Hiệu quả thực hiện Đề án 06 giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước

Thứ Hai, 19/08/2024, 10:00

Đề án 06 đã đi vào nhận thức của 4 cấp, tiếp tục khẳng định xu hướng, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên trong phát triển kinh tế, xã hội thời kỳ 4.0. Đối với ngành Ngân hàng, luôn là đơn vị tiên phong, đi đầu, đã chủ động phối hợp với Bộ Công an ký kết Kế hoạch phối hợp số 01/KHPC, ngày 24/4/2023 triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước, định danh và xác thực điện tử để thực hiện chuyển đổi số ngành Tài chính, Ngân hàng. Qua đó, thúc đẩy phát triển nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu rủi ro ngành tài chính, góp phần công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm.

Hàng năm, ngành Ngân hàng đều tổ chức các sự kiện chuyển đổi số ngành Ngân hàng, ngày hội thanh toán không dùng tiền mặt. Có thể nhận thấy rằng tầm nhìn chiến lược của ngành Ngân hàng là rất phù hợp với thực tiễn, nhu cầu và định hướng của Chính phủ trong triển khai Đề án 06 và chuyển đổi số quốc gia từ việc “kết nối, ứng dụng, phát triển ứng dụng, dịch vụ và đảm bảo an ninh an toàn” đây là những quan điểm, hành động xuyên suốt trong hơn 2 năm triển khai Đề án 06.

Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện, các mục tiêu cơ bản của Kế hoạch 01 đã đạt được, triển khai theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm quyết liệt, quyết tâm, bám sát nhiệm vụ chung của Đề án 06.

Hiệu quả thực hiện Đề án 06 giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước -0
Cán bộ Vietcombank thực hiện thao tác sử dụng căn cước công dân gắn chip trong giao dịch ngân hàng.

Quá trình triển khai Kế hoạch số 01, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động phối hợp với Bộ Công an làm sạch, tạo lập kho dữ liệu sạch để giảm thiểu rủi ro tài chính, giao dịch, phòng chống tội phạm, tạo dựng niềm tin với người dân khi sử dụng dịch vụ tài chính số trên môi trường điện tử. Điển hình như, đã ứng dụng dữ liệu về dân cư phục vụ xác thực, làm sạch 43,9 triệu hồ sơ khách hàng cho CIC, thu phí trên 67 tỷ đồng; cung cấp giải pháp ứng dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip qua thiết bị tại quầy, ứng dụng Mobile app tại 49 tổ chức tín dụng.

Có thể nói, giá trị mang lại rất quan trọng đã giúp ngành Ngân hàng kiểm soát, đánh giá rủi ro trong quá trình cung cấp dịch vụ và cho vay tín chấp, xác thực chính xác chủ thể tham gia giao dịch ngân hàng, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, giảm thời gian, quy trình xác minh, đẩy nhanh quá trình giải ngân. Người dân có nhu cầu vay vốn dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn chính thống, qua đó, giảm rủi ro phải vay “tín dụng đen”...

Bên cạnh đó, ngân hàng là lĩnh vực ứng dụng giải pháp xác thực thẻ CCCD gắn chip sớm, nhanh và phổ cập nhất với việc sử dụng các thiết bị đọc xác thực tại các quầy giao dịch, xác thực trên thông tin qua đọc NFC giải mã các thông tin lưu trữ trong chip của thẻ CCCD thay thế công nghệ cũ truyền thống tiềm ẩn nhiều rủi ro trước đây khi người dân mở tài khoản. Đáng chú ý, từ ngày 1/7/2024, khách hàng mở, xác thực tài khoản đã được cập nhật sinh trắc học trong các giao dịch tạo sự văn minh, niềm tin.

Theo Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và CCCD (Trung tâm RAR), của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), đơn vị duy nhất của Bộ Công an được cấp phép cung cấp dịch vụ xác thực điện tử cho biết, ngày 1/7, Bộ Công an chính thức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử, trong đó, cung cấp tiện ích cho người dân đăng ký và xác thực sinh trắc học tiện lợi, an toàn hỗ trợ cho cả các thiết bị di động không có tính năng NFC.

Ngoài ra, để bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân, thông qua ứng dụng VNeID người dân có thể cho phép xác thực, chia sẻ thông tin danh tính với ngành Ngân hàng thực hiện xác thực giao dịch một cách an toàn, hiệu quả, văn minh, thuận tiện, tất cả trong một (không quầy, không gặp mặt, không thủ tục rờm rà…).

Là ngân hàng “điểm” triển khai sử dụng dịch vụ xác thực sinh trắc học từ Trung tâm xác thực điện tử, theo đại diện lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Vietcombank đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát QLHC về TTXH; Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư và Trung tâm RAR để nghiên cứu, xây dựng, chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật và công nghệ nhằm triển khai dịch vụ xác thực thông qua tài khoản định danh và xác thực điện tử VNeID.

Hiện nay, Vietcombank đã thu thập được khoảng 4,5 triệu hồ sơ sinh trắc học của khách hàng có đối khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư – dẫn đầu trong ngành Ngân hàng. Trong đó, khoảng 800.000 khách hàng đã lựa chọn chia sẻ và xác thực thông tin qua VNeID, chiếm khoảng 20% tổng số khách hàng thực hiện xác thực với Vietcombank.

Cũng theo Vietcombank, đối với người dân và khách hàng, giải pháp xác thực thông qua kết nối trực tuyến giữa ứng dụng ngân hàng số và ứng dụng VNeID đã thực sự mang lại sự thuận tiện giúp việc cung cấp, chia sẻ thông tin cho ngân hàng trở nên đơn giản, nhanh chóng và tiện lợi nhất, đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật dữ liệu, tránh các trường hợp giả mạo thông tin và phòng ngừa rủi ro.

Chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, xu thế tất yếu của thế giới trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; chuyển đổi số đã và đang “đi từng ngõ, gõ từng nhà, đến từng người”. Việt Nam xác định chuyển đổi số là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh, bền vững. Điểm sáng nổi bật của chuyển đổi số ở nước ta trong những năm gần đây là Đề án 06.

Trong đó, việc cụ thể hóa Kế hoạch số 01 đã có nhiều kết quả quan trọng trong triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước, định danh và xác thực điện tử để thực hiện chuyển đổi số ngành Tài chính, Ngân hàng. Thời gian tới, theo Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, từ mô hình “điểm” của Vietcombank, tiếp tục mở rộng triển khai cung cấp dịch vụ xác thực và định danh điện tử tới các ngân hàng khác.

Minh Hiền
.
.