Để Công an xã trở thành “tuyến đầu của tuyến đầu”
Công an TP Hồ Chí Minh xác định các phường, xã, thị trấn là “pháo đài” trong công tác phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự (ANTT). Đối với nhiều xã trên địa bàn thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh, vấn đề quản lý cư trú, đảm bảo ANTT đặt ra nhiều thách thức, do đó việc chính quy hóa lực lượng Công an xã là yêu cầu bức thiết trong tình hình mới.
Xã Bà Điểm có diện tích tự nhiên 705 ha, có 13.059 hộ với 91.062 nhân khẩu, xã đông dân của huyện Hóc Môn được chia thành 10 ấp với 215 tổ nhân dân, trong đó hơn 70% là người dân nhập cư từ các địa phương khác. Địa bàn xã rộng, dân cư đông đúc, mật độ gần 12.200 người/km2...
Đặc biệt, trên địa bàn xã có 1.468 hộ kinh doanh nhà trọ, 13.257 phòng trọ với 36.358 nhân khẩu lưu trú gây áp lực lớn cho công tác quản lý cư trú và tình hình ANTT tại địa phương. Đa số các đối tượng hoạt động lưu động, từ nơi khác đến thực hiện hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật... gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, xử lý. Do vậy, xã Bà Điểm có các địa điểm, tuyến hết sức phức tạp về ANTT trên bình diện của huyện Hóc Môn và của cả thành phố.
Đánh giá về hiệu quả khi đưa Công an chính quy về cơ sở, Trung tá Phạm Văn Mơ, Trưởng Công an xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, cho biết, trong 3 năm qua, trên địa bàn xã Bà Điểm xảy ra 63 vụ phạm pháp hình sự, chủ yếu về xâm phạm sức khỏe, tính mạng và xâm phạm sở hữu. Tuy nhiên, nhờ việc đưa Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã theo chủ trương tăng cường cơ sở của Bộ Công an và Công an thành phố, số vụ phạm pháp hình sự trong những năm qua giảm liên tục. Cụ thể, năm 2019 xảy ra 29 vụ phạm pháp hình sự, năm 2020 có 23 vụ và năm 2021 xảy ra 21 vụ. Hiện tại, Công an xã Bà Điểm có 32 Công an chính quy và 32 Công an bán chuyên trách. Xã đề nghị tăng cường, bố trí thêm Công an chính quy để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác chuyên môn, đảm bảo ANTT tại cơ sở trong tình hình mới.
Theo Trung tá Phạm Văn Mơ, trong 3 năm trở lại đây, việc tăng nhanh biên chế Công an chính quy về xã đã qua đào tạo nghiệp vụ cơ bản, một số đồng chí có nhiều kinh nghiệm đã phát huy năng lực, sở trường trong công tác. Qua đó, đã thúc đẩy việc tăng cường kỷ luật kỷ cương đơn vị, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác chuyên môn, công tác quản lý nhà nước về ANTT, đủ lực lượng bám sát địa bàn, nâng cao công tác quản lý đối tượng, quản lý cư trú... kéo giảm được số vụ phạm pháp hình sự; thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và công tác an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trong suốt thời gian qua.
Huyện Bình Chánh cũng là địa bàn phức tạp, giáp ranh với tỉnh Long An và có nhiều tuyến đường huyết mạch đi qua, tập trung đông dân cư, lao động tự do làm việc tại các khu công nghiệp. Để làm tốt công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn, ngay sau khi có quyết định triển khai tổ chức Công an xã chính quy từ cuối tháng 12/2021, Công an huyện Bình Chánh đã khẩn trương rà soát, thống kê số lượng và đề xuất phương án bố trí đối với cán bộ Công an xã bán chuyên trách có nguyện vọng tiếp tục công tác, tham gia đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở. Việc bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã đã mang lại những chuyển biến tích cực.
Trung tá Hoàng Anh Khánh, Trưởng Công an xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, cho biết tính đến nay Công an xã này có 54 đồng chí, trong đó có 37 đồng chí là Công an chính quy. Lực lượng Công an chính quy nắm sâu sát địa bàn, quản lý chặt chẽ nhân hộ khẩu trên địa bàn, từ đó đề ra các biện pháp áp dụng đối với các công tác nghiệp vụ, phòng ngừa được các loại tệ nạn xã hội và các đối tượng trên địa bàn…
Hiện Công an TP Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh xây dựng Công an xã chính quy tại 58 xã thuộc các huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh. Theo đó, Công an xã chính quy do Trưởng Công an xã chỉ huy, có từ 2 đến 3 Phó Trưởng Công an xã và có bộ máy gồm các Tổ Tổng hợp, Tổ Cảnh sát khu vực, Tổ Cảnh sát phòng, chống tội phạm.
Trao đổi về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết Công an TP Hồ Chí Minh xác định các phường, xã, thị trấn là “pháo đài” trong công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT. Hiện nay, Công an TP Hồ Chí Minh đang tập trung đầu tư cho lực lượng Công an xã, từ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, chế độ chính sách và cả tập huấn nghiệp vụ để lực lượng này trở thành “tuyến đầu của tuyến đầu” trong phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT, đáp ứng được yêu cầu công việc trong tình hình mới.
Từ sau Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy trên toàn quốc do Bộ Công an tổ chức vào ngày 31/5/2021 đến nay, nhìn chung Công an TP Hồ Chí Minh đã tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Công an xã, đã đạt được một số kết quả rõ rệt, nổi bật như: tham mưu Bộ Công an quyết định tổ chức Công an xã chính quy tại 58 xã, trong đó có 53 xã trọng điểm, phức tạp về ANTT. Điều động 772 cán bộ Công an chính quy về công tác tại Công an các xã; tổ chức được 9 lớp bồi dưỡng với gần 731 học viên là Công an xã, thị trấn chính quy; Công tác bố trí kinh phí, trang bị, bố trí quỹ đất, xây dựng, sửa chữa cơ sở làm việc của Công an xã đã được tiếp tục tăng cường. Lực lượng Công an xã đã thể hiện được vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, triển khai cấp Căn cước công dân gắn chip và bảo đảm ANTT tại địa bàn cơ sở.
Theo Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, việc chính quy hóa lực lượng Công an xã là một chủ trương lớn, yêu cầu khách quan, cấp bách xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phục vụ công tác phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn khu vực nông thôn ở TP Hồ Chí Minh trong tình hình mới. Sự thay đổi này sẽ góp phần bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người dân, kịp thời ngăn chặn, phát hiện, xử lý tội phạm tại cơ sở.