Hiệu quả từ mô hình giáo xứ, giáo họ bình yên

Thứ Bảy, 30/09/2023, 08:42

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, với hơn 16.487km2, dân số hơn 3,5 triệu người; có 2 tổ chức tôn giáo chính là Công giáo và Phật giáo; Công giáo có hơn 295.000 tín đồ; có 3 giám mục, 208 linh mục, 447 nhà thờ xứ, họ ở 211/460 xã, phường, thị trấn, thuộc 17/21 huyện, thành, thị. Phật giáo có khoảng 169.000 tín đồ, phật tử; có 65 cơ sở được chấp nhận phục hồi, thành lập, trong đó 39 cơ sở có sư trụ trì; 109 tăng, ni hoạt động hợp pháp.

Thời gian qua, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Công an, UBND tỉnh, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Do vậy, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được giữ vững.

Hiệu quả từ mô hình “Giáo xứ, giáo họ bình yên, không có tội phạm,  tệ nạn xã hội, đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới” -0
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trao Bằng khen  tặng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Trong đó, việc tham mưu, tổ chức triển khai xây dựng, duy trì, nhân rộng hoạt động của các mô hình bảo đảm ANTT tại địa bàn vùng giáo để phục vụ nhiệm vụ bảo đảm ANTT nói chung, trong xây dựng nông thôn mới nói riêng được các đơn vị, địa phương triển khai bài bản, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn tình hình tại các địa phương. Qua đó huy động được sự vào cuộc của hệ thống chính trị và toàn dân tham gia, nhất là đã chủ động tranh thủ sự đồng thuận, ủng hộ của các chức sắc, chức việc và bà con giáo dân cùng chung sức, đồng lòng, đoàn kết, chung tay thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại địa bàn cơ sở.

Theo đó, với sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện của lực lượng Công an và các ban, ngành, đoàn thể; sự đồng thuận, ủng hộ của các chức sắc, chức việc; sự tham gia tự giác, trách nhiệm của bà con giáo dân nên hoạt động của các mô hình bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn vùng giáo đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ bảo đảm ANTT ở cơ sở. Từ đây đông đảo người dân đã tự nguyện đóng góp sức người, sức của vào nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Từ năm 2016-6/2023, bà con giáo dân trong tỉnh đã hiến 124.093m2 đất, tháo dỡ 84.308m tường bao, đóng góp 71.263 ngày công và 307,9 tỷ đồng, 46,3km đường giao thông bê tông, góp phần làm thay đổi cảnh quan, diện mạo quê hương, nhiều xứ, họ đạo ngày càng khang trang, sạch, đẹp, góp phần đưa 7 đơn vị cấp huyện, 309 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 53 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó có 252 xã có đông đồng bào Công giáo được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; 273/501 xóm giáo đạt chuẩn văn hóa; tham gia đóng góp xây dựng, tu sửa nhiều nghĩa trang liệt sỹ, ủng hộ xây dựng, tu sửa hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 với số tiền trên 2,6 tỷ đồng.

Từ năm 2021 - 2023, lực lượng Công an đã phối hợp với ban, ngành các cấp đã vận động bà con giáo dân treo hơn 10.000 lá cờ Tổ quốc. Hình ảnh những lá cờ đỏ sao vàng được treo ngay ngắn, trang trọng trong những ngày lễ lớn của đất nước, sự kiện chính trị quan trọng của địa phương đã làm cho diện mạo quê hương đẹp hơn, khơi dậy tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc của mọi người dân.

Bên cạnh đó, việc triển khai xây dựng, nhân rộng, duy trì hoạt động của mô hình góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, lực lượng công an các cấp chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương và có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể trong triển khai hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn nông thôn; tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong phát động phong trào quần chúng tự giác tham gia bảo vệ ANTQ; hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân; quản lý, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư.

Tại các địa bàn xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, lực lượng Công an xã đã chủ động tham mưu, triển khai thực hiện thường xuyên, hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; không để hình thành các băng, nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; giải quyết tốt các vụ lấn chiếm đất đai; các vụ việc lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để gây mất an ninh, trật tự...

Kết quả là tội phạm xâm phạm trật tự, an toàn xã hội giảm theo từng năm (năm 2021 giảm 10% so với năm 2020; năm 2022 giảm 7,7% so với năm 2021; 9 tháng đầu năm 2023, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022). Từ năm 2018 đến nay, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị và được Bộ Công an đưa 267 xã trên địa bàn tỉnh ra khỏi diện xã trọng điểm phức tạp về ANTT. Đây là một trong những kết quả quan trọng góp phần hoàn thành tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng xã, đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian qua.

Ngoài ra, việc triển khai xây dựng mô hình bảo đảm ANTT trong vùng giáo gắn với thực hiện các phong trào thi đua khác của địa phương, như phong trào thi đua lao động, sản xuất giỏi; xây dựng khu dân cư văn hóa… để xây dựng nông thôn mới, qua đó đã có nhiều mô hình, điển hình tiên tiến xuất sắc trong lao động, sản xuất được ghi nhận, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương. Nhiều hộ gia đình có tổng thu nhập từ 150-500 triệu đồng/năm, giải quyết cho hàng ngàn lao động. Năm 2022, tỷ lệ hộ khá giàu đạt 49,5%, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,8%. Đời sống văn hóa, tinh thần được nâng lên.

Từ hiệu quả của mô hình “Giáo xứ, giáo họ bình yên, không có tội phạm chung tay đoàn kết, xây dựng nông thôn mới”, lực lượng Công an các cấp đã tham mưu các cấp chính quyền chỉ đạo xây dựng, nhân rộng mô hình tại nhiều địa bàn. Chỉ tính từ năm 2021 - 6/2023, các địa phương đã triển khai xây dựng các mô hình ở địa bàn vùng giáo, như: Mô hình “Câu lạc bộ Cựu chiến binh với công tác bảo đảm ANTT”; “Tự quản về ANTT”; “Giáo xứ, giáo họ bình yên, đoàn kết, chung tay xây dựng nông thôn mới”; “Camera an ninh”; “Thôn, xóm không có tội phạm, tệ nạn xã hội”; “Đường cờ Tổ quốc tại các cơ sở tôn giáo”...

Với những kết quả đạt được trong xây dựng mô hình, từ năm 2018 đến nay, Bộ Công an và UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 6 tập thể và 8 cá nhân; Giám đốc Công an tỉnh và Cục trưởng Cục xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ, Bộ Công an tặng giấy khen cho 28 tập thể và 30 cá nhân; UBND cấp huyện, cấp xã tặng 435 giấy khen cho các tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông mới, qua đó kịp thời động viên, khích lệ phong trào ở cơ sở.

Hải Việt
.
.