Giữ vững an ninh, góp phần phát triển du lịch vùng Tây Bắc

Giữ mãi màu xanh cho Mường Tè (bài 1)

Thứ Hai, 01/01/2024, 08:16

Sau 20 năm chia tách, thành lập tỉnh (1/1/2004-1/1/2024), miền biên viễn Lai Châu tuy còn nhiều gian khó nhưng đang khởi sắc từng ngày cùng với sự phát triển của ngành du lịch. Tuyến du lịch Sa Pa - Lai Châu, Giải Dù lượn đường trường Pu Ta Leng mở rộng, Sin Suối Hồ - điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất ASEAN; địa chỉ tham quan nổi tiếng Cầu Kính Rồng Mây, Khu du lịch Cổng Trời Ô Quy Hồ, cùng nhiều điểm đến có tiềm năng phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, đã thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước. Những ngày “ba cùng” với CBCS Công an cơ sở, nhóm PV đã ghi nhận những hy sinh thầm lặng của Công an tỉnh Lai Châu trong đảm bảo ANTT, góp phần giữ môi trường ổn định, phát triển kinh tế xã hội, đưa Lai Châu dần trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Những ngày giáp Tết 2024, nhóm PV đã ngược rừng, đặt chân đến nhiều xã, bản ở những vùng đất khó của Lai Châu để ghi nhận cuộc sống, công tác, chiến đấu của những chiến sĩ Công an nơi phên giậu Tổ quốc đang ngày, đêm góp phần giữ bình yên từng bản làng. Địa hình đồi núi trập trùng, hiểm trở giờ đây không còn là bất lợi bởi người dân từng bước khắc phục khó khăn, tận dụng để làm du lịch cộng đồng, phát triển kinh tế địa phương. Nhìn những đoàn du khách từ khắp nơi đổ về Lai Châu xa xôi đủ thấy chính quyền địa phương đã có những cách làm hay, sự sáng tạo để "hút" khách. Đóng góp trong thành công đó có dấu ấn của người chiến sĩ Công an trong việc gìn giữ ANTT, để mỗi du khách đến với Lai Châu đều cảm thấy sự yên bình, an toàn, thân thiện.

Giữ mãi màu xanh cho Mường Tè (bài 1) -0
Niềm vui của bà con dân tộc La Hủ xã Bum Tở, huyện Mường Tè, Lai Châu đón các cán bộ, chiến sĩ Công an về thăm nhà mới.

Thêm niềm tin từ những ngôi nhà mới

Rời Hà Nội từ mờ sương, vượt qua con đường cao tốc nối tuyến Hà Nội- Lào Cai, đến trưa, chúng tôi đã qua đỉnh đèo Ô Quy Hồ sang đất Lai Châu. Khi bắt đầu đổ đèo, xe lắc lư khiến người nôn nao, cảm nhận rõ qua những cú lắc khi xe lượn qua nhiều đoạn cua tay áo. Ăn vội bữa cơm muộn ở bếp ăn Công an tỉnh Lai Châu, 13h30, nhóm PV xuất phát từ trụ sở Công an tỉnh thẳng tiến đến Mường Tè, huyện biên giới thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh.

Sau 4 năm, từ chủ trương của Bộ Công an và kể từ ngày Đề án 245 của tỉnh Lai Châu thực hiện việc sửa chữa, xây mới nhà cho đồng bào, chúng tôi mới có dịp trở lại xã Bum Tở (huyện Mường Tè), đến thăm bà con các dân tộc đang sinh sống trong những ngôi nhà của lòng dân, ý Đảng. Từng là vùng đất nghèo khó nhưng giờ đây, Bum Tở đang bừng lên với sắc màu tươi sáng từ chủ trương nhân văn của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an "không để ai bị bỏ lại phía sau". Đặc biệt, bà con các dân tộc bày tỏ sự cảm ơn đến Bộ Công an, nhất là sự quan tâm của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; trong đó, trực tiếp Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã đặt chân đến tận mảnh đất khó Mường Tè để chỉ đạo các mặt công tác, cùng chính quyền, nhà tài trợ trao tặng chìa khóa nhà cho các hộ nghèo…

Đại tá Phạm Hải Đăng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu, Trưởng đoàn công tác, dáng người chắc khỏe, có nét phong sương của người nhiều năm chiến đấu trên mặt trận "nóng", đấu tranh chống tội phạm ma túy, hình sự, dường như đã quá quen với việc đi bản và đi lại cung đường rừng nên không hề say xe. Anh kể cho chúng tôi nghe những đổi thay ở vùng đất khó Mường Tè, nhất là từ sau khi có chủ trương nhân văn của Bộ Công an, tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án 245.

