Giúp người từng lầm lỗi vượt khó, hoàn lương

Chủ Nhật, 29/08/2021, 09:24

Xác định công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm phòng ngừa phát sinh những hành vi vi phạm pháp luật và bảo đảm ANTT ở cơ sở.

Để thực hiện hiệu quả giải pháp công tác này trong cộng đồng, những năm qua, Công an tỉnh Hà Nam đã phối hợp các cấp, các ngành có nhiều cách làm sáng tạo trong thực hiện quản lý, giáo dục và giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, giúp họ có ý chí, quyết tâm trở thành công dân, thực sự có ích cho gia đình và xã hội.

Chúng tôi tìm về TP Phủ Lý (Hà Nam) khi cái nắng thu không còn gay gắt. Con đường nhỏ dẫn chúng tôi đến phường Thanh Tuyền, TP Phủ Lý để gặp gỡ trường hợp từng chấp hành xong án phạt tù về địa phương đã gây dựng cơ nghiệp, trở thành người có ích cho xã hội.

Anh Đinh Văn Long dẫn chúng tôi thăm quan một vòng xưởng gỗ do anh thành lập cách đây hơn 1 năm. Quả thực nếu không tận mắt chứng kiến, ít ai nghĩ đây lại là cơ ngơi của người từng một thời vướng vào vòng lao lý với mức án 11 năm tù chỉ vì một phút nông nổi “cả giận mất khôn”.

Anh kể: Cho đến bây giờ, trong tâm khảm của anh vẫn còn nhớ như in ngày sau khi ra tù, trở về cộng đồng khó khăn chồng chất khó khăn khi bắt đầu lập nghiệp, nhưng chính sự giúp đỡ, động viên của gia đình, sự hỗ trợ, quan tâm của Công an phường; đặc biệt là Trung tá Trương Quang Hà - Trưởng Công an phường Thanh Tuyền và các đoàn, hội phường Thanh Tuyền đã kết nối doanh nghiệp, ngân hàng tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn với số tiền 50 triệu đồng thành lập xưởng gỗ ở tổ dân phố số 5, phường Thanh Tuyền...

Đến nay, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, cuộc đời anh như được bước sang một trang mới. Từ những sản phẩm đầu tiên được bán ra thị trường đến nhiều sản phẩm do xưởng anh chế tác ra được vận chuyển bán ở một số tỉnh miền Bắc... Hiện xưởng gỗ sản xuất của anh Long có 5 người lao động, trong đó có 4 người có quá khứ đã từng lầm lỗi có thu nhập ổn định và anh dự tính tới đây sẽ mở thêm xưởng sản xuất để có thể giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh như mình... như một cách tri ân những người đã tiếp bước cho anh trở lại với cuộc đời lương thiện.

Câu chuyện của anh Đinh Văn Long là minh chứng cụ thể về hiệu quả của mô hình “Chung tay góp sức giúp đỡ người có quá khứ lầm lỗi vượt khó, hoàn lương” được Công an phường Thanh Tuyền, TP Phủ Lý tham mưu xây dựng cách đây hơn 1 năm và đã trở thành cá nhân tiêu biểu về nghị lực vươn lên sau những lầm lỡ…

Giúp người từng lầm lỗi vượt khó, hoàn lương -0
Anh Đinh Văn Long, phường Thanh Tuyền phấn khởi giới thiệu với lực lượng chức năng về xưởng gỗ của gia đình.

Cũng như anh Long, thời gian thấm thoắt trôi, anh Ngô Văn Huy, ở thôn Quan Trung, xã Văn Lý, huyện Lý Nhân cũng từng một thời vướng vào vòng lao lý với án 18 năm tù giam về tội “Cướp tài sản”. Những ngày đầu trở về với gia đình, gặp không ít biến cố trong gia đình, cùng hàng loạt khó khăn trong công việc, sự kỳ thị của cộng đồng khiến anh luôn mặc cảm, dằn vặt bản thân và mất niềm tin vào cuộc sống. Ý nghĩ sẽ tìm đến sống ở một nơi thật xa, không ai biết đến mình luôn thường trực trong đầu.

