Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở không làm tăng chi ngân sách
Dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở là một trong những dự án luật quan trọng do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, nhằm tạo cơ sở pháp lý để sắp xếp, kiện toàn lại 3 lực lượng sẵn có: bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách, thành một lực lượng thống nhất với chức năng, nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và chuẩn bị trình, cho ý kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6 dự kiến khai mạc vào ngày 23/10.
Các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng bị tác động và đại đa số các ý kiến đều đồng thuận, nhất trí về sự cần thiết ban hành luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong việc bảo đảm ANTT ở cơ sở, đã được xác định trong các văn bản của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; đồng thời kiện toàn, tinh gọn đầu mối, gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, toàn diện, xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Ông Thạch Phước Bình, Phó trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho biết rất quan tâm về dự thảo Luật lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở, cho rằng đây là một nội dung rất mới, khi ban hành sẽ tích hợp được tất cả những chế độ có liên quan đến lực lượng bảo đảm ANTT ở cơ sở.
Hiện nay vấn đề an ninh nông thôn, ANTT là vấn đề nóng. Nếu quy tụ được tất cả lực lượng này tham gia như trong dự thảo luật sẽ huy động được cả hệ thống chính trị tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Tỉnh Trà Vinh hiện có trên 4.500 đồng chí tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, họ là “tai mắt” của lực lượng công an trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác.
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã có 144 lượt ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội, trong đó có 125 lượt ý kiến tại tổ, 19 lượt ý kiến tại hội trường. Bên cạnh đó, dự án luật đã được lấy ý kiến tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các Đoàn đại biểu Quốc hội cũng đã cho ý kiến bằng văn bản. Các ý kiến tham gia cơ bản đều nhất trí về sự cần thiết ban hành luật, nhất trí với nhiều nội dung và đã cho ý kiến vào các nội dung cụ thể của dự thảo luật.
Bộ Công an đã trực tiếp phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh, các ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và xây dựng báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật.
Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở không phải là lực lượng mới thành lập mà được kiện toàn, sắp xếp, thống nhất từ 3 lực lượng sẵn có. Luật được ban hành có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất; khắc phục tình trạng chồng chéo khi hiện nay hoạt động, nhiệm vụ của 3 lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở nói trên đang được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật, với nhiều hình thức khác nhau, do nhiều cơ quan ban hành.
Tính đến hết tháng 12/2022, tổng số thôn, tổ dân phố trong toàn quốc đã giảm xuống còn 84.721 thôn, tổ dân phố so với thời điểm khảo sát là 103.568 thôn, tổ dân phố và mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2023 đã điều chỉnh tăng lên là 1.800.000 đồng, hồ sơ dự án luật đang tính theo mức lương cơ sở trước ngày 1/7/2023 là 1.490.000 đồng.
Trung bình mỗi tổ có 3 người, dự kiến tổng kinh phí cần bảo đảm để thực hiện theo quy định của dự thảo luật là 3.505 tỷ đồng/năm. Mỗi tỉnh, thành phố cần bảo đảm khoảnh 55,6 tỷ đồng/năm, tương ứng khoảng 4,6 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, do dự thảo luật quy định mỗi tổ bảo vệ ANTT có thể phụ trách một hoặc một số thôn, tổ dân phố thuộc cấp xã hoặc tại huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã nên khi triển khai thi hành luật thì tổng số tổ bảo vệ ANTT có thể giảm xuống, kéo theo tổng kinh phí bảo đảm cũng sẽ giảm theo.
Như vậy, nếu thành lập tổ bảo vệ ANTT với nguồn nhân lực trước hết là được kiện toàn từ lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng thì sẽ không tăng về số lượng người tham gia hoạt động và không tăng về tổng kinh phí bảo đảm so với thực tiễn đang chi trả hiện nay.