Để vành đai biên giới trở thành “vùng xanh” bền vững (kỳ cuối)
Xác định đấu tranh với tội phạm ma túy là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, lâu dài, “làm sạch” ma túy tại địa bàn tuyến biên giới đã khó, “giữ sạch” ma túy càng khó khăn, phức tạp hơn. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an Nghệ An cần có sự chung tay, giúp đỡ của các cấp ngành, nhất là sự phối hợp của Công an 9 tỉnh có đường biên giới giáp với nước bạn Lào, góp phần củng cố, tạo nên phòng tuyến chống ma túy vững chắc…
Quan tâm an sinh xã hội
Để có những kết quả bước đầu đáng ghi nhận trong triển khai đề án “Xã biên giới sạch về ma tuý” tại Nghệ An, bên cạnh công tác tham mưu, chỉ đạo quyết liệt của Công an các cấp, thì còn có sự vào cuộc hỗ trợ, phối hợp, giúp sức của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương các cấp và mỗi người dân.
Vì vậy, trong quá trình thực hiện, Công an các đơn vị, địa phương tại Nghệ An đã tăng cường mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các lực lượng khác, nhất là lực lượng Biên phòng, Quân sự, Hải quan; xây dựng và hình thành cơ chế phối hợp đồng bộ, thống nhất với các ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, Y tế, Tư pháp, Tòa án… Đặc biệt, hết sức coi trọng và tranh thủ sự ủng hộ, giúp sức của các tổ chức đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương, ban cán sự các thôn, xóm, bản và sự đồng tình, giúp đỡ, chở che của nhân dân, nhất là người có uy tín tại các xã biên giới. Thực tiễn triển khai đề án cho thấy, địa bàn xã biên giới nào cấp ủy, chính quyền và nhân dân đồng tình ủng hộ, vào cuộc quyết liệt thì công tác “làm sạch” ma túy tại địa bàn đó được triển khai thuận lợi và hiệu quả nhanh chóng.
Trong đó, đối với công tác phòng ngừa, phải triển khai quyết liệt cả phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ bảo đảm tích cực, khẩn trương, hiệu quả và thường xuyên, lâu dài. Ngoài ra, để bảo đảm tính bền vững trong công tác phòng ngừa và “làm sạch” ma túy tại các xã biên giới, đề án đã tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp hỗ trợ về an sinh xã hội cho người dân các xã biên giới. Qua đó, đã giao 12 Công an các đơn vị, địa phương tiến hành kết nghĩa với 12 UBND xã biên giới khó khăn để tổ chức các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ người dân với tổng giá trị các hoạt động hỗ trợ trên 500 triệu đồng.
Đặc biệt, đã phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tham mưu tặng 100 ngôi nhà cho các đối tượng tha tù trở về địa phương, người nghiện sau cai nghiện thành công và người có đóng góp cho công tác bảo đảm ANTT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để hỗ trợ họ ổn định cuộc sống. Đồng thời, chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện biên giới rà soát, nắm tình hình dân tộc, miền núi, nhất là việc triển khai một số chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, đã trao tặng 10.000 biểu mẫu về công tác quản lý đối tượng sử dụng trái phép chất ma tuý, cai nghiện ma tuý theo luật mới, 5.000 bộ test nhanh ma tuý, 600 que test COVID-19, 3.000 tờ rơi, áp phích, băng rôn phòng, chống ma tuý, một số trang thiết bị cho Công an xã (máy vi tính, tivi, tủ lạnh…), 500 suất quà cho các em học sinh và hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trao dê giống sinh sản cho một số hộ gia đình người sau cai nghiện ma túy điển hình tái hoà nhập cộng đồng gặp khó khan với tổng giá trị hơn 700 triệu đồng.
Đây là những hoạt động hỗ trợ bước đầu rất thiết thực đối với lực lượng Công an và người dân các xã biên giới, thể hiện tác động tích cực rõ nét, kịp thời ngay sau khi đề án được triển khai thực hiện.
Công an tỉnh Nghệ An cũng đã phối hợp xây dựng và triển khai Quy chế phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Công an, Ban Dân tộc trong công tác bảo đảm ANTT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực biên giới, vùng miền núi, dân tộc. Ngoài ra, nhằm hỗ trợ các xã biên giới phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định phân công các sở, ngành cấp tỉnh hỗ trợ, giúp đỡ 22 xã miền núi, biên giới đặc biệt khó khăn. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân các xã miền núi, góp phần triển khai thực hiện hiệu quả đề án “Xã biên giới sạch về ma tuý”.
