Ghi nhận ngày đầu triển khai Luật Căn cước
Ngày 1/7, đồng loạt Công an 63 địa phương tổ chức Lễ phát động triển khai thực hiện Luật Căn cước và Nghị định số 69 về định danh và xác thực điện tử. Trong ngày đầu thực hiện, rất đông người dân đã làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước với nhiều cung bậc cảm xúc. Như vậy, Luật Căn cước đã có hiệu lực và giải quyết các vướng mắc về cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đặc biệt là giải quyết được các khó khăn khi triển khai các nội dung của Đề án số 06 của Chính phủ.
6h sáng 1/7, tại Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Công an TP Hà Nội đã có nhiều người dân đến làm thẻ căn cước, mặc dù phải 7h sáng mới bắt đầu triển khai thực hiện. Háo hức là người đầu tiên được thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước, ông Nguyễn Văn Hồng, 67 tuổi, trú tại phường Cống vị, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, khi được Cảnh sát khu vực hướng dẫn, ông đến đây làm lại thẻ căn cước, mọi thủ tục nhanh chóng, thuận lợi, đặc biệt việc thu nhận mống mắt là trường thông tin hoàn toàn mới.
Còn chị Đinh Thị Anh Trâm, 39 tuổi, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội đưa con gái Trần Phương Thảo (11 tuổi) và Trần Thảo My (8 tuổi) đến làm thẻ căn cước, theo chị Trâm có thẻ căn cước rất tiện lợi cho các con đi du lịch hay làm các thủ tục liên quan khác, mà không phải cầm theo bản sao giấy khai sinh.
Theo Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài về, Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo Công an huyện Sóc Sơn thành lập tổ công tác lưu động tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, phối hợp với Công an Cửa khẩu và các đơn vị có liên quan trên địa bàn để bố trí địa điểm thu nhận căn cước gần khu vực làm thủ tục nhập cảnh trong nhà ga sân bay quốc tế để thu nhận ngay căn cước khi công dân trở về. Ngoài ra, chỉ đạo các đơn vị nơi công dân cư trú hiện tại, cư trú trước khi xuất cảnh phối hợp chặt chẽ với Công an huyện Sóc Sơn để thực hiện các công tác nghiệp vụ phục vụ cấp căn cước lưu động. Chủ động rà soát công dân Việt Nam đang ở nước ngoài để xác minh, thu thập, cập nhật chỉnh sửa dữ liệu dân cư và thực hiện công tác đăng ký, quản lý cư trú. Đồng thời, tuyên truyền, vận động thân nhân gia đình có công dân Việt Nam ở nước ngoài về chủ trương thu thập, cập nhật thông tin dân cư, cấp căn cước cho người Việt Nam ở nước ngoài khi về nước và thông báo số định danh cá nhân cho công dân thông qua nhân thân.
Ghi nhận của phóng viên tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Công an huyện Sóc Sơn phối hợp với Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH thành lập tổ công tác làm thẻ căn cước phục vụ cho công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về nước.
Nhiều năm xa quê hương, chị Nguyễn Thị Minh Hiền, 43 tuổi, quê ở thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm (Hà Nội) vừa từ Hàn Quốc về Việt Nam chia sẻ: “Tôi sang Hàn Quốc 12 năm nay, trước khi về nước, người nhà có gọi điện thoại sang dặn dò về lần này đổi chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước nên tôi cũng có ý định tìm khu vực trụ sở Công an gần nhà để làm. Rất bất ngờ khi vừa xuống máy bay đã được các đồng chí cán bộ Công an hỗ trợ, hướng dẫn làm luôn thẻ căn cước tại đây. Tôi xúc động không nghĩ lại nhanh gọn, nhất là được tích hợp dữ liệu sinh trắc học luôn”.
Về cùng với mẹ thăm người thân lần này, em Đặng Hoàng Ngân, 20 tuổi, con của chị Hiền mong muốn được làm luôn thẻ căn cước, vì em Ngân được mẹ bảo lãnh sang Hàn Quốc từ khi chưa đủ tuổi làm thẻ căn cước công dân. Do trường hợp này không có giấy tờ đi cùng nên Trung tá Nguyễn Thái Liên, Đội trưởng Đội hướng dẫn đăng ký quản lý cư trú, dữ liệu dân cư, cấp căn cước và định danh điện tử (Đội 2) đã kết nối với Công an huyện Gia Lâm. Sau khi có đầy đủ thông tin, cán bộ Cảnh sát QLHC về TTXH đã cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để tổ công tác ở sân bay nhanh chóng làm thẻ căn cước cho em Đặng Hoàng Ngân.
