An cư, yên biên giới:

Huy động tổng lực cho những ngôi nhà “3 cứng” (Bài 2)

Thứ Ba, 09/05/2023, 08:18

Chỉ trong thời gian ngắn, việc vận động, hỗ trợ và xây dựng 2.820  căn nhà cho người nghèo tại các huyện biên giới rẻo cao của tỉnh Nghệ An đã và đang được Bộ Công an, Công an tỉnh Nghệ An hoàn thành. Đây là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của lực lượng Công an đối với công tác an sinh xã hội.

Những ngôi nhà khung thép kiên cố, vững chãi đã trở thành điểm tựa của người dân biên giới, giúp họ an cư, ổn canh, góp phần giữ bình yên vùng phên giậu Tổ quốc…

Ngày hội làm nhà

Tại huyện Tương Dương, sau khi có chỉ đạo từ Bộ Công an, Công an tỉnh Nghệ An, Công an huyện đã trực tiếp tham mưu cho BTV Huyện ủy, UBND huyện các văn bản chỉ đạo đến Đảng ủy, chính quyền 9 xã được hỗ trợ trong giai đoạn 1; trực tiếp chỉ đạo Công an các xã, thị trấn triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và hiệu quả việc rà soát các hộ nghèo, người khó khăn về nhà ở để đăng ký báo cáo Công an tỉnh, hiện nay trên địa bàn huyện Tương Dương đã có chủ trương triển khai xây dựng 602 căn nhà ở tại 5 xã nội địa và 4 xã biên giới, trong đó 300 căn nhà của nguồn Công an tỉnh và 302 căn nhà là nguồn của Bộ Công an.

053e4e25-3ecc-4789-b91b-51860fca374f.jpeg -0
Cán bộ Công an huyện Kỳ Sơn cùng các lực lượng tại địa phương đang ngày đêm góp công sức hoàn thành ngôi nhà cho người nghèo.

Công an huyện Tương Dương rất quyết tâm, có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng trong Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện, tham mưu, huy động hệ thông chính trị, tất cả các ban, ngành vào cuộc trong công tác phối hợp với chính quyền địa phương tập trung xác định vị trí đất làm nhà, hoàn thiện mặt bằng một cách sớm nhất để vận chuyển vật liệu xây dựng, cùng người dân làm nền móng. Với chủ trương “Chung sức, đồng hành, hỗ trợ nhân dân” để khắc phục khó khăn, hoàn thành sớm các tiêu chí để hoàn thiện nhà ở cho nhân dân, Công an huyện đã huy động hơn 1.560 lượt CBCS Công an cấp huyện và Công an cấp xã tham gia giúp đỡ xây dựng nhà cho người nghèo để đẩy nhanh theo tiến độ đã đề ra, Thượng tá Phạm Ngọc Cảnh, Trưởng Công an huyện Tương Dương cho biết.

Với tinh thần trách nhiệm cao trong thời gian ngắn, số lượng công việc nhiều, tuy nhiên chưa đầy 1 tháng triển khai với sự chung tay của lực lượng Công an và các cơ quan chính quyền, ban, ngành, đoàn thể đoàn kết, lao động hăng say, cố gắng hết mình “vì nhân dân phục vụ”, huyện Tương Dương đã đẩy nhanh tiến độ làm nhà cố gắng hoàn thành sớm chỉ tiêu đề ra. Dự kiến hết tháng 4/2023 sẽ hoàn thiện 100% nhà tình nghĩa nguồn của Công an tỉnh cấp và đến hết tháng 6/2023 sẽ hoàn thiện 100% nhà tình nghĩa của Bộ Công an cấp để bàn giao cho nhân dân sử dụng.

Theo ông Đinh Hồng Vinh, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương: lãnh đạo huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở huy động các lực lượng tham gia hỗ trợ người dân. Mặc dù thời tiết mùa hè nắng, nóng nhưng tại nhiều thôn bản, các lực lượng như Công an, dân quân tự vệ, Bộ đội Biên phòng, cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, hội phụ nữ và nhân dân địa phương đã khẩn trương giúp hộ nghèo tháo dỡ nhà tạm, san lấp mặt bằng làm nền, móng để lực lượng thi công thực hiện lắp ghép nhà mới do Bộ Công an và Công an tỉnh hỗ trợ theo đúng thiết kế, kĩ thuật.

Nhờ sự vào cuộc đồng bộ từ huyện đến cơ sở, tính đến ngày 27/4/2022, số nhà do Bộ Công an hỗ trợ đã lắp ghép 284 nhà, đạt tỷ lệ 94,1%, số nhà đang chờ lắp ghép 18 nhà, chiếm tỷ lệ 5,9%. Trong đó các xã Tam Quang, Tam Hợp, Mai Sơn đã hoàn thành lắp ghép 100%. Riêng nhà do Công an tỉnh hỗ trợ đã lắp ghép xong 302/302 nhà, đạt tỷ lệ 100%, đảm bảo tiến độ trước 30/4. Đối với một số nhà bị ảnh hưởng bởi lốc xoáy vào tối 24/4, chính quyền địa phương đã phối hợp với các đơn vị của Công an tỉnh đi kiểm tra thực địa và lên phương án xử lý, khắc phục kịp thời.

