Hội thảo khoa học về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Thứ Năm, 11/11/2021, 15:29

Hội thảo khoa học với chủ đề “Đảm bảo an ninh, trật tự trong quá trình triển khai và xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đã được tổ chức tại trường Đại học An ninh nhân dân (ANND) vào sáng 11/11/2021.

Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Ngọc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an tham dự. Nhiều đại biểu là lãnh đạo các trường CAND phía Nam, các đơn vị Công an trên địa bàn đã tham gia.

Phát biểu đề dẫn, PGS.TS Võ Hồng Công, Phó Hiệu trưởng nhà trường nêu rõ: xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam là vấn đề được Đảng ta đặc biệt coi trọng. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII xác định rõ: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”.  

Hội thảo khoa học Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” -0
Đã có 94 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên CAND gửi tới hội thảo.
 
Hội thảo khoa học Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” -0
Các đại biểu tham gia hội thảo. 

Thực tiễn cho thấy, sự chống phá công cuộc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là một nội dung chính, âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, nằm trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Thời gian qua, các thế lực thù địch đã đẩy mạnh thực hiện nhiều hoạt động, nhất là lợi dụng nhiều diễn đàn, tổ chức đa phương để tác động chuyển hóa nội bộ, phá hoại đường lối, chiến lược xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam... để từng bước chuyển hóa đường lối, chính sách, pháp luật; lợi dụng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực, như giáo dục, đào tạo, hợp tác kinh tế để tác động chuyển hóa thể chế chính trị Nhà nước pháp quyền XHCN.

Thực tiễn đòi hỏi lực lượng CAND cần nhận diện rõ, đánh giá sát đúng nguy cơ, thách thức, nhất là âm mưu, ý đồ, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, chống đối phá hoại công cuộc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày 29/7/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 84 về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020...

Thiếu tướng PGS.TS Phan Xuân Tuy, Hiệu Trưởng Nhà trường cho biết, đã có 94 bài tham luận của cán bộ, giảng viên, các chuyên gia, nhà khoa học gửi tới và được biên tập, hoàn thành Kỷ yếu hội thảo với nhiều bài viết có chất lượng, được đầu tư công phu. Các ý kiến đóng góp quan trọng, giá trị, là cơ sở để sử dụng làm tư liệu tham khảo quan trọng giúp Trường Đại học ANND cùng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu chiến lược với Bộ Công an, Ban Chỉ đạo xây dựng và triển khai Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” trong CAND.

Huyền Nga
.
.