Đề xuất tăng mức phụ cấp cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở

Thứ Hai, 28/02/2022, 08:08

Đó là ý kiến của các đại biểu tại hội thảo "Thực tiễn hoạt động và yêu cầu hoàn thiện chính sách pháp luật về các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở" do Bộ Công an tổ chức ngày 24/2 vừa qua. Theo các đại biểu, mức phụ cấp đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở hiện nay còn thấp.

Ông Hà Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thành- một xã miền núi có địa bàn rộng của huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa từng là Trưởng Công an xã bán chuyên trách nhiều năm. Qua thực tiễn công tác cho thấy, vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trong đó có Công an xã bán chuyên trách rất quan trọng, là nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Trong những năm qua, Công an xã bán chuyên trách đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, giải quyết tốt những vụ việc về ANTT ngay ở cơ sở, không để xảy ra bị động, bất ngờ; chủ động nắm chắc tình hình, xây dựng kế hoạch, phương án công tác, tổ chức lực lượng tuần tra, phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật; tham mưu, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu; vận động quần chúng nhân dân tham gia các hoạt động phòng, chống các loại tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội... 

Tuy nhiên, kinh phí hỗ trợ cho lực lượng bảo đảm ANTT ở cơ sở trong đó có Công an xã bán chuyên trách hiện nay rất eo hẹp. Ở Thanh Hóa, trước đây, kinh phí hỗ trợ đối với Công an xã bán chuyên trách kiêm Tổ trưởng Tổ bảo vệ ANTT ở thôn, bản mỗi tháng là hơn 800.000 đồng. Nhưng hiện nay, do các chức danh trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận kiêm nhiệm nên chỉ nhận được phụ cấp hơn 400.000 đồng.

Mức phụ cấp như vậy chưa động viên để họ gắn bó công tác. Vì vậy, cùng với đề nghị Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành có liên quan báo cáo, đề nghị Quốc hội nghiên cứu, sớm ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, ông Hà Văn Chung cũng đề nghị đưa nội dung này vào văn bản luật để quy định mức lương cụ thể, tránh tình trạng các tỉnh có diện tích rộng, người đông không có nguồn kinh phí đủ để hỗ trợ lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở yên tâm công tác.

Cùng với đó, chế độ chính sách đối với những người tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở không may bị thương, hi sinh còn chưa kịp thời, làm giảm tinh thần nhiệt huyết của người tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Đề xuất tăng mức phụ cấp cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở -0
Chế độ phụ cấp cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở hiện nay còn thấp.

Đồng quan điểm với ông Hà Văn Chung, ông Lê Lập Vũ Quỳnh, Chủ tịch UBND phường 1, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị cũng cho biết, thời gian qua, lực lượng bảo vệ dân phố phường 1 đã góp phần giữ vững ANTT trên địa bàn; cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân xây dựng đơn vị phường 1 có bề dày thành tích trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở, trong đó có nhiều năm được Bộ Công an và UBND tỉnh Quảng Trị tặng Cờ thi đua và Bằng khen về thành tích trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Tuy nhiên, theo ông Lê Lập Vũ Quỳnh, việc đầu tư kinh phí, trang thiết bị, thực hiện chế độ chính sách đối với lực lượng bảo vệ dân phố còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Theo Nghị định 38/2006/NĐ-CP ngày 27/4/2006 của Chính phủ quy định mức phụ cấp hàng tháng của bảo vệ dân phố do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định từ nguồn ngân sách địa phương.

Thực tế tại địa bàn tỉnh Quảng Trị, mức phụ cấp hiện nay của bảo vệ dân phố theo quyết định của UBND tỉnh là quá thấp ( Trưởng ban: 0,55; phó trưởng ban: 0,05, ủy viên: 0,45, tổ viên: 0,4 nhân với mức lương cơ bản) trong khi nhiều thành viên bảo vệ dân phố điều kiện gia đình còn khó khăn, phải tập trung lao động sản xuất để đảm bảo cuộc sống gia đình nên ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động. Bên cạnh đó, cũng chưa quy định chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ khác nhau liên quan đến lực lượng bảo vệ dân phố.

Trang bị phương tiện của bảo vệ dân phố hiện nay còn nghèo nàn và thô sơ, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác giữ gìn ANTT ở địa bàn cơ sở. Vì vậy, cùng với đề xuất Bộ Công an phối hợp với các cấp, ngành liên quan sớm hoàn thiện, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, ông Lê Lập Vũ Quỳnh cũng bày tỏ mong muốn dự án Luật quy định chế độ chính sách đối với lực lượng này, đảm bảo ngày càng tốt hơn nhằm nâng cao hiệu quả nhiệm vụ công tác.

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, giao thông vùng nông thôn thấp kém, nhiều thôn bản vùng sâu chưa được phủ sóng thông tin, truyền hình, trình độ dân trí thấp. Tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh cơ bản được giữ vững ổn định, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định. Hơn nữa, Điện Biên cũng là tỉnh nghèo, ngân sách chủ yếu dựa vào Trung ương, kinh phí đảm bảo các hoạt động của Công an xã gặp nhiều khó khăn.

Công tác quy hoạch, định khung số lượng, chất lượng, chế độ chính sách, cơ sở vật chất chưa đáp ứng kịp thời. Đại tá Giàng Páo Sính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết, trong khi chờ Quốc hội ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, đề nghị Bộ Công an có kiến nghị các cấp có thẩm quyền nghiên cứu đề xuất sửa đổi bổ sung nâng mức phụ cấp cho Công an xã bán chuyên trách và bảo vệ dân phố, kịp thời có văn bản hướng dẫn thực hiện một số chế độ, chính sách như phụ cấp thâm niên, thực hiện đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho Công an xã bán chuyên trách và bảo vệ dân phố; quan tâm đầu tư kinh phí huấn luyện, trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm ANTT trong tình hình mới.  

Nguyễn Hương
.
.