Phát huy sức mạnh tổng hợp

Sau 45 ngày triển khai thực hiện, với quyết tâm nỗ lực cao nhất của lực lượng Công an từ tỉnh đến cơ sở, sự chung tay, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là 3 huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong đã cơ bản hoàn thành 1.500 căn nhà cho người nghèo tại các huyện biên giới.

Tại Quế Phong, hiện 398/398 căn nhà đã hoàn thành, bàn giao cho người dân sử dụng. Đây là địa phương “cán đích” nhà ở cho người nghèo trong chương trình hỗ trợ của Bộ Công an và Công an tỉnh Nghệ An. Còn đối với huyện Kỳ Sơn, cũng đã cơ bản hoàn thành san ủi, đổ móng 1.087 căn nhà, bàn giao đưa vào sử dụng gần 500 căn nhà. Đây cũng là huyện có số nhà được Bộ Công an và Công an tỉnh hỗ trợ nhiều nhất. Trên khắp các huyện biên giới Nghệ An, những ngôi nhà xập xệ, tạm bợ đang dần được thay thế bằng nhà đủ tiêu chí 3 cứng (nền cứng, khung - vách cứng và mái cứng), đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống.

“Đây là chủ trương đúng, đáp ứng sự mong mỏi của người dân, góp phần cải thiện về điều kiện nhà ở cho nhiều hộ nghèo, hộ có khó khăn về nhà ở, qua đó tạo chuyển biến về đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện miền núi biên giới Kỳ Sơn. Ngay từ khi chương trình được triển khai, huyện đã thành lập ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho lãnh đạo từ huyện đến xã, tập trung chỉ đạo, huy động sự tham gia của toàn thể cán bộ, đảng viên, các tổ chức chính trị, xã hội để hoàn thành phần nội dung công việc được phân công, hỗ trợ tối đa về mặt bằng, con người để chương trình sớm về đích. Từ chương trình này, sẽ tạo thành đòn bẩy, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội để người dân an cư lập nghiệp, phấn đấu thoát nghèo”, ông Vi Văn Hòe, Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban Chỉ đạo vận động hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Kỳ Sơn phấn khởi cho biết.

Cùng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, hiện huyện Kỳ Sơn đã hoàn thành nền móng của 1.087 ngôi nhà. Dự kiến huyện sẽ hoàn thành 100% căn nhà do Công an tỉnh Nghệ An hỗ trợ và hết tháng 6/2023, 587 căn nhà của Bộ Công an triển khai sẽ được hoàn thành, bàn giao để người dân đưa vào sử dụng, sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch đề ra trước đó.

“Một phong trào xây dựng nhà đã diễn ra hết sức sôi nổi, hiệu quả từ bản đến xã. Có những nơi chính quyền và người dân thắp đèn san đất, trộn hồ, làm móng nhà đến 1h sáng để đơn vị thi công lắp đặt khung sắt, ghép tường, lợp mái. Với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân và sở, ngành cấp tỉnh, sự hỗ trợ thiết thực của lực lượng Công an, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cấp huyện, chỉ trong vòng 3 tháng, Kỳ Sơn sẽ có hơn 1.000 căn nhà mới, kiên cố, an toàn cho người dân, rút ngắn rất nhiều thời gian lộ trình thực hiện mục tiêu xóa nhà tạm Đại hội Đảng bộ huyện đề ra”, ông Vi Văn Hòe thể hiện quyết tâm.

Theo ông Lương Văn Bảy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn), địa phương được hỗ trợ 20 căn nhà lắp ghép: ngay từ khi được phân bổ, các bản tổ chức bình xét, lựa chọn những hộ gia đình thực sự khó khăn về nhà ở, đảm bảo khách quan, công bằng, phát huy hiệu quả và ý nghĩa nhân văn của chương trình. Khó khăn lớn nhất của xã là thiếu mặt bằng, thiếu vật liệu xây dựng như cát, sỏi, trong khi đó, nếu mua từ thị trấn vào, giá cả sẽ đội lên gấp 3, thậm chí gấp 4.

“Từ nguồn đối ứng của huyện 4-5 triệu đồng/hộ hỗ trợ làm móng, địa phương huy động toàn thể cán bộ, đảng viên, công nhân viên các cơ quan, đơn vị và máy móc của doanh nghiệp đóng trên địa bàn cùng tham gia bạt núi, san nền, xuống suối đãi cát, sỏi gùi lên để trộn bê tông, đổ mặt bằng kiên cố theo quy định. Rất mừng là tại các bản, ngoài sự tham gia tích cực của ban quản lý bản, gia đình được thụ hưởng, có sự hỗ trợ nhiệt tình của toàn thể dân bản. Không ai đứng ngoài cuộc “cách mạng” nhà ở cho người nghèo”, ông Bảy cho hay.

Hải Việt-Văn Hậu
.
.