Để “vùng xanh biên giới” bền vững
Quá trình triển khai đề án đã có những tín hiệu vui, tuy nhiên địa bàn 27 xã biên giới là địa bàn đặc thù, xa xôi, 100% là rừng núi, địa hình hiểm trở, địa bàn rộng, đi lại rất khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác đấu tranh với tội phạm, tệ nạn ma túy còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, bên cạnh các cửa khẩu, đường tiểu mạch tại khu vực biên giới được các lực lượng kiểm soát, quản lý, tại các xã biên giới, có hàng trăm đường mòn, lối mở tự phát do người dân tự mở để qua lại hai bên biên giới; một số bản nằm ở khu vực núi cao, đường đi lại độc đạo… rất khó khăn trong quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy.
Bên cạnh đó, đời sống nhân dân ở địa bàn biên giới phần lớn còn khó khăn, trong khi việc triển khai các chính sách về an sinh xã hội, các hoạt động từ thiện, nhân đạo… mới chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu của người dân. Dân cư chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn hạn chế. Trong đó, một số địa bàn có người Mông sinh sống có tính cố kết cộng đồng cao, có tâm lý bao che nhau khi bị phát hiện phạm tội, một số có mối quan hệ thân tộc với người Mông Lào bên kia biên giới rất dễ bị tội phạm ma túy lợi dụng hoạt động hoặc trốn sang bên kia biên giới khi bị vây bắt.
Thiếu tướng Phạm Thế Tùng, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho rằng “làm sạch đã khó, giữ sạch càng khó hơn”. Vì vậy, đối với các địa bàn xã thuộc 6 huyện biên giới đã “làm sạch” ma túy, phải triển khai quyết liệt, toàn diện các biện pháp “giữ sạch”, tuyệt đối không để tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy phát sinh trở lại; phải xác định “giữ sạch” địa bàn là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, phải thực hiện hàng ngày, hàng giờ với quyết tâm cao nhất, quyết liệt nhất để “giữ sạch” bền vững địa bàn các xã biên giới.
Bên cạnh đó, việc triển khai nhân rộng đề án tại 65 xã có ma túy thuộc 6 huyện biên giới, trên cơ sở Kế hoạch của Công an tỉnh, người đứng đầu Công an tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương bám sát nhiệm vụ, nắm chắc tình hình, địa bàn để triển khai một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn tại địa phương. Trong đó, Công an 6 huyện biên giới phải rà soát kỹ từng địa bàn, xây dựng rõ lộ trình ưu tiên triển khai đối với từng xã, phát huy tốt những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện đề án tại 27 xã biên giới và xác định phương pháp, cách làm phù hợp để triển khai thực hiện.
Đặc biệt, Công an tỉnh Nghệ An xác định đấu tranh với tội phạm ma túy là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, lâu dài, “làm sạch” ma túy tại địa bàn tuyến biên giới đã khó, “giữ sạch” ma túy càng khó khăn, phức tạp hơn. Vì vậy, Công an Nghệ An cũng mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự giúp đỡ, hướng dẫn của các cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, nhất là sự phối hợp của Công an 9 tỉnh giáp biên giới Việt - Lào trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy, góp phần củng cố, tạo nên phòng tuyến chống ma túy vững chắc trên tuyến biên giới Việt - Lào.
Đồng thời, kính mong tiếp tục nhận được sự phối hợp, đồng thuận, ủng hộ, đồng hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh trong quá trình duy trì và nhân rộng đề án. Đây là những nhân tố quan trọng, quyết định đến mọi thành quả, nỗ lực trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy nói chung và “làm sạch” ma túy tại 6 huyện biên giới nói riêng. Với quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng “Huyện biên giới sạch ma túy”, từng bước đưa Nghệ An ra khỏi địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy của cả nước.
Đây cũng chính là động lực, tiền đề quan trọng để lực lượng Công an Nghệ An quyết tâm tiếp tục duy trì, giữ vững thành quả của đề án và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ triển khai nhân rộng đề án tại 6 huyện biên giới, tiến tới mục tiêu xây dựng “Huyện biên giới sạch ma túy” trong thời gian tới, góp phần bảo đảm ANTT vùng biên giới chiến lược, vừa tạo nền tảng, điều kiện thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân đồng bào miền núi tại các xã trên tuyến biên giới Việt - Lào.