Mùa xuân này, hơn 30 hộ dân ở bản Phìn Khò, xã Bum Tở bước sang năm thứ tư được đón Tết trong căn nhà mới, khang trang, sạch đẹp nhưng họ vẫn vẹn nguyên cảm xúc, sự biết ơn, trân trọng từ những tấm lòng, sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Bộ Công an, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lai Châu, TP Hồ Chí Minh, trong đó có vai trò nòng cốt của lực lượng CAND. Những túp lều tranh chật hẹp, ngả nghiêng trước gió bão đã lùi xa mà trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà tường gạch xi măng, lợp mái tôn. Cuộc sống hạnh phúc đang hiện hữu trên từng khuôn mặt của người dân nơi đây.

Giữ mãi màu xanh cho Mường Tè (bài 1) -0
Người dân bản Phìn Khò, xã Bum Tở, huyện Mường Tè đón các cán bộ Công an về bản trong ngôi nhà được xây theo Đề án 245 của tỉnh Lai Châu.

Trong căn nhà ấm áp trên sườn đồi, chị Phùng Mỳ Le (SN 1995) niềm nở đón chúng tôi đến thăm. Căn nhà được xây theo Đề án 245 rộng khoảng 50m2 vừa đủ cho sinh hoạt của vợ chồng và 2 con nhỏ. Xúc động nhất là ở giữa nhà, nơi trang trọng nhất được gia đình treo ảnh Bác Hồ. "Tôi thực sự biết ơn và cảm thấy may mắn khi được Đề án 245 chọn xây dựng cho căn nhà mới. Với người dân La Hủ trên bản cao Phìn Khò, việc có được căn nhà là niềm hạnh phúc vô bờ mà có phấn đấu đến cả đời cũng chưa chắc có được. Từ khi có nhà mới, chúng tôi cảm thấy mình phải sống có trách nhiệm với cộng đồng, với việc bảo đảm ANTT trên địa bàn bản, xã", chị Le bộc bạch.

Với đôi mắt sáng, nụ cười tươi tắn, chị Phùng Giò Xó, Trưởng Bản, Phó Bí thư Chi bộ bản Phìn Khò cho biết, hiện ở bản có 156 hộ với 721 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc La Hủ, còn lại dân tộc Kinh, Thái. Bà con chủ yếu trồng lúa, trồng riềng, chăn nuôi rồi vào rừng bẻ măng, chặt chít. Từ năm 2017, được hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã chuyển đổi một số diện tích đất sang trồng quế. Cuộc sống đã khấm khá hơn, nhất là khi trên địa bàn bản đã có hơn 30 ngôi nhà được xây theo Đề án 245.

Ngược lại thời gian, chị Xó vẫn nhớ như in hình ảnh những đồng chí Công an "vượt nắng, thắng mưa" tham gia sửa chữa, làm nhà cho bà con theo Đề án 245. Vì địa hình trên núi, đồi cao, đi lại khó khăn, lại vào mùa mưa, trơn trượt nên quá trình đưa vật liệu làm nhà gặp nhiều khó khăn. "Với người dân La Hủ, nói có thể họ không tin nhưng làm cho họ thì họ sẽ tin. Bởi vậy, những ngôi nhà mới theo Đề án 245 là minh chứng sinh động, rõ nét nhất cho sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an, Đảng bộ, chính quyền nhân dân TP Hồ Chí Minh cùng các nhà hảo tâm… với người có hoàn cảnh khó khăn", chị Xó bộc bạch.

Chính quyền cùng nhân dân làm du lịch xanh

Ngược lên dốc cao, chúng tôi theo chân các chiến sĩ Công an về bản Trung tâm. Gọi là bản Trung tâm nhưng khác với miền xuôi, đường đi từ trụ sở xã đến nhà dân nằm bám sườn đồi, sườn núi, việc đi lại chủ yếu là kết hợp giữa xe máy và đi bộ. Thiếu tá Lò Văn Khánh, Phó trưởng Công an xã Bum Tở chia sẻ, Công an chính quy tại xã hiện có 8 CBCS. Bên cạnh nhiệm vụ nòng cốt là đảm bảo ANTT, lực lượng Công an cơ sở rất chú trọng đến đảm bảo an ninh du lịch bởi Mường Tè là vùng đất có nhiều tiềm năng về du lịch.

Giữ mãi màu xanh cho Mường Tè (bài 1) -0
Lễ hội đường phố huyện Mường Tè, một hoạt động trong khuôn khổ Tuần Văn hóa, thể thao và du lịch huyện Mường Tè năm 2023.

Đề cập đến câu chuyện làm du lịch, đồng chí Đao Văn Khánh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết, từ khi người dân nghèo, gia đình chính sách ở Mường Tè được xây nhà mới (Mường Tè được Đề án 245 của Bộ Công an xây dựng, làm mới cho 1.062 ngôi nhà) ai ai cũng yên tâm lao động sản xuất. Khi có nông sản dư thừa, bà con đem ra chợ bán. Tuy còn đơn sơ, nhưng những mặt hàng đều "thật" và "sạch" nên được khách hàng ưa thích. Đặc biệt, Mường Tè đã có cửa hàng trưng bày nhiều sản phẩm OCOP địa phương, như: Thịt trâu sấy, khoai sọ, cá trắm sấy, ba chỉ hun khói, lạp sườn, da trâu muối, tinh dầu sả, chè dây Ka Lăng, trà đẳng sâm… Theo Chủ tịch Đao Văn Khánh, các mặt hàng như một sự "mời gọi" mỗi du khách hãy đến với Mường Tè.