Hiểu được những khó khăn anh gặp phải khi tái hòa nhập cộng đồng, chính quyền địa phương, trong đó nòng cốt là lực lượng Công an xã, Công an huyện Lý Nhân đã trực tiếp đến tận gia đình gặp gỡ, chia sẻ với anh những vấn đề còn khúc mắc và động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện cho anh vay vốn làm ăn. Mưa dầm thấm lâu, với sự chân tình của các đồng chí trong Đảng uỷ, chính quyền địa phương cùng với các chiến sĩ Công an thường xuyên đến động viên, chia sẻ, anh dần cảm nhận được sự bao dung của bà con hàng xóm và lấy lại niềm tin vào cuộc sống, vào bản thân.

Sau nhiều nỗ lực mưu sinh, anh đã mở trang trại chăn nuôi với vườn cây ăn trái mùa nào thức đấy do chính tay anh trồng. Sau 2 năm, cuộc sống dần ổn định, anh mở thêm một cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi và phân bón, thuốc chữa bệnh cho gia súc, gia cầm, hiện thu nhập bình quân của gia đình anh đạt mức 150 triệu/năm.

Những trường hợp như anh Long, anh Huy ở tỉnh Hà Nam không phải hiếm, hàng năm cứ vào dịp lễ 30-4; Quốc khánh 2-9 hay Tết Nguyên đán…, những phạm nhân có quá trình cải tạo tốt sẽ được giảm án hoặc đặc xá tha tù trước thời hạn trở về địa phương để làm lại cuộc đời sau những ngày tháng phải trả giá cho lỗi lầm của mình.

Để giúp họ vượt qua mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng, có việc làm ổn định cuộc sống và tích cực tham gia công tác đảm bảo ANTT, góp phần phát triển kinh tế của địa phương, thực hiện Nghị định số 49/CP của Chính phủ về các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù; Công văn chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Nam về tăng cường công tác quản lý, giáo dục và giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá về địa phương; Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các đơn vị, địa phương chủ động phối hợp các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước; giúp họ vượt qua mặc cảm, kỳ thị của xã hội, tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời triển khai, thực hiện hiệu quả các mô hình hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, hướng nghiệp, tổ chức dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn sản xuất, kinh doanh để họ vươn lên ổn định cuộc sống.

Với sự hỗ trợ, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và sự nỗ lực, ý chí phấn đấu vươn lên của những người đã có một thời lầm lỗi nên công tác tái hòa nhập cộng đồng ở tỉnh Hà Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã có hơn 400 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương; hơn 350 trường hợp được xóa án tích cực lao động, làm ăn lương thiện, hòa nhập cộng đồng và có 9 mô hình tiêu biểu, 18 cá nhân điển hình trong công tác vận động, giáo dục, cảm hóa, hỗ trợ cho vay vốn, giải quyết việc làm, 96 người chấp hành án phạt tù tiêu biểu, tham gia tích cực các hoạt động xã hội tại địa phương.

Điển hình, như: Mô hình “2 + 1” (2 cựu chiến binh giúp đỡ 1 người tù tha về địa phương) của Hội cựu chiến binh xã Bình Mỹ, huyện Bình Lục; mô hình “Chung tay góp sức giúp đỡ người có quá khứ lầm lỗi vượt khó, hoàn lương” của phường Thanh Tuyền, TP Phủ Lý; mô hình “Quản lý giáo dục đối tượng tại cộng đồng dân cư góp phần phòng, chống tội phạm” của UBND phường Lương Khánh Thiện….

Để có được những kết quả đó, các cấp, các ngành, đặc biệt là lực lượng Công an tỉnh Hà Nam luôn nỗ lực đồng hành tháo gỡ những vướng mắc và phối hợp tạo điều kiện giúp đỡ để họ vượt qua mặc cảm, tự ti vươn lên làm lại cuộc đời và góp phần giữ gìn ANTT trên địa bàn. 

Lê Phượng
.
.