Trung tá Nguyễn Thái Liên cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Công an TP Hà Nội, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH phải túc trực, kết nối sẵn sàng làm công tác tra cứu đối với những trường hợp công dân đi nước ngoài lâu năm trở về nước, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân làm thẻ căn cước. Ngoài ra, có công dân ở các tỉnh, thành phố khác, chúng tôi cũng sẽ phải phối hợp với Công an địa phương thực hiện công tác tra cứu và nhập dữ liệu nhanh nhất để có thông tin phục vụ làm thẻ căn cước tại sân bay.
Em Lê Thị Hà My, 25 tuổi, quê ở Hải Phòng, sang Canada du học và định cư, lần này My về Việt Nam do gia đình có việc. My cho biết em làm thẻ căn cước từ tháng 3/2024, em rất vui khi được các cô chú Công an tạo điều kiện làm thẻ căn cước có dữ liệu sinh trắc học. Tuy nhiên, My cũng lo lắng khoảng 2 tuần nữa em phải bay sang Canada sẽ không kịp lấy thẻ căn cước. Với trường hợp này, Trung tá Nguyễn Thị Ngọc Tâm, Phó Đội trưởng Đội 2 Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP Hà Nội cho biết, sẽ hỗ trợ tối đa lấy thẻ căn cước sớm trước khi em My đi nước ngoài.
Tại sân bay, hai chị em Phạm Ánh Tuyết, 20 tuổi, quê ở Hải Phòng, sinh viên một trường Đại học trên địa bàn Hà Nội cùng em trai Phạm Tuấn Anh, học sinh lớp 12 đi du lịch nước ngoài về và được làm thẻ căn cước. Theo em Phạm Ánh Tuyết, từ dữ liệu của thẻ căn cước công dân, hai chị em chỉ cần lăn lại dấu vân tay, chụp ảnh, làm thủ tục thu nhận mống mắt là xong các bước rất tiện ích.
Còn bạn Cao Hoàng Ngân, trú tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội, một du học sinh Thái Lan vừa về nước cho hay: “Tôi rất bất ngờ khi được làm thẻ căn cước ngay tại sân bay, được các cán bộ Công an hướng dẫn, tư vấn thủ tục nhanh gọn. Tôi có 1 tháng ở Việt Nam và hy vọng trước ngày lên đường sang Thái Lan sẽ được nhận thẻ căn cước tích hợp nhiều thông tin”.
Ngày đầu triển khai Luật Căn cước, rất nhiều hình ảnh xúc động, giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ Cảnh sát QLHC về TTXH được người dân ghi nhận, đánh giá cao, như hình ảnh Trung tá Nguyễn Thị Ngọc Tâm dìu đỡ, bế lên xe máy chị Nguyễn Thu Trang, 37 tuổi, trú tại quận Đống Đa (Hà Nội) bị khuyết tật ở chân bẩm sinh, đến làm thủ tục thẻ căn cước hay hình ảnh cán bộ bế em bé để mẹ làm thẻ căn cước, thu nhận AND, mống mắt...
Theo Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an, tính đến 17h ngày 1/7, đã ghi nhận hàng chục nghìn hồ sơ đăng ký cấp căn cước. Tổ chức in 60 thẻ căn cước cho công dân từ 0-6 tuổi, từ 6 đến 14 tuổi và trên 14 tuổi; hoàn thiện và in 2 Giấy chứng nhận căn cước. Tiếp nhận hồ sơ của địa phương truyền lên và xử lý nghiệp vụ hơn 1.783 hồ sơ từ Công an 63 địa phương. Trong đó, Công an TP Hà Nội ghi nhận 4.532 hồ sơ đăng ký cấp căn cước; điểm thu nhận tại sân bay quốc tế Nội Bài cấp cho người Việt Nam về nước được hơn 20 công dân độ tuổi từ 14 trở lên…