Đoạt giải Báo chí Quốc gia từ chỉ đạo của đồng chí Thứ trưởng

Chủ Nhật, 17/07/2022, 18:20

"Ngăn chặn nạn nhân mua bán người- Giải cứu những phận đời cùng cực", đó là tên loạt bài viết của nhóm phóng viên Ban Thời sự - Chính trị, Báo CAND đã được trao giải C Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI năm 2021 (thể loại phóng sự điều tra- báo in). Giải thưởng ấy thật có ý nghĩa khi được trao ngay trước thềm tháng 7 với những sự kiện đặc biệt: Kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 - 20/7/2022) và Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (30/7).

Thay mặt những người làm báo Báo CAND, xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc đến sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, trực tiếp là Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an; xin được tri ân những cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát hình sự làm nhiệm vụ phòng, chống tội phạm mua bán người, giải cứu các nạn nhân, tạo nên những câu chuyện hết sức nhân văn trong loạt bài viết của chúng tôi.

Từ chỉ đạo “lấy nạn nhân làm trung tâm”

Vào ngày 13/9/2021, trong giao ban tuần của đơn vị, Đại tá, Nhà văn Phạm Khải, Tổng Biên tập Báo CAND đã yêu cầu Ban Thời sự- Chính trị xây dựng một tuyến bài nêu bật những nỗ lực của lực lượng Công an trong việc phòng, chống tội phạm mua bán người theo chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an.

22 - Đoạt giải Báo chí Quốc gia từ chỉ đạo của đồng chí Thứ trưởng -0
Đại diện nhóm tác giả Ban Thời sự - Chính trị, Báo CAND nhận Giải C Giải Báo chí Quốc gia năm 2021 (trao ngày 21/6/2022).

Trước đó, phát biểu trong sự kiện trực tuyến “Chung tay phòng, chống mua bán người” với chủ đề “Lắng nghe nạn nhân - Dẫn lối hành động” do Bộ Công an phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, trong chỉ đạo các phương hướng công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh: Thực hiện thông điệp của Ngày thế giới phòng, chống mua bán người năm 2021, cần xác định rõ tầm quan trọng của việc lấy nạn nhân làm trung tâm, việc lắng nghe và thấu hiểu nạn nhân, từ đó đưa ra những biện pháp hiệu quả nhằm phòng ngừa tội phạm mua bán người cũng như để xác định, giải cứu và hỗ trợ nạn nhân trong quá trình tái hoà nhập cộng đồng. Đồng chí Thứ trưởng cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cá nhân, gia đình và cộng đồng về công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc.

Khi giao nhiệm vụ và định hướng cho nhóm tác giả của Ban Thời sự- Chính trị viết tuyến bài về nạn mua bán người, Tổng biên tập Phạm Khải đã chỉ ra điểm nhấn của loạt bài chính là “lấy nạn nhân làm trung tâm” theo chỉ đạo của đồng chí Thứ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an, cũng là thông điệp của Ngày Thế giới phòng, chống tội phạm mua bán người.

Nhận nhiệm vụ, nhóm phóng viên chúng tôi gồm: Thu Hoà, Minh Hiền, Xuân Mai cảm thấy vừa vui, vừa áp lực. Vui vì đây là đề tài mà chúng tôi theo đuổi, hiểu rất rõ và quá nhiều cảm xúc khi nhiều lần được theo chân lực lượng Công an triệt phá các đường dây mua bán người, gặp gỡ các nạn nhân được giải cứu trở về. Nhưng áp lực vì một đề tài quá quen thuộc, đã phản ánh bằng hàng trăm, hàng nghìn bài báo trên các ấn phẩm, làm thế nào để tuyến bài có hướng đi, góc nhìn mới?

