Hội thảo khoa học “Công nghệ ADN phục vụ định danh liệt sĩ chưa xác định danh tính và thân nhân liệt sĩ”
Ngày 28/9, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an phối hợp với Công ty Cổ phần GeneStory và Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF - VinBigdata) tổ chức Hội thảo khoa học “Công nghệ ADN phục vụ định danh liệt sĩ chưa xác định danh tính và thân nhân liệt sĩ”.
Chương trình có sự tham gia phát biểu của các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế về di truyền, với nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động liên quan đến luật và triển khai cơ sở dữ liệu ADN pháp y. Ngoài ra, còn có sự tham dự của các chuyên gia, các cán bộ của Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục Cảnh sát QLHC về TTXH), Viện pháp y Quân đội, Bộ Quốc Phòng, Cục Người có công, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và đại diện các doanh nghiệp GTH Consulting, GTH DNA, USAID Viet Nam…
Tại hội thảo, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã thông tin về tiền đề và dự án Ngân hàng Gen (ADN) của thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính tại Việt Nam hiện nay đang được thực hiện.
Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH Vũ Văn Tấn khẳng định, đây là một nhiệm vụ chính trị hết sức thiêng liêng, cao cả, nhân văn nhưng cũng có nhiều khó khăn thách thức. Do đó, đề nghị các tổ chức, cá nhân và các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực tham gia đồng hành chương trình cùng với Cục Cảnh sát QLHC về TTXH để triển khai dự án trên; đồng thời, nghiên cứu, tham gia và đề xuất các giải pháp khoa học, kỹ thuật mới để nâng cao hiệu quả công tác phân tích, đối khớp, tìm kiếm thông tin liệt sĩ; tham gia xây dựng, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến sinh trắc học ADN đặc biệt là các vấn đề mới, có tính chất đặc thù với người Việt Nam để làm cơ sở trong triến khai thực hiện.
Phát biểu tại hội thảo, Đại tá, TS. Nguyễn Văn Lợi, Viện trưởng Viện Pháp y Quân đội, Bộ Quốc phòng đã nêu hiện trạng giám định hài cốt liệt sĩ ở Việt Nam và một số đề xuất xây dựng Ngân hàng gen thân nhân liệt sĩ; nhấn mạnh tầm quan trọng của ADN để làm kho mẫu đối sánh có ý nghĩa vô cùng quan trọng và lực lượng Công an triển khai thực hiện là rất thuận lợi.
Tại hội thảo các nhà khoa học cũng đã có các phát biểu về cơ sở khoa học và ứng dụng của các công nghệ ADN trong các dự án về gen quy mô quốc gia trên thế giới; và tọa đàm thảo luận theo chủ để "Triển khai công nghệ ADN định danh liệt sĩ chưa xác định thông tin và thân nhân liệt sĩ hiệu quả, bền vững, tối ưu tại Việt Nam”.
Hội thảo đã khẳng định việc triển khai sử dụng mtDNA theo các căn cứ pháp lý trong việc định danh liệt sĩ chưa xác định được thông tin là cần thiết, phải là thực hiện ngay; dự báo về tiềm năng công nghệ mới trong tương lai có thể áp dụng như SNP sử dụng NGS và microarray, nhằm tăng hiệu quả các dự án liên quan cơ sở dữ liệu gen, các công tác phục vụ việc xác định danh tính liệt sĩ...
Theo Ban tổ chức, các ý kiến chuyên môn và kết luận khoa học tại hội thảo là tiền đề và cơ sở cho các hoạt động triển khai dự án về cơ sở dữ liệu gen quy mô quốc gia hiệu quả, bền vững, tối ưu.