Hội thảo Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Ngày 8/2, tại Học viện Chính trị CAND, Bộ Công an đã tổ chức hội thảo khoa học Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trung tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị CAND chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có đại diện các đơn vị ngoài lực lượng CAND: Hội đồng lý luận Trung ương; Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Học viện Hành chính Quốc gia; Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Các đơn vị trong lực lượng CAND tham dự hội thảo có Ban Nghiên cứu chuyên đề giúp việc Bộ trưởng Bộ Công an; lãnh đạo các đơn vị trong CAND; đại diện lãnh đạo các học viện, nhà trường CAND; đại diện Công an một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đại diện lãnh đạo UBND một số xã, phường, thị trấn thuộc các tỉnh, thành phố trên cả nước; đại diện lãnh đạo một số Công an huyện, xã, phường trên địa bàn TP Hà Nội; đại diện lãnh đạo các đơn vị phối hợp tổ chức hội thảo với Học viện Chính trị CAND gồm Văn phòng Bộ Công an, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp; Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an; Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; Cục Kế hoạch và Tài chính; Cục truyền thông CAND…
Đến dự và phát biểu tại hội thảo còn có các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực nghiên cứu, các nhà hoạt động thực tiễn có liên quan đến việc tham gia bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở, liên quan đến việc tham mưu, hoạch định đường lối, chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự, các tác giả gửi bài tham luận cho hội thảo. Dự hội thảo còn có Ban Giám đốc Học viện, các đồng chí chuyên gia cao cấp của Học viện, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Học viện Chính trị CAND cùng toàn bộ cán bộ, giảng viên Học viện Chính trị CAND.
Hội thảo đã ghi nhận 15 lượt ý kiến tham gia của các đại biểu tập trung vào những nội dung trọng tâm: Vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, sự cần thiết phải xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; xác lập những luận cứ khoa học của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; phân tích, đánh giá về thực tiễn công tác bảo đảm ANTT ở địa bàn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hiện nay; làm rõ cơ sở thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở...
Các đại biểu đều thống nhất về sự cần thiết xây dựng dự án luật và mong muốn Quốc hội thông qua, ban hành để sớm tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho việc tổ chức lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở, qua đó góp phần bảo đảm an ninh con người, an ninh xã hội, xây dựng xã hội trật tự an toàn kỷ cương để phát huy tốt hơn vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, thế trận bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ cơ sở.
Theo Trung tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh, nguyên Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an, ngay từ khi thành lập nước đến nay, Việt Nam luôn xác định bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội là sự nghiệp của toàn đảng, toàn dân, chú trọng huy động và phát huy sức mạnh của đông đảo quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chính vì vậy, cùng với nhiệm vụ xây dựng, phát triển các lực lượng vũ trang chính quy, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm xây dựng, phát triển, phát huy vai trò của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự an ninh trật tự ở cơ sở, góp phần bảo đảm an ninh trật tự từ sớm, từ xa. Để phát huy vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với lực lượng này. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống cơ sở pháp lý phục vụ hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đang là những văn bản dưới luật.
GS.TS Nguyễn Hùng Hậu, Viện Triết học thuộc Viện Khoa học và Xã hội Việt Nam cho rằng: Lực lượng tham gia đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở gồm Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và dân phòng. Đây là lực lượng quần chúng tự nguyện, dựa vào nhân dân hoạt động dưới sự giám sát của nhân dân, phát huy chức năng tổng hợp của nhân dân. Đây là tiếng nói từ sớm, từ xa từ cơ sở. Từ trước đến nay, các hoạt động an ninh trật tự ở cơ sở được quy định tại nhiều văn bản, do nhiều cơ quan khác nhau ban hành. Theo GS.TS Nguyễn Hùng Hậu, phải có một đạo luật, tạo cơ sở pháp lý thống nhất quy định chức năng nhiệm vụ cụ thể của lực lượng này.
Đại tá, PGS.TS Trần Nam Chuân, nguyên cán bộ Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng phát biểu rằng, dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là văn bản pháp lý khách quan, một nội dung quan trọng trong đường lối, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Đây là dự án luật có ý nghĩa rất quan trọng trong xây dựng, củng cố các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở; tạo cơ sở pháp lý thống nhất, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phục vụ hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các thế lực phản động chống phá Việt Nam; giữ gìn cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, phục vụ nhiệm vụ pháp triển kinh tế xã hội của đất nước.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và khoa học, Bộ Công an đề xuất, Luật nên có tên mới là Luật về bảo vệ an ninh trật tự cơ sở; quy định rõ trách nhiệm vai trò cấp ủy đảng, chính quyền, công an, người dân… Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, Bộ Công an cần tổ chức hội thảo thu thập thêm ý kiến của các bí thư, chủ tịch, công an cấp xã ở ba khu vực gồm thành phố, đồng bằng và miền núi. Riêng xã Mường Toong, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên có diện tích hơn 402km2, đi từ đầu xã đến cuối xã phải mất đến 2 ngày. Do đó, cấp ủy, chính quyền cơ sở và nhân dân đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh trật tự.
PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, dự án luật cần lưu ý vai trò tham gia của người dân trong bảo vệ đất nước từ xa, từ sớm; phát hiện dấu hiệu tội phạm, phá hoại môi trường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm… Cần quy định rõ ràng nhiệm vụ của các lực lượng bảo vệ an ninh trật tự là ai, người dân tham gia bảo vệ như thế nào. Từ đó, nhân lên sức mạnh bảo vệ an ninh Tổ quốc, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch bên ngoài. Mỗi địa phương, làng xóm là một pháo đài về an ninh.
Đại tá Đỗ Tiến Thủy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang chia sẻ ý kiến cần có hành lang pháp lý, quy định cụ thể để đảm bảo lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở hoạt động thống nhất; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ trách nhiệm, quan hệ phối hợp của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho rằng, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn trong công tác đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở, lực lượng Công an xã bán chuyên trách là lực lượng cần thiết, là cánh tay nối dài giúp Công an chính quy nắm bắt tình hình địa bàn. Vì vậy, rất cần có một đạo luật quy định rõ tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Phát biểu tại hội thảo, Trung tướng Trần Vi Dân khẳng định, hội thảo đã nhận được sự quan tâm sâu rộng của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn có liên quan đến việc tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, đến việc tham mưu, hoạch định đường lối, chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự.
Hội thảo cũng nhận được sự quan tâm của các đồng chí đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại các địa bàn cấp xã ở các đơn vị, địa phương và các báo cáo khoa học đã được gửi tới Ban tổ chức. Kết quả hội thảo khoa học góp phần cung cấp những luận cứ hữu ích phục vụ cho Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an báo cáo các cấp có thẩm quyền tham vấn trong quá trình xây dựng và ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.