 Khi làm đề cương cho chuyên đề, chúng tôi đã phải đọc gần 30 báo cáo của các tác giả tham dự Hội thảo về vấn nạn mua bán người do Bộ Công an tổ chức. Đánh giá, so sánh, sàng lọc tài liệu, cuối cùng, một con số trong báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự khiến chúng tôi đặc biệt chú ý: 50% nạn nhân được giải cứu trở về đã được cơ quan Công an và các tổ chức, đoàn thể tạo điều kiện giúp đỡ, có cuộc sống sang trang mới. Từ đó, nhóm phóng viên chúng tôi đã đi theo tuyến đề tài: “Ngăn chặn nạn mua bán người - Giải cứu những phận đời cùng cực”.

Chuyên đề gồm 5 bài, theo nhận xét của đồng chí Tổng biên tập “được triển khai công phu, có cấu trúc chặt chẽ”. Trong loạt bài đã phản ánh nỗi thống khổ của các nạn nhân bị lừa bán sang đất khách và ngay cả vào các động mại dâm trong nước; cuộc chiến của lực lượng Công an trong nội địa, ngoài biên giới để triệt phá các đường dây mua bán người, giải cứu những phụ nữ, trẻ em gái bị lừa bán trở về; với sự trợ giúp của lực lượng Công an và các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh, rất nhiều số phận nạn nhân đã được hồi sinh, sang trang mới, nhiều em đã được trở lại trường học, có nghề nghiệp ổn định, có gia đình hạnh phúc; đưa ra các giải pháp để tiếp tục ngăn chặn hiệu quả nạn mua bán người theo định hướng “lấy nạn nhân làm trung tâm”…

Vượt qua COVID-19 để hoàn thành nhiệm vụ

Thời điểm đó, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội đang trong những ngày giãn cách xã hội, việc di chuyển trong địa bàn Thủ đô đã khó, ra các tỉnh ngoài còn khó hơn. Lúc đó, có 3 nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài, được các trinh sát của Phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự giải cứu trở về. Mỗi cô gái một hoàn cảnh, một nỗi đau riêng khi bị bán sang Trung Quốc, nhưng họ đều có một khát khao được thoát khỏi kiếp sống “vợ hờ” ê chề, đau đớn… Chính vì thế, khi được giải cứu trở về, các nạn nhân coi các anh, các chú cán bộ Phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự như những người trong gia đình, những người đã sinh ra họ lần thứ 2.

Do Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, các trinh sát đã phải trích tiền túi, nhờ trợ giúp của các tổ chức xã hội thuê tạm cho các cô một nhà nghỉ trên Thái Nguyên. Trong số các nạn nhân có 1 cô gái đang mang thai 7 tháng, hễ có vấn đề gì liên quan đến ăn ở, sức khoẻ, thậm chí theo dõi thai nhi, các trinh sát Phòng 5 phải trở thành “cố vấn” trợ giúp cho cô. “Thậm chí, có đêm, gần 24h, cô gái đang mang thai đau bụng, gọi điện thoại cho tôi. Vì đang ở cách xa gần trăm cây số nên tôi không thể đến ngay, dù đang đêm cũng phải nhờ các đồng nghiệp trên Thái Nguyên đưa cô ấy đi khám thai” - Thượng tá Đinh Văn Trình, Phó Trưởng phòng 5 chia sẻ.

Địa chỉ Phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự đã trở thành niềm hy vọng từ lâu của các gia đình không may có người thân bị lừa bán ra nước ngoài. Hàng trăm lá thư khẩn thiết của những người làm cha, làm mẹ đã gửi đến các anh để xin giải cứu con gái họ. Khi nghiên cứu những lá thư này, Đại tá Đoàn Thế Vinh, Trưởng Phòng 5 nặng trĩu ưu tư. Các anh cũng đang làm bố, làm mẹ, nên hiểu sâu sắc những nỗi đau đó. Thế nên lần nào cũng vậy, các kế hoạch giải cứu nạn nhân đều xuất phát từ chính mệnh lệnh của trái tim người lính.

