Hội thảo khoa học về đẩy mạnh phát triển công nghiệp an ninh
Sáng 21/4, tại Hà Nội, Cục Công nghiệp An ninh tổ chức Hội thảo khoa học "Công tác quy hoạch phát triển công nghiệp an ninh; vai trò hợp tác trong nước và quốc tế về phát triển công nghiệp an ninh và hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp an ninh".
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Trang, Cục trưởng Cục Công nghiệp an ninh chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có các đại biểu, nhà khoa học trong lực lượng Công an và đại diện Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (Bộ quốc phòng).
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Trang nhấn mạnh, công nghiệp an ninh là bộ phận của công nghiệp quốc phòng - an ninh; trong đó, công nghiệp an ninh có nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, các phương tiện thiết bị phục vụ nhiệm vụ bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH, đấu tranh phòng, chống tội phạm và xây dựng lực lượng CAND.
Hiện nay, cùng với các vấn đề an ninh toàn cầu, an ninh phi truyền thống đòi hỏi lực lượng Công an phải đổi mới biện pháp, đối sách, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến hiện đại để đấu tranh, trấn áp, bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH trong tình hình mới.
Mặt khác, trước những thành tựu khoa học, công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) được các nước trên thế giới ứng dụng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội tạo ra nhiều thách thức, đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội đối với sự phát triển công nghiệp an ninh mỗi quốc gia. Hội nhập, mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế sâu rộng, là điều kiện thuận lợi cho công nghiệp an ninh tiếp cận, chuyển giao, ứng dụng những thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại để phục vụ công tác Công an.
"Chính những yếu tố trên đặt ra yêu cầu cho công nghiệp an ninh phải phát triển theo hướng hiện đại, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng CAND. Đồng thời, tận dụng năng lực công nghệ, sản xuất các mặt hàng lưỡng dụng tham gia thị trường; từng bước làm chủ khoa học, công nghệ sản xuất vũ khí, trang thiết bị tiên tiến, phát huy năng lực khoa học - công nghệ nội sinh vì mục tiêu xây dựng lực lượng CAND đến năm 2030 cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị", Thiếu tướng Nguyễn Thanh Trang nhấn mạnh.
Tuy nhiên, hiện nay quy mô công nghiệp an ninh của ngành Công an vẫn còn hạn chế, đóng góp tỷ trọng chưa cao trong trang bị cho lực lượng CAND; vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Vì vậy, hội thảo này có nhiệm vụ làm rõ khái niệm, nội hàm, chủ thể công tác quy hoạch, hợp tác trong và ngoài lực lượng, cũng như cơ chế chính sách để đẩy mạnh phát triển công nghiệp an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII.
Hội thảo đã nghe 8 đại biểu, nhà khoa học trong và ngoài lực lượng trực tiếp tham luận tại hội thảo; đồng thời, Ban Tổ chức cũng nhận được 15 báo cáo khoa học của các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu hàng đầu trong và ngoài CAND gửi đến tham gia đóng góp ý kiến cho hội thảo. Các báo cáo khoa học đều thể hiện sự tâm huyết và trách nhiệm, bám sát chủ đề, phân tích khá đầy đủ, sâu sắc các vấn đề hội thảo quan tâm; tập trung làm rõ về một số vấn đề như: các chính sách, quy định, hướng dẫn về việc phát triển công nghiệp an ninh; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; chủ trương, quy định của Đảng uỷ Công an Trung ương và Bộ Công an đối với phát triển công nghiệp an ninh...
Bên cạnh đó, một số tham luận cũng nêu một số kinh nghiệm trong quản lý và tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động công nghiệp ngoài ngành Công an phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh; hay một số giải pháp đẩy mạnh thực hiện chỉ thị 03/CT-BCA ngày 08/4/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc tăng cường sử dụng sản phẩm công nghiệp an ninh phục vụ công tác, chiến đấu của lực lượng CAND; đánh giá thực trạng, chỉ ra những tồn tại, khó khăn vướng mắc và đề xuất phương hướng nhằm đưa sản phẩm công nghiệp an ninh vào sử dụng trong các lực lượng nghiệp vụ, từng bước thay thế hàng nhập khẩu đáp ứng yêu cầu nâng cao tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước; sức mạnh chiến đấu của lực lượng CAND, định hướng phát triển đến 2030, tầm nhìn 2045.