Hiệu quả từ mô hình “CSGT phụ trách địa bàn cấp xã”

Thứ Ba, 24/09/2024, 06:50

Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai mô hình "CSGT phụ trách địa bàn cấp xã” về từng phường, xã trên toàn thành phố. Qua hơn 3 tháng triển khai, “CSGT phụ trách địa bàn cấp xã” đã phát huy hiệu quả, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, được các cấp lãnh đạo, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao nhất là các giải pháp mới, đột phá, sáng tạo, góp phần nâng cao công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT), trật tự đô thị (TTĐT); giúp Công an TP Đà Nẵng đạt mục tiêu trong năm 2024 giảm 6% về số vụ, giảm 15% số người chết và giảm 5% số người bị thương đối với địa bàn cấp xã, phường.

Gần dân, gần xã 

Sáng thứ 2, buổi chào cờ đầu tuần tại Trường Tiểu học số 2 Hòa Phước (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), Thiếu úy Lê Đức Lành, cán bộ Đội CSGT-TT Công an huyện Hòa Vang, phụ trách địa bàn xã Hòa Phước đến trường tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho học sinh kiến thức liên quan đến ATGT. Anh còn phối hợp cùng Công an xã Hòa Phước gõ cửa từng nhà, đến từng khu dân cư để tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT.

Thời gian qua, anh đặc biệt chú ý quản lý chặt chẽ thanh, thiếu niên có biểu hiện tụ tập, điều khiển môtô độ chế, thường xuyên vi phạm TTATGT; đồng thời tiếp tục tham mưu giúp địa phương giải pháp bảo đảm TTATGT, trật tự đô thị trên địa bàn.

Hiệu quả từ mô hình “CSGT phụ trách địa bàn cấp xã” -0
Mô hình “CSGT phụ trách địa bàn cấp xã” của Công an TP Đà Nẵng đã tạo bước đột phá trong công tác đảm bảo TTATGT ngay từ cơ sở, nhận được sự đồng thuận từ phía nhân dân.

Thiếu tá Nguyễn Bá Nhất, Phó trưởng Công an xã Hòa Phước cho biết, tuy là xã nhưng Hòa Phước lại là “Cửa ô”, có QL1A ngang qua cùng loạt tuyến đường đô thị dân cư mới mở rộng, liên thôn liên xã và đặc biệt là địa bàn giáp ranh với tỉnh Quảng Nam… Chính vì vậy, mật độ giao thông rất lớn, công tác giữ gìn TTATGT vô cùng phức tạp. Từ khi triển khai “CSGT phụ trách địa bàn cấp xã”, tình hình TTATGT trên địa bàn xã có rất nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là TNGT giảm hẳn.

Từ đầu tháng 9/2024, các cán bộ CSGT phụ trách địa bàn xã phối hợp Công an xã đã tuần tra kiểm soát (TTKS) nhắc nhở nhiều trường hợp chưa chấp hành nghiêm quy định ATGT, xử phạt 10 trường hợp vi phạm về ATGT. Công an xã đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và thực hiện ký cam kết việc chấp hành TTATGT; ra quân 8 đợt thực hiện chuyên đề ATGT, xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lề đường dọc tuyến QL1A, đường Phạm Hùng, Chợ Mới 3 xã, chợ Miếu Bông…

Đáng chú ý, tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông giảm rõ rệt. Người dân và gần 60 chủ nhà hàng, quán nhậu, hộ gia đình kinh doanh gần trường học đã được tuyên truyền nâng cao nhận thức được tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông. 

Trong những ngày cuối tháng 9, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão số 4 nên nhiều nơi trên địa bàn của huyện Hòa Vang cũng bị ảnh hưởng, ngập sâu. Trong cơn mưa dầm dề, trên nhiều tuyến đường qua địa hình nguy hiểm như tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn – Hòa Liên; đường tránh Nam Hải Vân; nhiều khu vực thuộc xã Hòa Bắc, xã Hòa Phú đang có công trình xây dựng đường cao tốc… các chiến sĩ CSGT phụ trách địa bàn xã ở huyện Hòa Vang vẫn luôn có mặt phối hợp với lực lượng thuộc Trạm CSGT Cửa ô Hòa Nhơn - Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng căng mình túc trực, nhắc nhở bà con, nhân dân về nguy cơ sạt lở đất đá và hướng dẫn người và phương tiện lái xe an toàn khi đi qua đoạn đường này.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện hiện có đến 23 điểm, đoạn có nguy cơ sạt lở, đá núi có khả năng lăn xuống đường bộ, tiềm ẩn gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Tại buổi giao ban ngày 19/9 vừa qua, lãnh đạo Đội CSGT – TT Công an huyện Hoà Vang đã đặc biệt lưu ý với lực lượng CSGT của 11 xã trên địa bàn về thực trạng này.