Mỗi năm, bao vụ việc trôi qua, bao nạn nhân được giải cứu trở về, nhưng nỗi trăn trở về số phận của họ vẫn đau đáu đối với các cán bộ Phòng 5. Khi chúng tôi hỏi về cuộc sống hiện nay của các nạn nhân, Thượng tá Đinh Văn Trình nhớ rất rõ, thậm chí có những trường hợp anh còn ghi chép cẩn thận trong sổ công tác. “Chúng tôi vẫn dõi theo cuộc sống của các nạn nhân để có thể hỗ trợ họ hoà nhập cộng đồng, nhiều trường hợp chúng tôi đã phải trực tiếp can thiệp để hỗ trợ các em làm thủ tục quay trở lại trường học”. Sự nhân văn của những người lính ấy đã giúp cho rất nhiều nạn nhân trở về cuộc sống đời thường, có trang đời mới hạnh phúc hơn.

Theo giới thiệu của các anh, nhóm phóng viên của chúng tôi đã vượt qua nỗi lo dịch bệnh trong thời điểm giãn cách xã hội để tìm gặp các nạn nhân được giải cứu trở về. Trong đó, ấn tượng với chúng tôi là N.T.H., quê ở Hải Dương, giờ em đã có chồng, đang chuẩn bị sinh thêm cháu thứ 2. Sau khi được giải cứu trở về, với sự hỗ trợ của các cán bộ Phòng 5 và Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh, H. đã học tiếp trường sư phạm, giờ ra trường tham gia hỗ trợ học sinh đặc biệt, tự kỷ, giúp các em tái hoà nhập cộng đồng. Khi nhắc đến những trinh sát hình sự đã giải cứu và hỗ trợ em có được cuộc sống yên bình và hạnh phúc hiện tại, đôi mắt H, ẩn chứa niềm vui, sự biết ơn sâu sắc.   

Thời điểm đó, dịch bệnh đang vô cùng phức tạp, việc đến gặp các nhân vật trong bài, cũng như di chuyển đến địa bàn các tỉnh biên giới như Lào Cai, Lai Châu để phản ánh công tác phòng, chống mua bán người nơi biên giới rất khó khăn. Do giãn cách xã hội, cả chặng đường dài và thời gian lưu lại địa bàn công tác, chúng tôi phải tự chuẩn bị đồ ăn, thức uống vì không có hàng quán nào mở. Khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, thậm chí cả quần áo bảo hộ cũng luôn được chúng tôi mang theo trong hành trang. Khi trở về với gia đình, ngoài khai báo y tế với địa phương, chúng tôi tự cách ly vì ai cũng có con nhỏ, nỗi lo nhiễm bệnh lúc nào cũng thường trực... 

Thế nhưng, vượt lên tất cả, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ, của Ban Biên tập, sự giúp đỡ của các đơn vị Công an, đặc biệt là Cục Cảnh sát hình sự, chúng tôi đã hoàn thành loạt bài được giao. Thật vui và tự hào, loạt bài đó đã được trao giải C và được vinh danh trong Lễ trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI.

Và niềm vui, nhiệm vụ của chúng tôi cũng chưa dừng lại khi những trang viết cuối cùng hoàn thành. Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (Fe Credit) mong muốn Báo CAND và Cục Cảnh sát hình sự làm cầu nối để được trợ giúp cho các nạn nhân bị lừa bán trở về có nguồn vốn, sinh kế làm ăn. Sự hỗ trợ ấy sẽ được thực hiện trong tháng 7 ý nghĩa này, tháng cao điểm phòng chống tội phạm mua bán người và kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân. Nhóm phóng viên chúng tôi sẽ lại lên đường, cùng với Cục Cảnh sát hình sự và nhà tài trợ đến với địa bàn vùng sâu, vùng xa có những hoàn cảnh nạn nhân khó khăn nhất… 

Hòa Thu
.
.