Hoàn thiện pháp luật nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ

Thứ Bảy, 27/07/2024, 15:05

Với mục tiêu hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ, bảo đảm phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế, thực tiễn giải quyết các vụ việc tại Việt Nam, độc lập với lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự, tương trợ tư pháp về hình sự, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Bộ Công an đã dự thảo Hồ sơ Luật Dẫn độ để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Tại dự thảo Tờ trình xây dựng dự án Luật Dẫn độ, Bộ Công an cho biết, sau hơn 15 năm triển khai thực hiện Luật Tương trợ tư pháp, công tác dẫn độ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Bộ Công an đã tiếp nhận và xử lý 41 yêu cầu dẫn độ do cơ quan có thẩm quyền của phía nước ngoài gửi đến; đã lập và chuyển 95 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Kết quả công tác dẫn độ đã góp phần giải quyết tốt các vụ án hình sự mà đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam; nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, cùng với những yêu cầu mới phát sinh của quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế, yêu cầu cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Công an đã xây dựng Dự án Luật Dẫn độ, trình Chính phủ trong tháng 1/2025.

Hoàn thiện pháp luật nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ -0
Đàm phán về Hiệp định dẫn độ và Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất trong năm 2023. 

Theo đó, Luật Dẫn độ quy định nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện dẫn độ đối với các yêu cầu dẫn độ gửi đi và các yêu cầu dẫn độ nhận được; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong hoạt động dẫn độ; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động dẫn độ.

Bộ Công an đã đề xuất 3 chính sách cùng mục tiêu, nội dung của chính sách và các giải pháp thực hiện các chính sách trong xây dựng Luật Dẫn độ. Chính sách thứ nhất là thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ, phù hợp với tình hình mới của Việt Nam và quốc tế. Mục tiêu của chính sách nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ, bảo đảm phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế, thực tiễn giải quyết các vụ việc tại Việt Nam; độc lập với lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự, tương trợ tư pháp về hình sự, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.

Nâng cao hiệu quả hoạt động dẫn độ là chính sách thứ 2 trong xây dựng Luật Dẫn độ. Mục tiêu tổng quát của chính sách nhằm  sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục trong thực hiện dẫn độ nhằm nâng cao hiệu quả dẫn độ, bảo đảm đẩy nhanh quá trình giải quyết yêu cầu dẫn độ, bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như thông lệ quốc tế, đồng thời dự liệu trước các trường hợp có thể phát sinh trên thực tế để đưa ra giải pháp điều chỉnh, tránh việc các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam lúng túng khi gặp phải các tình huống này sau khi Luật Dẫn độ được ban hành.

Chính sách cuối trong xây dựng Luật Dẫn độ là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phối hợp liên ngành trong thực hiện dẫn độ với mục tiêu sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước một cách rõ ràng, hiệu quả; nâng cao trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước và trách nhiệm phối hợp liên ngành của các cơ quan nhà nước trong hoạt động dẫn độ, bảo đảm nhanh chóng, nhịp nhàng.

Toàn văn dự thảo Hồ sơ Luật Dẫn độ được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 60 ngày kể từ ngày 25/7.

Nguyễn Hương
.
.