Thượng tá Lù Văn Hoàn, Trưởng Công an huyện Mường Tè thông tin thêm: "Trên địa bàn huyện hiện có 32 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn, nhà trọ, riêng địa bàn thị trấn Mường Tè có 21 cơ sở. Hằng năm, có khoảng 2.000 lượt khách đến tham quan, du lịch trên địa bàn, trong đó có khoảng 150 lượt khách quốc tế. Riêng điểm du lịch Hòn đá trắng, năm 2023 có khoảng 400 lượt khách nội địa đến tham quan du lịch. Với quan điểm phát triển du lịch nhưng phải bảo đảm ANTT, Công an huyện đã chỉ đạo các lực lượng thường xuyên nắm tình hình, bảo đảm an ninh, an toàn cho các đoàn khách, cũng như kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh liên quan đến ANTT để có biện pháp xử lý; tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép".

Thiếu tá Vũ Giang Nam, Phó trưởng Công an huyện đưa chúng tôi xuống bản, dọc đường đi, anh kể vanh vách các điểm khó, xa của huyện và thông tin, huyện Mường Tè có 1 thị trấn, 13 xã, với tổng số có 96 cán bộ Công an chính quy, 128 Công an viên là "cánh tay nối dài", góp phần quan trọng đảm bảo ANTT tại cơ sở, trong đó có bảo đảm an ninh du lịch. "Hiện, các địa danh của Mường Tè như: Đỉnh Pu Si Lung, đá thiêng Hà Nhì, Mốc 17 - thượng nguồn sông Đà, suối nước nóng Pắc Ma… thu hút nhiều du khách. Đặc biệt, vừa qua huyện Mường Tè tổ chức Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2023 với chủ đề "Lung linh sắc màu văn hóa các dân tộc nơi thượng nguồn sông Đà" đã thu hút hàng nghìn du khách. Ban Tổ chức cùng các nhà hảo tâm, người dân đã cùng làm đến 505 mâm cỗ đón tiếp đồng bào các dân tộc. Công an huyện đã huy động lực lượng Công an xã cùng tham gia bảo đảm tuyệt đối về ANTT cho sự kiện đặc biệt này", anh Nam chia sẻ thêm.

Dạo quanh một vòng thị trấn bé nhỏ miền biên viễn, tuy cũng có chợ, có nhà nghỉ, quán ăn nhưng vẫn còn đơn sơ so với các thị trấn miền xuôi. Về Hà Nội, kể lại quá trình gian nan vào Mường Tè đi thực tế, PGS.TS, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân nói vui: "Cánh phóng viên bây giờ từ thành phố vào được Mường Tè có vài tiếng, đường nhựa rải đến thị trấn, đường lên bản ô tô cũng đi được đến nơi là quá sướng rồi. Mường Tè nay đã đổi thay, khác trước nhiều lắm đó". Nhà báo Hồng Vinh kể lại chuyện cách đây nhiều năm, ông đã 2 lần đặt chân đến mảnh đất gian khó này. Khi đó, đi cả huyện mới tìm được một quán ăn, một nhà nghỉ đúng nghĩa cũng không có, đường đất nên vào mùa mưa thì lụt lội, mùa nắng thì mịt mù bụi… Ông bày tỏ vui mừng trước những đổi thay của Mường Tè, trong đó, đánh giá cao vai trò nòng cốt của lực lượng Công an cơ sở, vẫn bền bỉ bám bản, ngược núi, ngược rừng để giữ màu xanh.

Rời Mường Tè về TP Lai Châu, đi dọc dòng Nậm Na trong xanh, thơ mộng với những nhà máy thủy điện đêm ngày nổ máy, chúng tôi đã thấy những cành hoa đào đã lác đác nở, báo hiệu một mùa xuân mới ngập tràn niềm vui, hạnh phúc, ấm no của người dân nơi này. Có nhà mới, có lực lượng Công an chính quy về bản, cuộc sống người dân đã thực sự đổi thay.

Đại tá Nguyễn Viết Giang, Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết, năm 2023, Công an tỉnh đã hoàn thành xuất sắc các chương trình, kế hoạch, mục tiêu đề ra.

Giữ mãi màu xanh cho Mường Tè (bài 1) -0
Đại tá Nguyễn Viết Giang, Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu.

Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 79 vừa qua, với những thành tích đạt được, Công an tỉnh vinh dự được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc. Trong thành tích chung đó có đóng góp của lực lượng Công an huyện Mường Tè. Bên cạnh công tác nghiệp vụ cơ bản, Công an huyện đã chú trọng nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tham gia bảo đảm ANTT tại cơ sở và chủ động có nhiều sáng kiến trong đảm bảo an ninh du lịch, đóng góp vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh…

(Còn nữa)

Anh Hiếu - Ngô Khiêm
.
.