Hỗ trợ người hoàn lương phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống
Tỉnh Trà Vinh hiện có 84 Câu lạc bộ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, đây là điểm tựa cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sớm ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. 5 năm qua, với vai trò nòng cốt, lực lượng Công an toàn tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Công an các cấp đã xây dựng, nhân rộng mô hình Câu lạc bộ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, hỗ trợ cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ khi triển khai đến nay, mô hình đã giúp đỡ trên 2.500 người chấp hành xong án phạt tù; phối hợp tổ chức tập huấn kiến thức, đào tạo, hướng dẫn kỹ năng sản xuất nông nghiệp, ngành nghề thủ công cho trên 100.000 người.
Các Câu lạc bộ đã huy động gây quỹ hỗ trợ 197 người chấp hành xong án phạt tù với tổng số tiền 2,3 tỷ đồng. Điển hình, Câu lạc bộ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng phường 4 (TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) được thành lập vào năm 2016. Câu lạc bộ đã vận động và giải ngân 15 lượt vay với số tiền trên 103 triệu đồng. Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên giúp đỡ người hoàn lương có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng, chăm lo làm ăn, sản xuất, trở thành công dân có ích.
Nhờ sự quan tâm và giúp đỡ của các thành viên trong Ban chủ nhiệm, trên địa bàn phường 4 có 6 trường hợp tiến bộ, không tái phạm và ổn định hơn trong cuộc sống. Trường hợp của anh Nguyễn Hoàng An (ngụ ấp Long Bình, phường 4) là một ví dụ. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các thành viên trong Ban chủ nhiệm, anh An và gia đình có được một số vốn làm kế sinh nhai. Anh An cùng vợ buôn bán nhỏ ở chợ, mỗi ngày đều có thu nhập trang trải cuộc sống. Vợ chồng anh chắt chiu, dành dụm với mong muốn sớm đủ tiền sửa lại căn nhà để sinh hoạt thoải mái hơn. "Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhất là Câu lạc bộ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đã 2 lần hỗ trợ vốn giúp vợ chồng buôn bán nhỏ. Cuộc sống gia đình đã ổn định. Tôi và gia đình rất là cảm động trước sự quan tâm của các thành viên Câu lạc bộ", anh An bày tỏ.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22 về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, có hiệu lực kể từ ngày 10/10/2023. Quyết định số 22 tạo điều kiện thuận lợi để những người có quá khứ lầm lỗi có cơ hội tiếp cận, vay vốn ưu đãi để học nghề, sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sống, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.
Triển khai thực hiện Quyết định số 22 của Thủ tướng, đến nay Công an toàn tỉnh Đồng Tháp đã hỗ trợ 37 trường hợp người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương vay vốn. Các trường hợp được giải ngân đều sử dụng nguồn vốn hiệu quả, chăm lo làm ăn và từng bước cải thiện kinh tế, ổn định đời sống. Ông Võ Văn Hùng (ngụ xã Mỹ Tân, TP Cao Lãnh) cho biết, nhờ UBND xã và lực lượng Công an hướng dẫn, hỗ trợ, con trai ông đã vay 50 triệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội để làm vốn mua bán quần áo may sẵn. "Cháu làm ăn có hiệu quả nên cũng rất tự tin và mỗi tháng đều dành tiền gửi tiết kiệm để hoàn trả ngân hàng", ông Hùng nói.
Thiếu tá Nguyễn Văn Hòa, Phó trưởng Công an xã An Hòa (huyện Tam Nông) cho biết: Các trường hợp đủ điều kiện có nhu cầu vay vốn, Công an xã xem xét về phương thức sản xuất, lập danh sách tham mưu cấp ủy, chính quyền chuyển đến Ngân hàng Chính sách xã hội để có phương án cho vay và giải ngân. Điển hình như trường hợp của Nguyễn Minh Phương (ngụ xã An Hòa, huyện Tam Nông) được Công an xã hướng dẫn, hỗ trợ vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mở cửa hàng bán và lắp đặt camera. Công việc kinh doanh thuận lợi, Phương thêm tự tin và dành tiền lời gửi tiết kiệm để hoàn trả cho ngân hàng.