Trung tá Đặng Phước Thủy, Đội trưởng Đội CSGT-TT, Công an huyện Hòa Vang, chia sẻ thêm, mô hình CSGT phụ trách địa bàn cấp xã đã “phủ sóng” toàn bộ 11 xã trên địa bàn toàn huyện. Sau hơn 3 tháng triển khai, tiêu chí về TNGT, vi phạm TTATGT, người vi phạm nồng độ cồn giảm hẳn trên địa bàn các xã, nổi bật nhất về triển khai mô hình CSGT “gần dân, gần xã” phải kể đến các xã từng là điểm nóng về TTATGT như Hòa Liên, Hòa Phước, Hòa Phong, Hòa Bắc... 

Để mô hình mang lại những chuyển biến tích cực, 100% cán bộ CSGT phụ trách địa bàn cấp xã đều được dự các khóa đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, chịu sự quản lý chuyên môn từ Đội CSGT-TT và triển khai thực hiện đúng nhiệm vụ được phân công, địa bàn phụ trách. CSGT phụ trách địa bàn cấp xã cũng phải đảm bảo triển khai hiệu quả 9 tiêu chí. Trong đó, 100% các xã không để xảy ra TNGT hoặc TNGT nghiêm trọng, có nguyên nhân do bất cập từ các điểm đen, không để xảy ra đua xe trái phép; ùn tắc giao thông kéo dài. Mục tiêu hướng đến là huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, góp phần kiềm chế TNGT về số vụ, số người chết, số người bị thương,..

Tín hiệu tích cực bước đầu

Tại Hội nghị đánh giá kết quả của kế hoạch cao điểm đảm bảo TTATGT, trật tự đô thị gắn với mô hình “CSGT phụ trách địa bàn cấp xã” mới đây, Công an TP Đà Nẵng cho biết, qua triển khai thực hiện mô hình này, có 36/56 địa bàn cấp xã không xảy ra TNGT; lực lượng CSGT phụ trách địa bàn cấp xã đã tổ chức tuyên truyền tại các khu dân cư, tổ dân phố... tăng 35% so với thời gian trước liền kề. Đồng thời, Công an cấp xã phát hiện và xử lý vi phạm tăng hơn 15% so với thời gian trước liền kề.

Thượng tá Phạm Hồng Hải, Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng thông tin, là địa phương triển khai “CSGT phụ trách địa bàn cấp xã” đầu tiên trên cả nước, Công an TP Đà Nẵng đặt mục tiêu trong năm 2024 giảm 6% về số vụ, giảm 15% số người chết và giảm 5% số người bị thương đối với địa bàn cấp xã, phường. Không chỉ góp phần đảm bảo TTATGT ở địa bàn được phân công, lực lượng “CSGT phụ trách địa bàn cấp xã” còn được kỳ vọng tăng cường chuyên môn trong lĩnh vực ATGT cho Công an các xã, phường.

Đáng chú ý, sau thời gian triển khai mô hình, tình hình TNGT trên địa bàn toàn thành phố được kéo giảm trên cả 3 tiêu chí. Cụ thể, so với thời gian trước liền kề, số vụ TNGT giảm 8 vụ, giảm 1 người chết và giảm 5 người bị thương. Trên địa bàn không để xảy ra tình trạng đua xe trái phép; 100% vụ việc thanh, thiếu niên tụ tập, càn quấy, lạng lách, đánh võng với tốc độ cao được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời. Đáng chú ý, 100% Công an các đơn vị, địa phương từ thành phố đến cấp xã, phường đã tham mưu Ban ATGT các cấp chỉ đạo, huy động lực lượng có liên quan tham gia hỗ trợ lực lượng Công an các cấp trong công tác đảm bảo trật tự ATGT và TTĐT.

Bên cạnh việc phát hiện, lập biên bản 9.637 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, ra quyết định xử phạt 6.026 trường hợp và thu nộp ngân sách Nhà nước 8,6 tỷ đồng, lực lượng Công an toàn thành phố cũng đã tập trung tuyên truyền, vận động hơn 450 chủ nhà hàng, quán ăn có kinh doanh đồ uống có cồn, quán bar, vũ trường…; hơn 300 doanh nghiệp kinh doanh vận tải; 41 xưởng cơ khí, sửa chữa ôtô, môtô chấp hành các quy định của pháp luật giao thông đường bộ. Tiếp đó, lực lượng Công an phối hợp tuyên truyền 51 buổi với 2.100 người tham gia; tổ chức mời, tuyên truyền cho hơn 700 thanh, thiếu niên có nguy cơ vi phạm trật tự ATGT.

Hoài Thu
.
.