải lại trong góc khuất, mà dòng chảy lại ngược với hành trình của tàu. Đúng lúc tuyệt vọng trong sự hoảng loạn tột độ, thì anh Hải thấy một chiếc xuồng cao tốc của Công an chạy đến, từ trên xuồng, các chiến sĩ Cảnh sát lao xuống vật lộn với sóng nước tiếp cận đưa anh Hải lên xuồng. Sau khi được chăm sóc ở trụ sở Công an, sức khỏe và tinh thần hồi phục, anh Hải mới biết những ân nhân của mình là CBCS Tổ công tác Đội Cảnh sát đường thủy số 1 thuộc Phòng CSGT Công an TP, đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên sông.

Còn chị Phạm Thu D. (SN 1982, trú đường Lán Bè, phường Lam Sơn, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) không phải nạn nhân như anh Hải nhưng cũng xúc động kể lại câu chuyện với sự xúc động. Chị tâm sự, con gái chị là Nguyễn Thị T.H (SN 2007) đang tuổi ăn học, chỉ vì a dua chơi bời, bỏ bê chuyện học hành. Mới đây, khi biết cháu T.H vay mượn tiền bạn bè mang nợ nần, trong lúc nóng giận, chị D. có nặng lời với cháu, thế là T.H bỏ nhà đi. Sau mấy tuần tìm kiếm vô vọng, vào ngày 3/8 vừa qua, chị D. nhận được tin báo của Công an phường Lam Sơn về việc cháu T.H nhảy cầu An Đồng (nối quận Lê Chân với huyện An Dương, TP Hải Phòng) tự tử. Nhưng may mắn cháu đã được CBCS Trạm Cảnh sát đường thủy An Dương thuộc Phòng CSGT Công an TP Hải Phòng trú quân gần đó kịp thời cứu thoát.

Chị Phạm Thu D. chia sẻ, không thể tả hết sự biết ơn của những người trong gia đình chị đối với CBCS Trạm Cảnh sát đường thủy An Dương, những người đã "tái sinh" cho con gái chị. Bởi thời điểm xảy ra sự việc là lúc rạng sáng, cầu An Đồng rất vắng vẻ, đây là khu vực ngã ba giao cắt giữa sông Lạch Tray và sông Tam Bạc nên rất sâu và nước chảy xiết, nhưng các chiến sĩ Công an đã không quản ngại nguy hiểm, kịp thời phát hiện và cứu sống được cháu. Không chỉ dừng lại ở đó, "các chú Công an còn đến tận nhà động viên, phân tích thấu tình để gia đình tôi hiểu rõ, quan tâm hơn đến cháu, hiện tâm lý cháu đã ổn định và dự định đi học trở lại…", chị Phạm Thu D. xúc động nói.

Luôn nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội cho cán bộ, chiến sĩ

Trung tá Phạm Đức Dương, Đội trưởng Đội CSGT-TT Công an quận Hồng Bàng cho biết, khu vực Hải Phòng có gần chục cửa sông lớn đổ ra biển, lưu vực rất sâu và rộng, các cây cầu đều có độ tĩnh không cao để tàu biển có thể vào ra. Riêng địa bàn quận Hồng Bàng, nơi có 2 cây cầu lớn là cầu Bính và cầu Hoàng Văn Thụ, rất nổi tiếng về mặt giao thông, kinh tế và mỹ quan, nhưng cũng nổi tiếng vì có nhiều vụ người dân cùng quẫn nhảy cầu tự tử. 

Vì vậy, bên cạnh những kỹ năng nghiệp vụ phục vụ công tác chuyên môn, kỹ năng phản ứng với các vụ việc phát sinh khác luôn được CBCS Công an quận Hồng Bàng rèn luyện. Trong thời gian qua, Công an quận Hồng Bàng đã kịp thời ngăn ngừa hàng chục vụ việc người dân có ý định nhảy cầu tự tử trên 2 cây cầu này. Trung tá Phạm Đức Dương cho biết thêm, tiếp xúc với các vụ việc phần lớn là các lực lượng CSGT, Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an cơ sở… những người luôn có mặt trực tiếp hằng ngày, gắn bó với đời sống xã hội, với người dân.

Lan tỏa hình ảnh người chiến sĩ Công an quả cảm, vì nhân dân phục vụ -0
Cảnh sát đường thủy Hải Phòng cứu sống một nạn nhân nhảy cầu Bính tự tử.

