Hiệu quả mô hình “Hệ thống chính trị trực tiếp tham gia bảo đảm ANTT” ở tỉnh An Giang
Sau thời gian triển khai thí điểm trên địa bàn một huyện, mô hình “Hệ thống chính trị trực tiếp tham gia bảo đảm ANTT” được đánh giá thiết thực, hiệu quả và được nhân rộng thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh An Giang.
Đại tá Lâm Phước Nguyên, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện mô hình cho biết: “Nhiệm vụ đảm bảo ANTT là của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó lực lượng Công an đóng vai trò nòng cốt. Nếu hệ thống chính trị không tham gia thực hiện hoặc khoán trắng cho lực lượng Công an thì ANTT không được đảm bảo. Và ngược lại, nếu có tham gia tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, đông đảo nhân dân thì tình hình ANTT được giữ vững, kinh tế xã hội phát triển. Mô hình nhằm phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, xây dựng thế trận an ninh nhân dân”.
Tháng 1/2024, Ban Chỉ đạo mô hình thống nhất chọn thị trấn An Châu (huyện Châu Thành) làm điểm triển khai thực hiện. Ban Chỉ đạo mô hình thị trấn An Châu đã phân công 34 đồng chí là lãnh đạo và cán bộ tham gia 8 tổ công tác để quản lý địa bàn, đối tượng.
Với phương châm “làm đến đâu, rút kinh nghiệm đến đó”, thành viên trong Ban Chỉ đạo mô hình đã tích cực nghiên cứu cẩm nang thực hiện mô hình, bám sát địa bàn, thường xuyên theo dõi, quản lý hệ, loại đối tượng được phân công. 8 tổ công tác đã triển khai, quán triệt mô hình và thông tin đối tượng cho 195/195 Tổ tự quản về ANTT nắm, thường xuyên rà soát bổ sung vào danh sách quản lý các đối tượng có dấu hiệu, biểu hiện nghi vấn hoạt động tệ nạn xã hội, ma túy, thanh thiếu niên tụ tập gây mất ANTT…
Trên cơ sở kết quả quản lý, các đồng chí trong Ban Chỉ đạo mô hình đã mở sổ nhận xét, đánh giá từng đối tượng. Đồng thời, thành lập nhóm Zalo có 41 thành viên để kịp thời theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra công tác triển khai, thực hiện mô hình. Ban Chỉ đạo mô hình đã kịp thời cung cấp thông tin ANTT có giá trị để lực lượng Công an đấu tranh, xử lý, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo được 23 cuộc, có 890 người tham dự; đã giao nộp 18 vũ khí thô sơ; tham gia hòa giải thành công 15 vụ mâu thuẫn trong nhân dân.
Đến tháng 4/2024, mô hình được triển khai tại 12 xã, thị trấn còn lại thuộc huyện Châu Thành. Đồng chí Lê Kỳ Quang, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, Công an các xã, thị trấn đã chủ động tham mưu cấp ủy cùng cấp ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai kịp thời, nghiêm túc, hiệu quả. Định kỳ hằng tuần tổ chức giao ban Ban Chỉ đạo mô hình để kiểm điểm, đánh giá kết quả, định hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.
Theo đồng chí Lê Bích Phượng, Bí thư Huyện uỷ Châu Thành, mô hình được triển khai đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác bảo đảm ANTT. Đặc biệt, quá trình thực hiện mô hình đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm các cấp, các ngành trong đầu tư nguồn lực, phương tiện, lực lượng tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trực tiếp tham gia bảo đảm ANTT và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.