Hội thảo khoa học định hướng và giải pháp phát huy vai trò của quần chúng bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở
Ngày 9/2, tại Học viện Chính trị CAND, Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học định hướng và giải pháp phát huy vai trò của quần chúng bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trung tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị CAND chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo các đồng chí lãnh đạo, tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lý luận và hoạt động thực tiễn trong và ngoài lực lượng CAND: Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; TS, nhà báo Nhị Lê; GS.TS Hoàng Chí Bảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu doanh nhân Việt Nam; GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt nam; GS.TS Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội; Thiếu tướng, GS.TS Bùi Quảng Bạ, Học viện Chính trị CAND; Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học, Bộ Quốc phòng; Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Văn Tài, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng; Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Bình Ban, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Công an…
Tham dự hội thảo còn có các đơn vị trong lực lượng CAND; đại diện lãnh đạo các học viện, nhà trường CAND; đại diện Công an một số tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo UBND một số xã, phường, thị trấn thuộc các tỉnh, thành phố trên cả nước; đại diện lãnh đạo một số Công an huyện, xã, phường trên địa bàn TP Hà Nội; đại diện lãnh đạo các đơn vị phối hợp tổ chức hội thảo với Học viện Chính trị CAND; Ban Giám đốc Học viện, các đồng chí chuyên gia cao cấp của Học viện, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Học viện Chính trị CAND cùng toàn bộ cán bộ, giảng viên Học viện Chính trị CAND.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Trung tướng, PGS.TS Trần Vi Dân cho biết, hội thảo đã nhận được gần 60 báo cáo khoa học của các đồng chí lãnh đạo, tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lý luận và hoạt động thực tiễn trong và ngoài CAND. Nội dung các bài viết phong phú, đa dạng, hàm lượng khoa học cao, tiếp cận nhiều góc độ khác nhau về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đưa ra nhiều định hướng, giải pháp phát huy vai trò của quần chúng bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã cùng nhau thảo luận những vấn đề về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của quần chúng nhân dân trong bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở; nhận diện, làm rõ thực tiễn việc vận động, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở thời gian qua; xác định yêu cầu đặt ra đối với việc phát huy vai trò của quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trong bối cảnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đề xuất định hướng, giải pháp phát huy vai trò quần chúng bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Bình Ban, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Công an, trên nền tảng lý luận và thực tiễn công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh, trật tự qua các thời đại trong điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam nhất là từ khi có Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cách mạng, với những thành công và ý nghĩa lịch sử để lại có thể rút ra những bài học kinh nghiệm lớn sau đây: quần chúng nhân dân luôn là lực lượng đông đảo, có sức mạnh tự thân và là nền tảng, gốc rễ của sức mạnh bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; khơi dậy và phát huy quyền làm chủ của nhân dân là vấn đề có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh, trật tự. Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn quần chúng nhân dân là phương thức cơ bản để huy động và phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh, trật tự.
GS, TS Hoàng Chí Bảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu doanh nhân Việt Nam chia sẻ ý kiến, có dân là có tất, mất dân là mất hết - đó là quy luật của muôn đời. Dân là chủ thể của xã hội, nhân dân là chủ thể của dự án Luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Xây dựng luật và luật được thông qua, đưa luật vào cuộc sống cũng chính là để mang lại những lợi ích cho nhân dân. Đồng thời, việc xây dựng bộ luật cũng chính là thể chế hóa vai trò quần chúng nhân dân trong việc đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở. Dân giám sát, dân thụ hưởng là nền tảng chúng ta xây dựng đạo luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Nhà báo, TS Nhị Lê chia sẻ, dân là tài sản vô giá, là quốc bảo. Lòng dân là bức tường thành vững chắc nhất. Chúng ta cần xây dựng bộ luật, tạo cơ sở pháp lý quy định về vai trò của quần chúng nhân dân trong việc đảm bảo an ninh ở cơ sở.
Còn theo TS Đinh Công Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, tình hình trong nước, khu vực và thế giới liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở đang tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhiều vấn đề mới nảy sinh. Thực tiễn ấy đặt ra yêu cầu phải nâng cao vai trò của quần chúng và huy động được quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng được nền an ninh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, giải quyết kịp thời các vụ việc liên quan đến an ninh trât tư và giữ vững an ninh trật tự ngay từ địa bàn cơ sở. Đây là yêu cầu cần thiết. Do đó, việc nghiên cứu các yếu tố văn hóa, tư tưởng tác động đến công tác đảm bảo an ninh, trật tự giúp nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự tại địa bàn cơ sở trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Theo Thiếu tướng Phan Xuân Tuy, Hiệu trưởng Đại học An ninh nhân dân, hiện nay, chưa có một bộ luật cô đọng, khái quát lại phong trào quần chúng với đầy đủ cơ sở pháp lý. Nếu dự luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được xây dựng và thông qua sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật, xác định được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phát huy vai trò quần chúng nhân dân, tổng hợp được sức mạnh của nhân dân trong bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Việc ban hành luật còn xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn khi chúng ta bố trí Công an chính quy về xã, chúng ta cơ cấu lại lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở mà không tăng biên chế, không tăng kinh phí lại huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân.
Theo Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Văn Tài, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, trong điều kiện hiện nay, quan hệ xã hội ngày càng phong phú, đa dạng và phức tạp. An ninh cơ sở là vấn đề rất quan trọng, cấp thiết. Lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở rộng khắp, dựa vào nhân dân nhất là ở các khu vực biên giới, hải đảo. Mọi hoạt động đều tuân thủ hiến pháp, pháp luật. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành luật quy định về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là rất cần thiết.
Phát biểu kết thúc hội thảo, Trung tướng, PGS.TS Trần Vi Dân nhấn mạnh, sau buổi làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, hội thảo nhận ghi nhận 13 ý kiến tham luận. Qua phát biểu của các đại biểu, hội thảo đã rút ta được nhiều vấn đề, trong đó để giải quyết triệt để những vấn đề phức tạp về an ninh trật tự ở cơ sở phải thông qua nhân dân hay chính là phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở.
Trong bối cảnh hiện nay có rất nhiều giải pháp, một trong những giải pháp quan trọng là xây dựng hệ thống pháp luật. Việc xây dựng đạo luật về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chính là cơ sở pháp lý để chúng ta huy động, tổ chức, động viên, phát huy sức mạnh của quần chúng. Và, quần chúng nhân dân sẽ chính là người thụ hưởng thành quả khi luật đi vào cuộc sống. Kết quả hội thảo khoa học hôm nay góp phần cung cấp những luận cứ hữu ích phục vụ cho Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an báo cáo các cấp có thẩm quyền tham vấn trong quá trình xây dựng và ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.