Còn theo Thiếu tá Nguyễn Đức Trường, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng), trước kia chỉ khi có cháy người dân mới gọi điện đến Trung tâm 114, thì nay có rất nhiều vụ việc, khi gặp khó khăn là người dân gọi đến đề nghị hỗ trợ cứu nạn, cứu hộ. "Từ kẹt thang máy, phương tiện hư hỏng đến việc ong làm tổ trong khu dân cư, thậm chí tai nạn giao thông đường bộ, đường thủy, người dân không báo được cho CSGT cũng gọi đến Cảnh sát PCCC&CNCH…", Thiếu tá Trường tâm sự.

Thiếu tá Nguyễn Đức Trường cho biết, huyện Thủy Nguyên chạy dọc theo sông Cấm, ngoài chung nhiệm vụ quản lý 2 cây cầu Bính và Hoàng Văn Thụ với Công an quận Hồng Bàng nêu trên, Công an huyện Thủy Nguyên còn chung nhiệm vụ quản lý cầu Kiền nối với huyện An Dương, sông cũng rộng, cầu cũng cao và cũng không kém phần nổi tiếng vì có nhiều vụ nhảy cầu. Mỗi khi xảy ra vụ việc mà nạn nhân không kịp được ngăn chặn, CBCS Công an gánh khối lượng công việc nhiều nhất, lo tập trung tìm kiếm cứu nạn, lo điều tra xác minh nguyên nhân, lo các thủ tục pháp lý và phong tục cho người xấu số… Còn đối với những trường hợp có cơ hội ngăn ngừa, những cán bộ Công an lại vào vai chuyên gia tâm lý, mang điều hơn, lẽ phải để thuyết phục nạn nhân. Đơn cử như vụ việc xảy ra vào tháng 4 vừa qua, nhận được tin báo một nam thanh niên có ý định nhảy cầu Kiền tự tử, ngay lập tức Thiếu tá Trường cùng đồng đội đến hiện trường. Lúc này, nam thanh niên đã leo ra ngoài thành cầu, trong trạng thái tâm lý không ổn định.

Thiếu tá Trường vừa từ từ tiếp cận, vừa kiên trì thuyết phục, trong lúc các đồng đội khác âm thầm triển khai nghiệp vụ, sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu, sau những phút giây vô cùng căng thẳng, anh và đồng đội đã đưa được nạn nhân vào vị trí an toàn. Những tình huống như vậy vô cùng nhạy cảm, bởi chỉ cần sơ suất là nạn nhân manh động nhảy xuống rất nguy hiểm. Nếu cán bộ Công an không có tinh thần và bản lĩnh được rèn luyện, rất có thể sự cố xảy ra ngoài mong muốn.

Đó chỉ là những vụ việc trong số hàng chục vụ việc mỗi năm mà các lực lượng Công an TP Hải Phòng phải đối mặt, khi nạn nhân do suy nghĩ quẩn mà tự tử, khi do sơ ý mà đuối nước, hoặc bị tai nạn giao thông hay cháy nổ… Dù trong hoàn cảnh nào, mỗi lần gặp sự cố, đôi khi không thuộc lĩnh vực chuyên môn được giao, nhưng CBCS Công an TP Hải Phòng đều luôn hết mình, không quản ngại hiểm nguy, giành giật sự sống cho người dân.

Tâm sự với chúng tôi về những điều này, Thượng tá Nguyễn Đình Xoang, Trưởng phòng CSGT Công an TP Hải Phòng cho rằng, một trong những tinh thần quan trọng nhất mà mỗi CBCS Công an phải nhận thức được, đó là thể hiện trách nhiệm với xã hội, với người dân. Mà trên thực tế, những vụ việc nêu trên có vai trò rất lớn của lực lượng CSGT. Vì vậy, ngoài công tác chuyên môn, việc giáo dục, rèn luyện, nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội cho CBCS luôn được Phòng CSGT Công an TP Hải Phòng coi trọng.

Không chỉ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, mà trên bất cứ lĩnh vực nào, người chiến sĩ CAND cũng phải đối mặt với những tình huống gian nguy, đòi hỏi sự rèn luyện tinh thông về nghiệp vụ, lòng quả cảm sẵn sàng hy sinh, góp phần làm lan tỏa hình ảnh đẹp của  người chiến sĩ CAND, luôn hết lòng vì nhân dân phục vụ.

V.Huy
.
.